Xuất nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hóa quý 1/2023
Thứ sáu, 28-4-2023AsemconnectVietnam - Kinh tế thế giới phục hồi chậm, và chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia đã làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, và gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý 1.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong quý 1/2023 đạt 153,8 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình xuất khẩu hàng hóa quý 1/2023
Trong quý 1, xuất khẩu cả nước đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hết quý 1, có 14 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 2 nhóm hàng đạt 10 tỷ USD trở lên.
2 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là: điện thoại và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 12 tỷ USD, giảm 9,3%.
Đáng chú ý, ngoài 2 nhóm hàng chủ lực nêu trên, các mặt hàng xuất khẩu lớn khác như: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ… đều có kim ngạch giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình nhập khẩu hàng hóa quý 1/2023
Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý 1 đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, quý 1, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 153,8 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại đạt thặng dư 4,8 tỷ USD.
Kết quả đạt được trong quý 1 mới bằng khoảng 21% kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 (năm ngoái đạt 730,2 tỷ USD). Để đạt được kết quả bằng hoặc cao hơn năm 2022, trong 3 quý cuối của năm nay kim ngạch xuất nhập khẩu phải đạt từ 576,4 tỷ USD trở lên, bình quân từ 192 tỷ USD/quý trở lên, cao hơn tới 38 tỷ USD so với quý đầu năm.
Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý 1/2023
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ cho biết, nếu xét theo nhóm hàng đã có 35/45 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có sự tăng trưởng âm trong quý 1 và chiếm đến 83,1% giá trị xuất khẩu. Trong đó có một số nhóm hàng chủ lực giảm mạnh như: gỗ và các sản phẩm về gỗ giảm 28,3%; linh kiện giảm 15%; dệt may giảm 17,4%; điện, máy tính linh kiện giảm 10,9%...
Về thị trường, những con số trên cũng cho thấy sự sụt giảm ở hầu hết các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nếu so với quý 1/2022, có thể thấy thực trạng xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong quý 1/2023 đang rất đáng lo ngại, do nhu cầu tiêu dùng của thế giới ngày càng sụt giảm, dẫn tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị sụt giảm đơn hàng.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Phong, bức tranh xuất nhập khẩu quý 1 vẫn còn những điểm sáng. Thứ nhất, trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm và suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia thì xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn giữ được quy mô tương đương với quý 1/2021. Thứ hai, dù chúng ta đã sụt giảm cả về xuất khẩu và nhập khẩu nhưng vẫn giữ được cán cân thương mại quý 1 tăng 4,07 tỷ USD, cao hơn mức 1,9 tỷ USD (2022) và 2,5 tỷ USD (2021).
Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ cho rằng, cần tiếp tục tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nỗ lực thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt là cần theo dõi sát diễn biến của các nền kinh tế lớn trên thế giới, có ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại song phương với Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản để từ đó kịp thời đưa ra các cảnh báo thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá ngành hàng, giảm bớt lệ thuộc với các thị trường, ngành hàng truyền thống như Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ La tinh. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao hiệu quả, điều tiết tốc độ thông quan hàng hoá xuất khẩu tại các khu vực cửa khẩu thuộc biên giới Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các ngành hàng nông sản, thuỷ sản mang tính chất thời vụ, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, theo phân tích của Bộ Công Thương, do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 12,2 tỷ USD, giảm 27,4%; thị trường ASEAN đạt 10,3 tỷ USD, giảm 12,9%; Nhật Bản đạt 5,6 tỷ USD, giảm 4,5%; thị trường EU đạt 3,4 tỷ USD, giảm 12,1%; Hoa Kỳ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 10,1%.
Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu
Để mở rộng thị trường ngoài nước, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường. Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA); tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA; tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn/haiquanonline.com.vn
Tình hình xuất nhập khẩu phân bón của Việt Nam tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2023
Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc của Việt Nam quý 1/2023
Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam tháng 3 và quý 1/2023
Tăng trưởng xuất khẩu dệt may tiếp tục giảm
Tháng 3/2023, xuất khẩu cà phê sang Indonesia, Nga, Algeria tăng trưởng 3 con số
Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam quý 1/2023
Nhật Bản tăng mua sầu riêng Việt Nam
Quý I/2023, Việt Nam nhập khẩu ô tô nguyên chiếc nhiều nhất từ thị trường nào?
Thế giới tăng mua, giá gạo xuất khẩu tăng cao nhất 10 năm qua
Nửa cuối tháng 3, cán cân thương mại thặng dư 1,97 tỷ USD
Dệt may, thủy sản, điện tử có cơ tăng xuất khẩu sang Israel
Giá gạo xuất khẩu sẽ duy trì ở mức cao trong quý 2/2023
70 vùng trồng, 13 cơ sở đóng gói khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc
Quý I/2023, xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói, thảm giảm 2 con số