Thứ tư, 4-12-2024 - 18:49 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Hải Dương: Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện để bứt phá 

 Thứ tư, 16-11-2022

AsemconnectVietnam - Để có thể tiến kịp và vượt lên, xác lập vị thế mới, Hải Dương không chỉ cần khai thác tốt những lợi thế, tiềm năng vốn có, mà còn phải tạo lập những giá trị khác biệt.

Con đường ngắn nhất để rút ngắn khoảng cách
Các nghiên cứu cho thấy, chuyển đổi số sẽ tạo ra mức tăng năng suất lớn hơn cả 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó đem lại. Ở Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, công nghệ thông tin - truyền thông đã có bước phát triển nhảy vọt. Năm 2000, đóng góp của công nghệ thông tin - truyền thông chỉ khoảng 0,5% GDP, với doanh thu 300 triệu USD, đến năm 2019, nguồn doanh thu này đã lên đến 120 tỷ USD gấp 400 lần năm 2000, đóng góp 14,3% vào GDP của Việt Nam và trở thành ngành kinh tế lớn nhất của Việt Nam.
Xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để nền kinh tế, xã hội địa phương mình bứt tốc trong cuộc cách mạng 4.0, ngày 26/3/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết về “Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Chương trình hành động số 02-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm của tỉnh Hải Dương là phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh. Mục tiêu, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 80% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; Kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); Phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp công nghệ số; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn cơ bản xây dựng là đô thị thông minh.

Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Kinh tế số chiếm 30% GRDP. Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 10%. Phấn đấu có trên 1.000 doanh nghiệp công nghệ số. Thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn là đô thị thông minh, mỗi huyện có ít nhất một đô thị thông minh.
Xếp hạng chuyển đổi số năm 2020, Hải Dương mới chỉ đang đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nỗ lực thay đổi thứ hạng này, năm 2021, Hải Dương đã đưa các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là vải thiều lên sàn thương mại; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác chống dịch... Năm 2022 sẽ là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ chuyển đổi số để tiến tới một chính quyền số, một nền kinh tế số, một xã hội số của tỉnh Hải Dương.
Cải thiện mạnh mẽ sức cạnh tranh của tỉnh
Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về “Chuyển đổi Chính phủ số tại Việt Nam - Bài học toàn cầu và khuyến nghị chính” đã chỉ ra rất nhiều lợi ích mà chính phủ số mang lại. Bao gồm:
(i) cải thiện chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp;
(ii) cho phép ra quyết định căn cứ vào dữ liệu nhằm đem lại kết quả quản trị công tốt hơn (áp dụng từ việc mua sắm, quản lý cơ sở hạ tầng hoặc giao thông, đến sự tham gia của người dân trong phòng chống tham nhũng);
(iii) nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư nhờ có bộ máy hành chính hiệu quả và minh bạch hơn.
Các quốc gia đi đầu về chính phủ số như Singapore, thông qua chiến lược quốc gia thông minh và chỉ đạo thể chế của Cơ quan Công nghệ Chính phủ (GovTech), đã nhận thức được rằng, cải thiện chính phủ số liên tục là điều kiện cần để tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh toàn cầu và phát triển quốc gia. Theo ước tính tại Estonia, các hệ thống Chính phủ điện tử - Chính phủ số có thể tiết kiệm chi phí ở mức khoảng 2% GDP. Qua nghiên cứu mẫu các quốc gia phát triển và đang phát triển, các công nghệ nền tảng như định danh số (ID) có thể đem lại giá trị kinh tế tương đương 3 - 13% GDP vào năm 2030 (McKinsey 2019).
Với Hải Dương, trong dòng chảy chuyển đổi số mạnh mẽ của cả nước, việc xây dựng chính quyền số - chính quyền điện tử chắc chắn sẽ giúp hoạt động của khối cơ quan hành chính của tỉnh được hiệu quả hơn, hiệu lực hơn, minh bạch hơn. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Đây là những nhân tố quyết định giúp Hải Dương cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch nhờ sự gia tăng hiệu quả hoạt động của khối chính quyền.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương cho biết, tỉnh đang hợp tác chiến lược với Tập đoàn FPT và Tập đoàn Viettel trong việc chuyển đổi và xây dựng kho dữ liệu số phục vụ cho hoạt động của chính quyền số; xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số... Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ phối hợp với địa phương, đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện các bộ chỉ số như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI index); Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR index); Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) để tìm ra những giải pháp thúc đẩy triển khai nhanh hơn quá trình chuyển đổi số cho tỉnh Hải Dương.
Nền kinh tế số của Hải Dương cũng đang từng bước hình thành. Hiện nhiều nông sản của Hải Dương, đặc biệt là vải thiểu đã được bán trên 5 sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, VNSpost. Lazada, Alibaba...
Hay như Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã áp dụng số hóa nhanh các yêu cầu của khách hàng về cấp điện mới, các yêu cầu dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng. Số lượng yêu cầu đã tiếp nhận và đã hoàn thành tính theo tỷ lệ cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử đạt tỷ lệ rất cao là 99%.
Tỉnh Hải Dương hiện có 14.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, có khoảng 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đứng thứ 13/63 cả nước. Tính trung bình, Hải Dương có 47,5 doanh nghiệp/vạn dân, đứng thứ 19/63 cả nước. “Khi tiếp cận, áp dụng chuyển đổi số, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và đây sẽ là một lợi thế lớn của Hải Dương trong hoạt động phát triển kinh tế, tăng nguồn thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương nhận định. Hiện Hải Dương đang có chính sách hỗ trợ 50% chi phí chứng thực chữ ký số cho doanh nghiệp mới thành lập; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của tỉnh.
Đóng góp với Hải Dương, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng địa phương có điều kiện để triển khai chuyển đổi số một số lĩnh vực trên nền tảng phát triển là xanh - số như: du lịch, nông nghiệp, y tế, phát triển doanh nghiệp số. Một công thức để chuyển đổi số mà Hải dương có thể áp dụng là 3S (Smart-Small-Scale). Chuyển đổi số cần bắt đầu thông minh (Start Smart), ở quy mô nhỏ (Small) để đánh giá, khi thành công sẽ mở rộng (Scale).
Tỉnh Hải Dương đã ban hành danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giao chỉ tiêu cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Lấy đây là tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính hàng năm và là cơ sở đánh giá năng lực, trách nhiệm của người lãnh đạo.
Nguồn: baodautu.vn

 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716209646