Thứ tư, 4-12-2024 - 19:44 GMT+7  Việt Nam EngLish 

ASEM: Động lực quan trọng của tăng trưởng, liên kết kinh tế toàn cầu 

 Thứ tư, 23-6-2021

AsemconnectVietnam - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đã trao đổi với báo chí về những ý nghĩa của sự kiện, những thành quả đạt được của ASEM trong 25 năm qua; sự tham gia, đóng góp của Việt Nam vào cơ chế đa phương này.

Chiều 22/6, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Đối thoại chính sách cao cấp Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) với chủ đề: “25 năm thành lập ASEM-Tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á-Âu trong một thế giới đang thay đổi.”
Đối thoại được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội. Đây là sáng kiến của Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM (1996-2021) và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Diễn đàn trong năm 2021.
Bên lề sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã trao đổi với báo chí về những ý nghĩa của sự kiện, những thành quả đạt được của ASEM trong 25 năm qua; sự tham gia, đóng góp của Việt Nam vào cơ chế đa phương này.

- Đối thoại chính sách cao cấp Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) là sáng kiến của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM (1996-2021) đã được các nước thành viên đánh giá cao, ủng hộ mạnh mẽ. Xin Thứ trưởng chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện này?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) là diễn đàn duy nhất kết nối hai châu lục-châu Á với châu Âu, bao gồm 53 thành viên. Đây là diễn đàn lớn, chiếm khoảng 60 % dân số, 55 % thương mại và hơn 60 % GDP toàn cầu, bao gồm các đối tác, nền kinh tế lớn và rất năng động ở cả châu Á và châu Âu.
Đối thoại chính sách cao cấp Diễn đàn ASEM nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập ASEM lần này là sáng kiến của Việt Nam, cũng là một trong số ít diễn đàn được tổ chức bằng hình thức cả trực tiếp và trực tuyến trong bối cảnh hơn một năm qua, thế giới phải hứng chịu đại dịch COVID-19. Diễn đàn lần này có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Đặc biệt, 3 Bộ trưởng Ngoại giao từ Anh, Hàn Quốc, Singapore đã tham dự trực tiếp; nhiều đại diện từ các giới học giả, các nhà kinh tế, các tổ chức xã hội tham dự trực tuyến.
Việc chúng ta tổ chức được Diễn đàn trong thời điểm thế giới đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19 cho thấy sự coi trọng của Việt Nam cũng như của các nước đối với quan hệ đối tác Á-Âu; đặc biệt cho thấy một số nước, trong đó có Việt Nam, đã thành công nhất định trong quá trình chống dịch COVID-19 và bắt đầu quay trở lại cuộc sống bình thường.
Điểm đáng mừng là chúng ta có thể tiếp tục khẳng định: Việt Nam là điểm đến an toàn đối với các hoạt động đầu tư-kinh doanh và tại Việt Nam, hợp tác quốc tế đã bình thường trở lại.
Bên cạnh đó, trong khi thế giới đang phải chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, đồng thời đang chứng kiến sự chuyển dịch rất rõ ràng, đặc biệt là tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và xu hướng phát triển bền vững, bao trùm, xanh, Diễn đàn là dịp quan trọng để các đại biểu thảo luận các biện pháp cụ thể, thực chất; chia sẻ những kinh nghiệm và các biện pháp phục hồi kinh tế bền vững, cũng như chống dịch COVID-19.
Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình chia sẻ vaccine, tăng cường hợp tác trong việc phát triển sản xuất vaccine, cũng như chuyển giao công nghệ vaccine.
Rất nhiều diễn giả cũng nhấn mạnh, không ai an toàn nếu như tất cả không được tiêm đầy đủ vaccine. Tất cả các nền kinh tế Á-Âu phải chung tay cùng vượt qua đại dịch này. Ngoài ra, về trung và dài hạn, chúng ta cũng phải bắt tay ngay vào việc xử lý các thách thức, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu, tận dụng sự phát triển như vũ bão của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi vào phát triển xanh sạch, bền vững, bao trùm và sáng tạo, vì chất lượng cuộc sống của người dân ở hai châu lục Á-Âu.
Trong thảo luận, các đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh thế giới chuyển dịch nhanh, châu Á, châu Âu cần phát huy hơn nữa vai trò quan trọng trong việc tạo lập trật tự thế giới dựa trên luật lệ, cũng như củng cố và đề cao những giá trị cốt lõi chung của hai châu lục Á-Âu, đặc biệt là việc ủng hộ hệ thống đa phương, giải quyết các tranh chấp và khác biệt bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế; ủng hộ tự do hóa thương mại - đầu tư, sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế.
Đồng thời, qua sự kiện này, ASEM cũng thể hiện là một diễn đàn hết sức năng động, là một vườn ươm các ý tưởng hợp tác mới. Rất nhiều diễn giả đã chia sẻ ý tưởng, tầm nhìn để trong chặng đường 5, 10 năm và nhiều năm tới, Diễn đàn ASEM sẽ trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng, liên kết kinh tế toàn cầu và là một phần rất quan trọng của một thế giới xanh-sạch, một thế giới phát triển bền vững, bao trùm, sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm; từ đó, để ASEM phát huy vai trò toàn cầu mạnh mẽ hơn, định hình một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, đem lại hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hạnh phúc, không chỉ cho hai châu lục này mà cho toàn thế giới.

