Thứ sáu, 22-11-2024 - 4:49 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Doanh nghiệp chủ động trong CPTPP: Quyết định sự thành bại 

 Thứ sáu, 3-5-2019

AsemconnectVietnam - CPTPP là cơ hội đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, mở ra cơ hội thuận lợi cho 700.000 doanh nghiệp, hàng trăm nghìn hộ kinh doanh... Tuy nhiên, để tận dụng được CPTPP, các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình, thay đổi tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường, sau đó, trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động, phòng ngự, kêu gọi hỗ trợ chuyển sang tích cực, chủ động.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại Phiên hiến kế về doanh nghiệp và CPTPP với chủ đề “Chủ động và khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, sáng ngày 2/5/2019 do Chính Phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì và chỉ đạo tổ chức.
Chủ động trong CPTPP
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết, Việt Nam vừa trải qua 3 tháng đầu tiên thực thi CPTPP - hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất, tiêu chuẩn cao, tự do. Đây là một hiệp định nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. CPTPP mang lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Cơ hội thuế quan giảm, tạo lợi thế cho Việt Nam khi cạnh tranh với các nước khác.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, Hiệp định CPTPP có ở 7 nước và Việt Nam. Hiệp định có mức độ cam kết rộng, sâu hơn. Hiệp định không chỉ đề cập các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ... mà còn có những cái mới như lao động, doanh nghiệp... Đặc biệt, hiệp định đặt ra yêu cầu cao về quản trị minh bạch, được kỳ vọng là thúc đẩy tiến trình, sáng tạo, thương mại, đầu tư trên thế giới và các bên, giúp nâng cao mức sống cho người lao động, người dân.
“Giống như tham gia WTO, tham gia CPTPP là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế. CPTPP hỗ trợ tiến trình đổi mới, tăng trưởng, giúp chúng ta hoàn thiện môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, liêm chính, khách quan của bộ máy nhà nước. Hiệp định thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, phòng chống tham nhũng, quan liêu.” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ thêm.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh, nếu các điều kiện khác đều thuận lợi, hiệp định này giúp Việt Nam có thêm điều kiện thu hút mạnh đầu tư, để thực hiện tiềm năng xuất khẩu, gia tăng hàng xuất khẩu. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đầu tư mạnh vào Việt Nam, biến nước ta thành thị trường sản xuất mới của họ, thúc đẩy hiện đại hóa đất nước.
Hội nhập không chỉ đặt hàng hoá, dịch vụ vào môi trường cạnh tranh mà cả bộ máy quản lý cũng cần thay đổi, cần vươn lên để đủ sức điều hành. “10 ngày sau Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam, Chính phủ đã phân công cụ thể công việc để việc thực thi được rõ ràng. Với khu vực doanh nghiệp, các cam kết mở cửa thị trường sẽ lớn hơn, yêu cầu các nước giảm thuế nhanh, mạnh cho hàng hoá Việt Nam trong đó có nông sản.” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, sức ép cạnh tranh là có nhưng chưa phải thách thức lớn, lớn nhất là các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình, tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường, sau đó, trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động, phòng ngụ, kêu gọi hỗ trợ chuyển sang tích cực, chủ động.
Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết, yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP.” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ.
Khác biệt của CPTPP so với các hiệp định khác là dệt may có chương riêng, đứng riêng, độc lập, cho thấy tầm quan trọng của ngành hàng dệt may trong hiệp định này. Phát biểu trong phiên hiến kế, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - khẳng định, CPTPP là xương sống của ngành dệt may Việt Nam nhưng xương sống không lôi được cả cơ thể vì cần có nền tảng.
Ngành dệt may cần đầu tư cơ sở đầu nguồn để tạo thị trường lớn
Ông Giang cho rằng, quy hoạch ngành này hiện đã lỗi thời và không được ai đả động đến. Hiệp hội kiến nghị rất nhiều tới Bộ Công Thương và Chính phủ trong thời gian qua.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho rằng vai trò của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường là rất quan trọng vì nếu không thống nhất, cán cân trong quy hoạch ngành là hiệp định sẽ không mang lại lợi ích. Bởi những nước thành viên như Singapore, Malaysia không phải những nước dệt may. Các giải pháp của Chính phủ, định hướng chiến lược trong tầm nhìn nói chung và dệt may da giày nói riêng phải đáp ứng yêu cầu nước, điện, lao động... Vai trò của Chính phủ phải hoạch định, không để các địa phương tự cho các nhà đầu tư vào mở.
