Thứ năm, 5-12-2024 - 3:55 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Việt Nam đóng góp tích cực vào tiến trình hợp tác tài chính ASEAN 

 Thứ hai, 8-4-2024

AsemconnectVietnam - Mặc dù phải đối diện với những tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính Việt Nam đã cùng các nước thành viên tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác tài chính khu vực theo đúng mục tiêu đề ra.

Trong các ngày từ 3-5/4 tại Luang Prabang, Bắc Lào đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM) lần thứ 28 và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 11 và các hội nghị liên quan.
Ngay sau khi kết thúc các hội nghị, phóng viên TTXVN tại Lào đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về ý nghĩa, tầm quan trọng, những kết quả nổi bật của hội nghị cũng như vai trò và vị thế của Việt Nam trong tiến trình hợp tác tài chính ASEAN.
Đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuỗi hội nghị, Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh hội nghị lần này mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, là chuỗi hội nghị quan trọng nhất trong các hoạt động hợp tác tài chính Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay.
Tại các hội nghị, Bộ trưởng Tài chính của 10 nước ASEAN đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi về các vấn đề quan trọng trong hợp tác ASEAN và đưa ra định hướng chỉ đạo cho các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc các Bộ trưởng Tài chính ASEAN gặp nhau trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhiều khó khăn thách thức khẳng định quyết tâm của các cơ quan tài chính ASEAN tăng cường hợp tác, cùng nhau giải quyết các thách thức chung của khu vực đồng thời truyền đi thông điệp tích cực về một ASEAN gắn kết và tự cường, đúng như chủ đề ưu tiên của năm ASEAN 2024.
Bộ trưởng nhấn mạnh hội nghị năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, khi có Bộ trưởng Tài chính Lào chủ trì hội nghị.
Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng đi vào chiều sâu, hợp tác chặt chẽ trên tất cả các kênh, việc Bộ Tài chính Lào chủ trì hội nghị là niềm vinh dự, thể hiện vai trò vị thế ngày càng cao của Lào trong khu vực.
Đánh giá về những kết quả nổi bật đạt được trong chuỗi hội nghị lần này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết kết quả quan trọng nhất của chuỗi hội nghị là việc các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN đã nhất trí cao trong nhiều vấn đề quan trọng, khẳng định sự thống nhất của ASEAN đối với các vấn đề toàn cầu và khu vực, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một ASEAN kết nối và tự cường, thể hiện trong Tuyên bố chung của các Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng đã ghi nhận những kết quả quan trọng của các kênh hợp tác tài chính ASEAN, như thuế, hải quan, bảo hiểm, chứng khoán, và cho định hướng chỉ đạo các hoạt động hợp tác tài chính ASEAN trong thời gian tới, tập trung vào các vấn đề nổi lên trong khu vực, như tài chính xanh, tài chính số, huy động nguồn lực cho cơ sở hạ tầng, ứng phó với rủi ro thiên tai.
Đặc biệt trong năm nay, bên cạnh các kênh hợp tác truyền thống, các bộ trưởng cũng đã phê duyệt thành lập Diễn đàn Kho bạc ASEAN, coi đây là kênh hợp tác mới trong lĩnh vực kho bạc.
Hy vọng kênh hợp tác kho bạc sẽ phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực cho tiến trình hợp tác tài chính ASEAN nói chung và cải thiện năng lực cho cơ quan kho bạc của từng nước.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc duy trì đối thoại với các cộng đồng doanh nghiệp cũng là đóng góp quan trọng cho kết quả hội nghị, bởi đây là cơ hội để các doanh nghiệp trình bày nguyện vọng và những vấn đề quan tâm, chia sẻ với các bộ trưởng, cũng là diễn đàn để các bộ trưởng truyền tải tới cộng đồng doanh nghiệp những định hướng chính sách quan trọng, những kết quả về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tăng cường thu hút vốn đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp, đóng góp cho tăng trưởng của mỗi nước cũng như của cả khu vực.
Đánh giá về vai trò và vị thế của Việt Nam trong tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết kênh hợp tác Tài chính ASEAN được hình thành từ rất sớm vào năm 1997, đây cũng là một trong những kênh hợp tác sâu rộng nhất trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam nói riêng và toàn khu vực ASEAN nói chung.
Kể từ năm 1997 đến nay, Bộ Tài chính Việt Nam đã 3 lần chủ trì tiến trình hợp tác tài chính ASEAN vào các năm 2008, 2010 và 2020, mỗi lần đều để lại những dấu ấn đậm nét.
Nổi bật nhất, trong năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN.
Mặc dù, phải đối diện với những tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính Việt Nam đã cùng các nước thành viên tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác tài chính khu vực theo đúng mục tiêu đề ra.
Việt Nam đề nghị khu vực tư nhân tham gia chặt chẽ trong việc đề xuất các giải pháp mang tính kỹ thuật và nguồn lực cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy hơn nữa khả năng kết nối khu vực.
Trong vai trò chủ trì tiến trình hợp tác tài chính, Bộ Tài chính Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài chính các nước thành viên tiếp tục triển khai các sáng kiến trong các lĩnh vực hợp tác tài chính trong khu vực như: Mở rộng hợp tác thuế, hải quan, tự do hóa dịch vụ tài chính, tăng cường tài chính bền vững và tiếp tục thúc đẩy tài chính cơ sở hạ tầng.
Tất cả các hoạt động hợp tác tài chính này đều hướng tới việc thực hiện các mục tiêu đã được đề ra tại Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Theo Bộ trưởng, ngay cả khi không đóng vai trò chủ trì, Bộ Tài chính Việt Nam vẫn chủ động tham gia và góp phần đưa ra những sáng kiến, đề xuất nhằm xây dựng cấu trúc hội nhập tài chính khu vực, hướng tới các mục tiêu chung, góp phần nâng cao vị thế của khu vực trên thị trường quốc tế, đồng thời từng bước chuyển hóa các sáng kiến hợp tác khu vực thành lợi ích cụ thể cho từng quốc gia, qua đó có đóng góp tích cực vào tiến trình hợp tác tài chính ASEAN.
Chia sẻ về các ưu tiên trong hợp tác ASEAN năm 2024, cũng như quan điểm của Việt Nam đối với các sáng kiến ưu tiên này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết năm 2024, nước chủ nhà Lào lựa chọn chủ đề “ASEAN: Tăng cường kết nối và tự cường” là ưu tiên hợp tác của ASEAN.
Chủ đề này thể hiện tầm nhìn của Lào nhằm củng cố Cộng đồng ASEAN, tăng cường hợp tác ASEAN về kết nối và khả năng phục hồi, thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng và tăng cường quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, đồng thời duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang phát triển.
Các ưu tiên của Lào tập trung vào 3 mũi nhọn chiến lược gồm: (i) Hội nhập và kết nối các nền kinh tế, (ii) Xây dựng một tương lai toàn diện và bền vững, và (iii) Chuyển đổi cho tương lai kỹ thuật số.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, các ưu tiên của Lào trong năm nay rất phù hợp với những định hướng phát triển của Đảng và Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết 22 NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030, Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030."
Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ Tài chính Việt Nam ủng hộ các sáng kiến ưu tiên của Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2024 và sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Lào và các nước khác trong ASEAN để hoàn tất các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, đóng góp vào thành công chung của năm ASEAN 2024.
Đánh giá về những đóng góp của Bộ Tài chính Việt Nam trong hợp tác tài chính khu vực, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết kể từ năm 1997 nay, Bộ Tài chính Việt Nam đã 3 lần chủ trì tiến trình hợp tác tài chính ASEAN, mỗi lần đều để lại những dấu ấn đậm nét.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính Việt Nam đã chủ trì thành công Hội nghị Hội nghị Các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 26 và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan vào tháng 12/2023 tại Hạ Long, Việt Nam.
Hai hội nghị nói trên là điểm nổi bật trong hợp tác bảo hiểm ASEAN giữa các cơ quan quản lý bảo hiểm và khối doanh nghiệp bảo hiểm. Đây là diễn đàn quan trọng nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về hợp tác bảo hiểm ASEAN.
Thông qua cơ chế đối thoại, cơ quan quản lý có cơ hội tham vấn ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp bảo hiểm để có những quyết sách phù hợp.
Các doanh nghiệp bảo hiểm có cơ hội tiếp cận, trao đổi và đề xuất đối với những vướng mắc trong quá trình hoạt động của mình.
Bộ trưởng cho biết trong năm 2024, Hải quan Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch diễn đàn hợp tác hải quan ASEAN, và sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 vào tháng 6 tại Phú Quốc.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật với Cơ chế một cửa ASEAN, tạo nền tảng để thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại giữa các nước trong khu vực.
Trên cương vị chủ tịch, Hải quan Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy, giữ vai trò kết nối các nước thành viên để tiếp tục triển khai và hoàn thành các sáng kiến hợp tác hải quan quan trọng trong ASEAN./.