- Năm 2021 kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM, cũng đánh dấu chặng đường 25 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn. Xin Thứ trưởng đánh giá về sự tham gia, đóng góp của Việt Nam trong ASEM thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Trong 25 năm qua, từ khi trở thành thành viên sáng lập Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Việt Nam đã thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, Nhà nước là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Trong tổng thể chính sách đối ngoại cũng như chính sách đối ngoại đa phương của chúng ta, ASEM có một vị trí hết sức quan trọng, với tư cách là một diễn đàn đa phương cũng như bao gồm các thành viên hợp tác quan trọng của chúng ta.
Diễn đàn có 53 thành viên - chiếm 27 trong tổng số 30 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, chiếm 80 % du lịch vào Việt Nam, 60 % kim ngạch thương mại với Việt Nam, khoảng 70% đầu tư vào Việt Nam và chiếm 17 trong tổng số 20 đối tác FTA của Việt Nam.
Trong 25 năm qua, Việt Nam đã có đóng góp rất tích cực vào các hoạt động của diễn đàn. Chúng ta đã đăng cai các hoạt động cấp cao nhất của ASEM, như Hội nghị thượng đỉnh ASEM năm 2004 hay Hội nghị Bộ trưởng ASEM năm 2009.
Việt Nam cũng đảm nhiệm một số vị trí rất quan trọng của tiến trình hợp tác ASEM như đóng vai trò điều phối hợp tác Á-Âu, là Phó Giám đốc của Quỹ Á-Âu và là một trong những nước mà đưa ra rất nhiều sáng kiến hợp tác. Chúng ta đã bảo trợ, đồng bảo trợ cho khoảng hơn 60 sáng kiến và dự án hợp tác phát triển tại ASEM.
Không chỉ đóng góp, chúng ta cũng tranh thủ rất tốt diễn đàn này. Thông qua ASEM, Việt Nam đã tranh thủ được những kinh nghiệm, nguồn lực về phát triển, cải cách kinh tế. Chúng ta cũng đã có rất nhiều dự án liên kết với các thành viên phát triển trong ASEM để tập trung vào những lĩnh vực đất nước cần như: Thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển vùng, tiểu vùng... qua đó cũng chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý nguồn nước, phát triển bền vững, hợp tác vùng cũng như bảo đảm an ninh nguồn nước sông Mekong.
Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác với các thành viên, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế số, xã hội số cũng như các mô hình phát triển kinh tế xanh, sạch, bền vững, bao trùm, sáng tạo. Đây là một thế mạnh của rất nhiều nước phát triển trong ASEM và họ đã chia sẻ với chúng ta. Với những lĩnh vực này, Việt Nam đã có những dự án hợp tác ở cả cấp, các bộ, ngành cũng như cấp địa phương.
- Nhân dịp này xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu nói chung và hợp tác ASEM nói riêng trong triển khai các chủ trương, chính sách và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới, hướng tới hiện thực hóa khát vọng của dân tộc trở thành một nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI?
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Như chúng ta đã biết, Diễn đàn ASEM là tập hợp của rất nhiều nền kinh tế năng động, có trình độ phát triển rất cao. Trong khi đó, Việt Nam đã xác định mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới là thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, năm 2045 trở thành một nước phát triển có thu nhập cao.
Để hiện thực hóa những khát vọng và mục tiêu đó, chúng ta rất cần tranh thủ các nguồn lực cũng như kinh nghiệm của các nước phát triển trong ASEM. Diễn đàn hợp tác Á-Âu nói chung và Diễn đàn ASEM lần này đã đưa ra rất nhiều mô hình hợp tác cũng như các chương trình hợp tác trong lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế bền vững, mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế bao trùm, kinh tế đem lại hạnh phúc và đem lại giá trị, chất lượng cuộc sống cao. Đó là những mô hình hay mà chúng ta có thể học hỏi từ các thành viên phát triển hơn ở khu vực châu Âu.
Hợp tác ASEM đã tạo một nền tảng đa phương với các chương trình hợp tác trên 3 trụ cột về văn hóa-xã hội, về thương mại-đầu tư, khoa học công nghệ. Trên cơ sở chương trình hợp tác đa phương đó, chúng ta có thể tăng cường hợp tác đi vào chiều sâu song phương với từng đối tác trong ASEM, trên cơ sở những thế mạnh của họ cũng như nhu cầu của ta. Qua đó, chúng ta có thể tranh thủ nguồn lực để thúc đẩy quá trình triển khai chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, lấy chất lượng làm nền tảng.

