Thứ năm, 19-9-2024 - 15:4 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 2 quý và năm 2024 

 Thứ ba, 11-6-2024

AsemconnectVietnam - Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngành thủy sản đang nỗ lực phấn đấu và hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2024.
Tình hình xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm và dự báo 2 quý đầu năm 2024
Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính thì mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%. Xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất (+84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (+22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.
Trong Top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có thị trường Hoa Kỳ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ 5 tháng đầu năm đạt 605 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Top 3 mặt hàng chiếm tỷ trọng chi phối là tôm, cá ngừ, cá tra. Các mặt hàng có tăng trưởng và có xu hướng khả quan trong thời gian tới gồm cá tra (+18%), cá ngừ (+29%), cua (+36%), nhuyễn thể có vỏ (+27%).
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) 5 tháng đầu năm 2024 đạt 580 triệu USD, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, riêng doanh số sang thị trường Trung Quốc là 503 triệu USD, tăng 8%.
Tôm và cá tra là mặt hàng chủ lực sang thị trường Trung Quốc, chiếm lần lượt 42% và 35%. Xuất khẩu cá tra giảm sâu 44% (chủ yếu giảm phân khúc cá phi le, trong khi cá nguyên con và bong bóng cá tra vẫn tăng).
Trong khi đó, xuất khẩu tôm tăng 40% nhờ tăng mạnh tôm hùm và tôm chân trắng.
Xuất khẩu các sản phẩm cá biển sang thị trường Trung Quốc giảm gần 40%. Bù lại xuất khẩu cua sang thị trường này bứt phá gấp 7 lần cũng nhờ tăng mạnh cua sống phục vụ cho phân khúc dịch vụ, nhà hàng, khách sạn của thị trường này.
5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 582 triệu USD, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu thủy sản sang EU đạt gần 380 triệu USD, tăng nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hàn Quốc đạt gần 300 triệu USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu thủy sản năm 2024 hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch 10 tỷ USD
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Kỳ vọng sau quý 2/2024, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III - thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm.
Quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, ngành thủy sản đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên.
Nguồn hải sản khai thác gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu.
Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các qui định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác IUU đang khiến cho nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn.
Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, cá tra, hải sản kiến nghị cần xây dựng hình ảnh và marketing cho cá tra Việt Nam, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất xuất khẩu cá ngừ, tiềm năng xuất khẩu mực-bạch tuộc, surimi của Việt Nam…
Chia sẻ về những khó khăn của ngành tôm, ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh cho rằng, xuất khẩu tôm của Việt Nam hiện đã có mặt ở hơn 100 thị trường.
Trong top 5 thị trường lớn, thị trường Mỹ tăng khoảng 5%, châu Âu tương đương năm ngoái; thị trường Nhật Bản giảm 4% chủ yếu là hàng chế biến; thị trường Trung Quốc tăng 41%. Tuy nhiên, dự báo những tháng cuối năm, tôm Việt Nam xuất khẩu vào Trung Truốc sẽ khó khăn.
Ngoài ra, một trong những khó khăn được các doanh nghiệp đề cập là giá cước tàu biển tăng mạnh. Trong đó, cước tàu đi Mỹ tăng đột biến 40% từ tháng 5/2024; cước tàu đi EU tăng 60%... do chiến tranh ở Trung Đông và Trung Quốc gom contaier rỗng dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn áp thuế mới.
Để đạt mục tiêu đặt ra, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường, trong đó cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, đồng thời cập nhật thông tin từ các thị trường để đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để xuất khẩu thủy sản bền vững, điều quan trọng nhất hiện nay là gỡ được thẻ vàng IUU; doanh nghiệp đa dạng sản phẩm xuất khẩu; thúc đẩy xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, điểm nghẽn ảnh hưởng đến xuất khẩu …
Đặc biệt, để gỡ thẻ và IUU, các tỉnh phải quan tâm quản lý đội tàu đánh bắt hải sản; đảm bảo truy xuất nguồn gốc, truy đến cùng những cảng cá vi phạm, yêu cầu xử lý hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng.
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn/haiquanonline.com.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25714513175