Thứ năm, 5-12-2024 - 0:24 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Ứng dụng chuyển đổi số và TMĐT trong các hợp tác xã tỉnh Hải Dương 

 Thứ sáu, 25-11-2022

AsemconnectVietnam - Chuyển đổi số và thương mại điện tử là giải pháp quan trọng giúp các hợp tác xã (HTX) thích ứng với sự thay đổi trong quản trị và tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh mới.

Thích ứng trong thời đại kinh tế số
Ứng dụng công nghệ 4.0 mang lại nhiều giá trị cho HTX trong quá trình vận hành, cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại nguồn thu lớn cho các đơn vị. Bên cạnh một số hợp tác xã phát huy tốt những lợi thế của riêng mình, vươn lên mạnh mẽ nhờ biết nắm bắt cơ hội, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử (TMĐT) trong sản xuất, kinh doanh thì cũng có nhiều hợp tác xã gặp khó khăn, đặc biệt là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 800 tổ hợp tác, 01 Liên hiệp Hợp tác xã và 522 hợp tác xã. Trong đó có 370 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, 182 HTX phi nông nghiệp. Có hơn 200.000 cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân là thành viên trong các HTX, Liên hiệp HTX. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 4 năm 2022, tỷ lệ HTX đạt khá, giỏi chiếm 45%; HTX đạt trung bình chiếm 40%. Đa phần các HTX được thành lập và hoạt động sản xuất tại các xã trên địa bàn huyện và thị xã trong tỉnh. Năm 2021 có 21 HTX tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhiều sản phẩm của các HTX đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cũng như trên các sàn giao dịch TMĐT.
Hiện nay tỉnh Hải Dương đang thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, HTX, chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Điều này cho thấy vai trò của các hợp tác xã là không hề nhỏ trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường phát triển sản xuất, chế biến theo hướng áp dụng các mô hình công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quy trình VietGap và Global Gap, đồng thời tham gia vào chuỗi các hoạt động TMĐT và chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể vẫn còn không ít khó khăn.
Tại tỉnh Hải Dương, có hơn 70% là các hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, chủ yếu sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Ghi nhận tại một số địa phương trong tỉnh cho thấy một số HTX đã chủ động áp dụng công nghệ sản xuất sạch, sản xuất hữu đối với sản phẩm nông sản chất lượng cao của mình. Có HTX đã chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng, dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, áp dụng đầy đủ các sáng kiến cung cấp dịch vụ thông qua môi trường mạng, tích cực tham gia bán hàng trực tuyến qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, các sàn TMĐT Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso, Postmart… để liên kết với khách hàng mới ở nhiều vùng miền. Tuy nhiên số lượng các HTX như thế này không nhiều, chỉ chiếm dưới 10% trong tổng số các HTX trên toàn tỉnh.
Theo lãnh đạo HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ (xã xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà) cho biết ngay năm đầu tiên tham gia đăng ký OCOP, sản phẩm ổi sạch Nam Vũ đã đạt OCOP 4 sao. Đây là kết quả của việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, canh tác theo quy trình VietGAP và ứng dụng công nghệ số như đăng ký mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ QR code. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên hiện nay nhiều sản phẩm rau, ổi của HTX được nhiều người tiêu dùng biết tới và được cung cấp cho các siêu thị và chuỗi cửa hàng Winmart tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tuy nhiên ngay cả khi đã ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật trong sản xuất, phân phối sản phẩm nhưng HTX vẫn chưa thể áp dụng các phần mềm, quản lý sản xuất và điều hành theo hướng chuyển đổi số do tiềm lực kinh tế còn hạn chế.
Do phần lớn các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Lãnh đạo các hợp tác xã chủ yếu là những người có độ tuổi trên 50, có uy tín, thâm niên trong sản xuất, kinh doanh, có tiếng nói trong tập thể. Nhưng ở khía cạnh nền kinh tế số, nếu HTX chỉ dựa vào sự điều hành của Lãnh đạo cao tuổi sẽ thiếu đi tính năng động, sáng tạo của từng thành viên. Bên cạnh đó, các HTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên việc tiếp cận công nghệ thông tin gặp nhiều khó khăn. Một số HTX chỉ chú trọng sản xuất mà chưa quan tới đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là việc ứng dụng TMĐT để quảng bá, kinh doanh và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ngược lại, các HTX có Giám đốc dưới 50 tuổi cùng với nguồn lực lao động trẻ sẽ nhanh nhạy hơn trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Họ cũng chủ động hơn trong việc nghiên cứu, tìm tòi nhiều hướng đi mới cho đơn vị, đặc biệt trong công tác kết nối sản xuất kinh doanh. Đồng thời, họ cũng tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh TMĐT như xây dựng Website riêng, tham gia Facebook, Zalo và các sàn TMĐT để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Điển hình, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính tại huyện Cẩm Giàng được sự giới thiệu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã chủ động liên kết với 01 đơn vị doanh nghiệp Hàn Quốc (thuộc dự án do Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc triển khai). Phía Hàn Quốc đầu tư dây chuyền sản xuất, máy móc nhà xưởng chế biến cà rốt xuất khẩu. HTX cung cấp vùng trồng an toàn, đảm bảo hệ thống điện, nước phục vụ tưới tiêu và nguồn nhân lực phục vụ sản xuất. Những năm vừa qua dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng doanh thu của HTX vẫn tăng từ 30-35% mỗi năm. Hàng hóa sản xuất, chế biến ra tới đâu được xuất khẩu hết tới đó. HTX đã phải từ chối nhiều đơn đặt hàng của đối tác tại nhiều quốc gia khác do không đủ nguồn cung.