Thứ tư, 15-1-2025 - 18:4 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn để cạnh tranh khi EVFTA thực thi  

 Thứ ba, 18-8-2020

AsemconnectVietnam - Nguồn vốn cho doanh nghiệp đang rất khó khăn, doanh nghiệp chưa thể đẩy mạnh sản xuất vì thị trường thế giới đang đóng băng do bệnh dịch.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Các chuyên gia cho rằng, để nắm bắt được những cơ hội này, doanh nghiệp phải cải thiện nhiều khâu: công nghệ kỹ thuật, quy trình sản xuất-vận hành công ty, doanh nghiệp… nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm hàng hóa cho đạt tiêu chuẩn Liên minh Châu Âu.
Trong bối cảnh bình thường, điều này đã không dễ dàng với doanh nghiệp nhỏ và vừa; Covid-19 tác động càng trở nên khó khăn. Ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt-Đức có cuộc trao đổi với phóng viên VOV phân tích sâu hơn về các vấn đề của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi Hiệp định EVFTA bắt đầu được thực hiện.

PV: Thưa ông, Đức là một trong những thị trường khó tính thuộc liên minh Châu Âu – cũng là thị trường mục tiêu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Ông cho rằng các doanh nghiệp diện nào sẽ có cơ hội nhiều hơn tham gia xuất khẩu sang thị trường này?

Ông Nguyễn Trung Thực: Không phải ngành hàng nào cũng có cơ hội nhưng tôi cho rằng những ngành hàng tiêu dùng, hàng sản xuất có quy mô tinh xảo là có thể đáp ứng được, với điều kiện chúng ta phải hiểu được tiêu chí. Thứ 2 phải có máy móc dây chuyền và công nghệ thiết bị đáp ứng. Nếu dùng những công nghệ thông thường thì hàng hóa không thể đáp ứng được vào Đức.

PV: Như vậy cơ hội cho các doanh nghiệp Việt sản xuất, xuất khẩu sang thị trường Đức và các nước Châu Âu rất nhiều. Thế nhưng, bối cảnh hiện nay, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp đang rất khó khăn do thiếu vốn, đặc biệt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tiếp cận nguồn vốn từ đâu là vấn đề, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Thực: Riêng nguồn vốn cho doanh nghiệp đang rất khó khăn vì các doanh nghiệp đang chưa thể đẩy mạnh sản xuất một cách mạnh mẽ được vì thị trường thế giới đang đóng băng, đang rất khó, đi lại còn khó, huống hồ gì xuất khẩu cho nên là các ngân hàng muốn giải ngân cũng khó, vì hàng hóa chưa tiêu được, sản xuất ra để tồn kho và chi phí nâng cao, rất khó khăn. Đó là một mâu thuẫn rất lớn.
Chúng ta rất mong muốn phát triển kinh tế, đẩy mạnh hoạt động các doanh nghiệp, các doanh nghiệp phục hồi, phát triển ngành, giải quyết việc làm nhưng thị trường nước ngoài đang bị đóng băng, đang khó khăn, đi lại khó khăn. Sản xuất ra mà không tiêu thụ được là một trong những khó khăn. Cho nên vấn đề nguồn vốn là khó, khó cho các doanh nghiệp giải ngân, khó cho doanh nghiệp tiếp cận

PV: Vậy ngoài tiếp cận nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, theo ghi nhận của ông, các doanh nghiệp đang có những giải pháp tài chính nào khác để duy trì và phát triển hoạt động?

Ông Nguyễn Trung Thực: Các doanh nghiệp đều có những giải pháp tài chính cụ thể cho từng doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể là họ chuyển hướng sản xuất. Ví dụ, trước đây họ sản xuất hàng hóa gì đó nhưng bây giờ thị trường đang rất cần đến các sản phẩm liên quan đến y tế: găng tay hoặc là khẩu trang, là mặt nạ… người ta có thể chuyển hướng. Tuy nhiên, chuyển hướng ào ạt đầu tư nhiều như hiện nay tôi thấy cũng là một nguy cơ. Thị trường nó cũng có hạn. Nước ngoài sau khi bị hẫng hụt có thể họ cũng thúc đẩy sản xuất, thì chúng ta lúc đó sản xuất nhiều không tiêu thụ được.
Đặc biệt yêu cầu xuất khẩu sang Châu Âu và các nước khác đấy, tiêu chí cao cho nên là chúng ta mà sản xuất ra nó mà không bán được rất là nguy cơ. Thứ nữa là nguồn nguyên liệu chúng ta rất là khó. Bây giờ chúng ta cứ phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc thì có khi lại không đạt yêu cầu các nước Châu Âu. Mà muốn chúng ta nhập khẩu các nước khác thì các nước khác đang bị đóng băng vì Covid-19, cho nên rất khó khăn cho doanh nghiệp.

PV: Hiện nay có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp nên tìm đến quỹ bảo lãnh tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa vì doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn nhất về nguồn vốn. Từ góc độ của doanh nghiệp, ông có quan điểm như thế nào?

Ông Nguyễn Trung Thực: Câu chuyện bảo lãnh tín dụng là có rất nhiều năm rồi. Rất nhiều hội nghị, hội thảo của cấp trung ương và địa phương, các bộ, ngành cũng đặt vấn đề đến thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và đã có cái quỹ đó. Thậm chí một số địa phương đã thành lập nhưng doanh nghiệp tiếp cận được để được bảo lãnh thì rất là ít.
Hầu hết các doanh nghiệp mong muốn, hy vọng được tiếp cận thì chưa có đạt được, vì nó có nhiều nguyên nhân, trong đó người đi bảo lãnh cũng muốn bảo đảm an toàn cho người ta. Chính quyền cũng muốn an toàn, ngân hàng cũng muốn an toàn, doanh nghiệp thì nhiều điều chứng minh còn khó - không đáp ứng được các tiêu chí. Vì thế, sự tiếp cận hai bên vẫn còn hạn chế, khó

PV: Vậy cụ thể, theo ông, cần có những chủ trương, chính sách như thế nào từ tầm vĩ mô, để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ diện này?

Ông Nguyễn Trung Thực: Các doanh nghiệp phải tự vận động là chính. Đương nhiên là doanh nghiệp nằm trong một mặt bằng chung của xã hội, sự quản lãnh đạo của Đảng và quản lý của Chính phủ. Cho nên là muốn hoạt động được, đương nhiên là phải có môi trường chính sách. Nếu trong bối cảnh khó khăn này được môi trường chính sách Chính phủ hỗ trợ, tôi lấy ví dụ như cho hoãn thuế, giảm thuế, thậm chí một số doanh nghiệp khó khăn nào đó có thể đi đến miến thuế cho người ta trong một giai đoạn nào đó thì cũng là một cách hỗ trợ cụ thể của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hàng hóa nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài vào sản xuất tại Việt Nam thì chúng ta có thể cho hoãn thuế nhập khẩu một thời gian, để sản xuất đã. Hiện nay nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu vào rồi là bắt buộc phải nộp thuế nhập khẩu ngay, lúc đó đã sản xuất được đâu, bán được đâu? Cho nên trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ nên cho hoãn thuế một thời gian, 3 tháng, 6 tháng nữa để cho doanh nghiệp vững vàng, khi họ bắt đầu đứng vững rồi, họ xuất khẩu hoặc bán được hàng rồi thì chúng ta thu thuế đó, thay vì như trước đây cứ nhập khẩu vào là thuế nhập khẩu phải thanh toán ngay./.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Nguồn: vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-nho-va-vua-kho-tiep-can-von-de-canh-tranh-khi-evfta-thuc-thi-1083855.vov
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25717264024