Thứ sáu, 4-10-2024 - 12:35 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Dự báo trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các đối tác thương mại hàng đầu thế giới 

 Thứ hai, 19-8-2024

AsemconnectVietnam - Trung Quốc và Mỹ hiện vẫn duy trì là 2 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trên thế giới.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 07 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 32,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 79,6 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 47 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023.
Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng..., cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Ở chiều xuất khẩu, nông sản là mặt hàng chủ lực mà Việt Nam xuất sang phía bạn. Đặc biệt, mặt hàng sầu riêng chính là mặt hàng “hot” của Việt Nam mà thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Hoa Kỳ đạt 66,1 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Hoa Kỳ hiện là thị trường lớn nhất của hàng hoá Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 6 của Hoa Kỳ.
Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều nhóm mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; điện thoại các loại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép…
Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ nhiều sản phẩm phục vụ cho sản xuất như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; bông; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; thức ăn gia súc và nguyên liệu…
Trao đổi thương mại Việt Nam – Trung Quốc dự báo có thể đạt kim ngạch 200 tỷ USD
Với con số 112,2 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt khoảng 16 tỷ USD. Như vậy, trong 5 tháng còn lại, dựa theo sự cải thiện mạnh mẽ về thương mại nửa đầu năm 2024, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong năm nay có thể sẽ tiến sát mốc 200 tỷ USD. Trong kịch bản tăng trưởng nửa cuối năm được duy trì như nửa đầu năm, thì sẽ đạt 190 tỷ USD; nếu phục hồi tốt hơn, thì sẽ đạt, thậm chí vượt mốc 200 tỷ USD. Điều này là khả quan vì theo quy luật hàng năm, xuất nhập khẩu sẽ tăng cao vào dịp cuối năm do nhu cầu xuất nhập khẩu tăng mạnh phục vụ tiêu dùng, Lễ tết cuối năm.
Theo kế hoạch, trong tháng 9/2024, Hội chợ Thương mại dịch vụ quốc tế Trung Quốc năm 2024 sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác thương mại dịch vụ với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là hội chợ tổng hợp, tập trung chủ yếu vào các ngành dịch vụ, bao gồm năng lượng, bưu chính, viễn thông; dịch vụ tài chính; dịch vụ văn hóa du lịch; dịch vụ giáo dục; dịch vụ thương mại và chuỗi cung ứng… Đây là cơ hội quan trọng giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Trao đổi thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ dự báo có thể vượt ngưỡng 100 tỷ USD
Dự báo trong năm 2024, trao đổi thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có thể vượt ngưỡng 100 tỷ USD và dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, có nhiều lý do để thương mại hai nước tăng trưởng liên tục trong thời gian qua, ngay cả trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Trước hết là quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển. Năm 2013, hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, đến năm 2023, hai nước chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Bên cạnh đó, hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đồng thời tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Bộ Công Thương vừa tổ chức Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại - đầu tư tại Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hoạt động hợp tác thương mại, kết nối đầu tư - kinh doanh với thị trường Hoa Kỳ.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 11 ngày 9 năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng vững chắc, giúp hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột; trong đó trụ cột kinh tế thương mại đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước. Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam nhiều năm liên tục và hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ rất đa dạng và phong phú. Dự báo, kim ngạch thương mại hai nước trong năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt nhiều kết quả khả quan.
Theo ông Vũ Bá Phú, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các tổ chức xúc tiến thương mại - đầu tư ngày càng tăng cường hoạt động hỗ trợ cho giới doanh nghiệp đồng thời cũng đẩy mạnh sự hợp tác với nhau trong lĩnh vực xúc tiến thương mại - đầu tư. Việc tăng cường hợp tác quốc tế giữa các tổ chức xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư là tất yếu và cần thiết.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện các hoạt động kết nối giao thương B2B trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ, ước tính có hơn 40 lượt doanh nghiệp giao thương.
Dự báo, trong thời gian tới, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khi nhu cầu thị trường tăng lên, hàng tồn kho giảm.
Lo ngại lớn nhất khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ là việc nước này gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu.
Để hạn chế rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định về phòng vệ thương mại, tạo được các giá trị gia tăng trên sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp cần lưu trữ số liệu xuất khẩu để hợp tác với cơ quan điều tra khi xảy ra vụ việc.
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn/trungtamwto.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25714818410