Ông Giang dẫn chứng, một số địa phương "dị ứng" với các ngành dệt may, đặc biệt hóa nhuộm. Các địa phương đang có cái nhìn không được cởi mở, cho rằng dệt may là ô nhiễm. Kiểm soát nó phải đưa ra các giải pháp quy hoạch, nền tảng cho sự phát triển.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra ba kiến nghị. Một là, xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035-2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm. Thứ hai, Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may da giày.
Thứ ba, cần sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý nhưng khi triển khai hiệp định các cơ quan quản lý, địa phương cần thực sự thấm nhuần để ngành phát triển bền vững.
"Nếu chỉ nói đến lợi ích, không nói đến tồn tại và đưa ra giải pháp thì ngành không có điều kiện bứt phá", ông Giang khẳng định.
Phản hồi vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, CPTPP đưa ra quy tắc xuất xứ chặt nhưng về lâu dài lại gia tăng giá trị nội địa cho hàng xuất khẩu.
"Trong thời gian dài chúng ta phải đi nhập khẩu sợi, vải. Ngành dệt may xuất khẩu nhiều nhưng chưa đủ lớn đầu tư vào dệt, cần vài trăm triệu USD. Nếu đầu tư như thế mà không có đầu ra, không bán được vải thì sẽ phá sản. Đây là khó khăn lớn. Chúng ta cần thị trường lớn để các nhà đầu tư nhìn ra tiềm năng. Cần có mối liên hệ với những người mua hàng ở nước ngoài để họ chỉ định mua hàng của chúng ta" - Thứ trưởng Khánh nói.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho hay, thị trường lớn sắp tới của ngành là Liên minh châu Âu. Nếu có được hiệp định từ Liên minh châu Âu, không cần Nhà nước khuyến khích, ngành dệt may vẫn sẽ nhận được những sự đầu tư lớn.
Một ngành cũng được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định CPTPP đó là ngành da giày. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Da giày, theo khảo sát, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được cơ hội này. Doanh nghiệp chưa nắm rõ thông tin, nguồn nguyên liệu...
Câu chuyện nguyên phụ liệu là muôn thuở. Bộ Công Thương cũng đã ra Nghị quyết 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp tận dụng được.
"Cùng một chính sách, không thể áp dụng cho từng ngành được. Ngành da giày cần có chiến lược, quy hoạch và cần có sức mạnh. Theo tôi, nên có bàn thảo cụ thể, nghị định riêng cho các ngành" - bà Xuân kiến nghị.
Sản phẩm ngành thép chưa đột phá
Trao đổi trong phiên hiến kế doanh nghiệp và CPTPP, ông Võ Minh Nhựt- Tổng giám đốc Công ty TNHH BlueScope Việt Nam cho biết, ngành thép hiện được chia là thương - trung - hạ nguồn.
"Đối với sản phẩm thép, mức thuế thấp, bằng không, tuy nhiên, nhìn về ngành thép, các sản phẩm hạ nguồn chúng ta có lợi thế. Chúng ta có cơ hội xuất khẩu thành công vào CPTPP vì không có thuế chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật"- ông Nhựt thông tin.
Thách thức đối với các nước CPTPP không lớn, thép nhập khẩu Việt Nam nhiều hơn xuất khẩu. Đa số thép xuất khẩu hơn 50% đến từ Trung Quốc, Đài Loan... Sản phẩm hạ nguồn, chưa có chất lượng, kiểu dáng đột phá. Bên cạnh đó, sự quan tâm của một số doanh nghiệp chưa đúng mức. Các doanh nghiệp chưa đặt sự quan trọng về hệ thống, chính sách của mình để đạt tiêu chuẩn cao của CPTPP.
Phản hồi vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, ngành thép vướng vấn đề công nghiệp phụ trợ như ngành dệt may và da giày. Trước 2018, doanh nghiệp Việt Nam không sản xuất được thép nóng, mà phải nhập từ nước ngoài sau đó về gia công và bán. Do đó, doanh nghiệp bị đánh thuế phòng vệ thương mại nhiều. Tuy nhiên, gần đây, một số sản phẩm thép cán nóng đã sản xuất được trong nước, mở ra cơ hội mới cho ngành thép.
Thứ trưởng đã dẫn câu chuyện từ Mỹ thay đổi quy tắc xuất xứ, cấm nhập khẩu thép, báo hiệu trào lưu mới, đưa ngành thép đứng trước bài toán khó. "Chúng ta muốn xuất khẩu nhưng các nước bắt buộc chúng ta phải có thượng nguồn lớn. Ví dụ với ngành thép, để xuất khẩu được thép cán nóng, phải có điều kiện về môi trường, như thế phải tính đến các yếu tố khác như về địa phương, chính sách... Nếu không phát triển thép cán nóng thì ngành thép nước nhà không có cơ hội xuất khẩu, thị trường chỉ là 100 triệu dân" – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.

Nguồn: Báo Công Thương

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715927282