- Thứ trưởng kỳ vọng gì về triển vọng hợp tác Á-Âu trong hai thập kỷ tới?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Thời gian qua cũng như qua Đối thoại lần này, cho thấy có bốn lý do để hợp tác Á-Âu không thể thiếu được và ngày càng quan trọng.
Thứ nhất, thế giới đang phải đương đầu với đại dịch COVID-19 và theo nhiều đánh giá, đại dịch sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới. Thứ hai, hiện nay các nền kinh tế đang trong quá trình hồi phục nhưng sự hồi phục đó không đồng đều, do mức độ tiếp cận vaccine khác nhau. Thứ ba, các quốc gia đang phải đương đầu với nguy cơ tác động rất lớn của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống con người, của sự suy kiệt các nguồn lực. Thứ tư, thế giới đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của cách mạng số, cách mạng khoa học kỹ thuật.
Đó là bốn lý do các nước ASEM cho rằng cần phải tăng cường hợp tác. Tại sự kiện này, các Bộ trưởng nhấn mạnh, hợp tác của ASEM là không thể thiếu để có thể tận dụng những cơ hội và xử lý những thách thức đang đặt ra cho cộng đồng quốc tế, trong đó có diễn đàn Á-Âu.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy có một số xu hướng quốc tế như hoạt động đơn phương và vi phạm luật pháp quốc tế, vì lợi ích hẹp hòi vị kỷ. Đây là những lý do để ASEM cần phải hợp tác để cùng nhau xác lập một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Các thành viên cần xử lý những khác biệt, tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau.
Đó là những điểm chung, điểm đồng lợi ích giữa các thành viên ASEM, cho thấy ASEM có vai trò quan trọng không chỉ là hiện nay mà trong 10, 15, 20 năm và nhiều năm tới. Đây là những thách thức dài hạn, cần phải có sự phối hợp trong ASEM.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.
 
Nguồn: www.vietnamplus.vn/asem-dong-luc-quan-trong-cua-tang-truong-lien-ket-kinh-te-toan-cau/721809.vnp

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716210416