Nguồn: www.vietnamplus.vn/viet-nam-dong-gop-tich-cuc-vao-tien-trinh-hop-tac-tai-chinh-asean-post938669.vnp
 

  PRINT     BACK
 Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam công bố chiến lược nhiều tham vọng
 ASEAN tăng cường kết nối công nghệ, hướng tới tăng trưởng bao trùm
 Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc
 Bài phát biểu bế mạc MC13 của Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala
 Tận dụng hơn nữa các ưu đãi từ CPTPP để gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào Canada
 Các thành viên thống nhất về thời gian biểu cho các phiên họp chuyên đề về tiếp cận thị trường, thảo luận các mối quan ngại về thương mại
 Tăng xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc
 Thái Bình thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại với các địa phương của Đức
 Các thành viên WTO xem xét các cách hỗ trợ quá trình chuyển đổi suôn sẻ sau khi tốt nghiệp tình trạng LDC
 Quảng Ninh: Hội nghị Chuyển đổi quy tắc cụ thể mặt hàng trong khuôn khổ AKFTA
 Các thành viên đạt được tiến bộ trong lần rà soát thứ sáu của Hiệp định SPS, thảo luận các quan ngại thương mại
 Việt Nam và Hà Lan tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp
 Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam
 "Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng đối với toàn bộ khối Mercosur"
 Thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với bang Maryland của Mỹ

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716217226