Thứ tư, 4-12-2024 - 19:31 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Chuyên gia Nhật: Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 

 Thứ năm, 24-12-2020

AsemconnectVietnam - Ông Hiroyuki Moribe cho rằng đã hoàn thành thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, nhất là khi tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã vượt quá sức tưởng tượng.

Năm 2020 khởi đầu với đầy rẫy khó khăn và thách thức, trong đó đáng chú ý là sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn ghi dấu ấn lớn trên trường quốc tế khi đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Hiroyuki Moribe, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam (VERI) của Nhật Bản, khẳng định: “Việt Nam đã hoàn thành thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, nhất là khi tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã vượt quá sức tưởng tượng.”
Bên cạnh đó, ông Moribe cũng đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc thúc đẩy ASEAN và các nước đối tác đi đến ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đồng thời cho rằng nếu RCEP có trụ sở giống như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) thì Hà Nội là nơi thích hợp để đặt trụ sở của RCEP. Dưới đây là nội dung của cuộc phỏng vấn:

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm nay? Theo ông, đâu là những thành công của Việt Nam trong Năm ASEAN 2020, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế?

Ông Hiroyuki Moribe: Tôi cho rằng Việt Nam đã hoàn thành thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, nhất là khi tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã vượt quá sức tưởng tượng.
Trước hết, Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát được dịch COVID-19 ở trong nước, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh bùng phát tại nhiều quốc gia trong khu vực và tổ chức được Hội nghị Cấp cao ASEAN. Có rất nhiều lựa chọn cho việc tổ chức hội nghị cấp cao như gặp gỡ trực tiếp hay tổ chức trực tuyến.
Sau khi thảo luận với các quốc gia trong khu vực và các đối tác, cuối cùng, Việt Nam đã lựa chọn tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN theo hình thức trực tuyến. Đây là sự ứng phó tốt của phía Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam gánh trọng trách rất lớn trong việc dẫn dắt ASEAN đề ra các giải pháp đối với nhiều vấn đề quan trọng, và tôi cho rằng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình.
Ngoài ra, tôi cũng cho rằng nhiều nước cũng đánh giá cao năng lực điều phối và khả năng quản lý của Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN, với sự tham gia của nhiều nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Việt Nam đã chọn chủ đề cho Năm ASEAN 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.” Tôi cho rằng khẩu hiệu này rất phù hợp với tình hình thực tế và phát huy ý nghĩa tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, qua đó các quốc gia đã thông qua “Khung phục hồi tổng thể ASEAN” nhằm đối phó với dịch COVID-19.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát với tốc độ mạnh mẽ khiến nhiều nước triển khai chính sách “quốc gia trên hết,” Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò của mình về mặt thương mại khi duy trì được hoạt động liên tục của các chuỗi cung ứng sản xuất và thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại tự do.
Có thể nói, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phát huy được năng lực quản lý và khả năng điều phối nhằm đối phó với dịch COVID-19, duy trì tốt sự ổn định trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh cực kỳ quyết liệt.
Nhờ những thành công với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, thời gian tới, Việt Nam có thể thu hút được nhiều hơn nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng rất chú ý khi số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam rất ít và điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác phát triển hơn, ngoài lĩnh vực đầu tư.

- Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam trong Năm ASEAN 2020 là việc thúc đẩy ASEAN và các nước đối tác đi đến ký kết RCEP - một thỏa thuận thương mại được hình thành trên cơ sở sáng kiến của ASEAN. Theo ông, ASEAN cần làm gì để giữ vững vai trò trung tâm trong RCEP và không để thỏa thuận này chi phối bởi các nước lớn?

Ông Hiroyuki Moribe: RCEP được ký kết mà không có sự tham gia của Ấn Độ. Trung Quốc và Ấn Độ đều là các thị trường lớn, với dân số đông, do đó, nếu Ấn Độ trở thành thành viên của RCEP, các nước ASEAN sẽ dễ kiểm soát thỏa thuận này hơn trong nhiều vấn đề. Về phương diện này, tôi cho rằng việc kêu gọi Ấn Độ quay trở lại RCEP sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho các nước ASEAN.
RCEP là hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực có quy mô lớn nhất thế giới. Mặc dù hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh hết sức quyết liệt nhưng thời gian tới, thị phần của Trung Quốc sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng ngày càng lớn tới các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Về phương diện này, tôi cho rằng việc các nước ASEAN sẽ duy trì gắn kết với Trung Quốc như thế nào là một vấn đề cực kỳ quan trọng.
Trong thời gian tới, các nước ASEAN sẽ triển khai các nội dung của RCEP. Tôi hy vọng Việt Nam và các nước ASEAN khác sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Nhật Bản để tạo ra một hiệp định thương mại tự do có lợi hơn nữa cho ASEAN.
Như tôi đã trình bày ở trên, RCEP là hiệp định kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới, nếu như RCEP thành lập trụ sở giống như APEC có trụ sở tại Singapore, thủ đô Hà Nội của Việt Nam hoàn toàn có thể là ứng cử viên sáng giá.
Do RCEP được ký kết tại Hà Nội nên nếu trụ sở của RCEP cũng được đặt ở Hà Nội thì theo tôi, RCEP sẽ phát huy được hiệu quả hơn nữa.

- Trong thời gian tới, ASEAN cần làm gì để ứng phó với một môi trường quốc tế ngày càng phức tạp do sự cạnh tranh địa-chính trị giữa các cường quốc và sự xuất hiện của các nhân tố gây bất ổn như dịch COVID-19?

Ông Hiroyuki Moribe: Một trong những ưu điểm của ASEAN là sự đoàn kết, và điều đó đã được thể hiện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vừa qua.
Cùng với Trung Quốc, ASEAN là trung tâm kinh tế duy trì được mức tăng trưởng cao và thu hút được sự quan tâm của nhiều nước. Tôi nghe nói rằng rất nhiều nước, trong đó có Vương quốc Anh, muốn trở thành đối tác của ASEAN.
Trong thời gian tới, cùng với Mỹ và Trung Quốc, theo tôi, ASEAN cần chủ động hơn để đưa ra các giải pháp đối với vấn đề phạm vi toàn cầu với tư cách là trung tâm kinh tế phát triển của thế giới.
Mặt khác, hiện nay, giảm thải carbon và chuyển đổi số đang trở thành xu hướng của toàn thế giới. Do đó, trong thời gian tới, ASEAN cần tăng cường hợp tác hơn nữa với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc trong vấn đề này để khẳng định vai trò dẫn dắt của khối này. Mối liên kết với các nước lớn và sự đoàn kết, thống nhất sẽ tạo ra sức ảnh hưởng của ASEAN.
Đặc biệt, Việt Nam đã thể hiện vai trò lớn thông qua Hội nghị Cấp cao ASEAN vừa qua, do đó, sự phát triển của ASEAN sẽ góp phần thúc đẩy cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam.

- Xin chân thành cảm ơn!

Nguồn: www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-nhat-viet-nam-hoan-thanh-xuat-sac-vai-tro-chu-tich-asean/686057.vnp
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716210257