Thứ năm, 21-11-2024 - 17:31 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tận dụng cơ hội từ FTA Việt Nam- EAEU 

 Thứ hai, 18-12-2017

AsemconnectVietnam - Là đối tác thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU), Việt Nam đang được hưởng lợi thế ưu đãi thuế quan ở thị trường hơn 180 triệu dân. Vậy doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng triệt để lợi thế vốn có này?

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam- EAEU được ký kết tại Cộng hoà Kazakhstan, đã có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Theo đó, tính đến hết năm 2016, khoảng 90% dòng thuế đã giảm xuống 0%. Điều này đã thúc đẩy tổng kim ngạch thương mại song phương 11 tháng đầu năm 2017 đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là những con số biết nói cho thấy những chuyển biến tích cực trong trao đổi thương mại giữa hai bên kể từ khi EAEU có hiệu lực.
Thấp hơn kỳ vọng
Trong giai đoạn đầu khi bất kỳ FTA nào có hiệu lực, tỷ lệ tối ưu hoá thường sẽ thấp và tuỳ từng mặt hàng mà tỷ lệ tối ưu này khác nhau. Chẳng hạn, tỷ lệ tối ưu hoá tự do thương mại trong mặt hàng giày dép là 54,3%, rau quả là 59,2%, thuỷ sản là 69,1, gạo là 69,3%, hạt tiêu là 75,5% và dệt may là 76,1%. So với mục tiêu mà Chính phủ hai bên đã đề ra là 10 tỷ USD vào năm 2020 thì những con số vừa nêu còn quá nhỏ bé.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tận dụng việc xác định nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (C/O) để được hưởng ưu đãi của FTA Việt Nam- EAEU mới chỉ đạt 21%. Đây là mức khá thấp so với mức trung bình các FTA khác mà Việt Nam đang thực hiện. Ngoài ra, Nga vẫn đang là nước chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU, nên các quốc gia khác gần như vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Chúng ta đều biết rằng, quan hệ thương mại Việt Nam – EAEU là quan hệ bổ sung cho nhau. Trong đó, EAEU có nhu cầu lớn về tất cả các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như hàng may mặc, giày dép, điện tử, các sản phẩm nông sản như gạo, hạt tiêu, rau quả, thuỷ sản. Về phía EAEU, những sản phẩm mà thị trường này có thế mạnh là nguồn nguyên liệu quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu như hoá chất, sản phẩm phụ vụ công nghiệp giấy.
Đây là những lý do chủ yếu giải thích vì sao doanh nghiệp Việt Nam rất ủng hộ FTA này kể từ khi còn trong quá trình đàm phán.
Rào cản kìm chân doanh nghiệp
Lý giải về những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình tận dụng các lợi thế từ FTA Việt Nam - EAEU, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có được thông tin đầy đủ về cách thức tận dụng ưu đãi thuế quan trong hiệp định này. Ngoài ra, các điều kiện dường như còn “chặt” đối với các hàng hoá hưởng ưu đãi. Chẳng hạn như chỉ cho phép vận chuyển trực tiếp hàng từ Việt Nam đi EAEU mà không được chia nhỏ lô hàng ở nước thứ ba, cơ chế ngặt nghèo đối với hàng dệt may và đồ gỗ…”.
“Doanh nghiệp còn thiếu thông tin về nhu cầu của các thị trường đối tác EAEU, đặc biệt là các thị trường ngoài nước Nga. Các quy trình, thủ tục kiểm soát TBT, SPS ở các thị trường EAEU cũng không thật sự minh bạch, dễ thay đổi, khiến doanh nghiệp lúng túng. Ngoài ra, phương thức thanh toán chưa an toàn và thuận lợi”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Tháo gỡ khó khăn
Thừa nhận những thách thức và khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải, nhưng bà D.K. Akpanbeava, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách công nghiệp của Uỷ ban Kinh tế Á Âu cho biết: “Các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ phần hiệp định liên quan đến các điều kiện cam kết như lộ trình giảm thuế, ưu đãi ra sao, cách tính nguồn gốc xuất xứ như thế nào… để tận dụng được những ưu đãi này”.
Giải đáp những vướng mắc của TS. Vũ Tiến Lộc liên quan đến cách thức thanh toán khó khăn và rủi ro, đại diện Ngân hàng Việt – Nga tại Việt Nam cho biết, “Ngân hàng đã có các chương trình bảo lãnh các hợp đồng thương mại, chấp nhận thanh toán cả đồng RUB và VND một cách nhanh chóng trong thời gian 24h, đồng thời hỗ trợ xác minh đối tác thương mại phía Nga”.
Hiện nay, câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng triệt để cơ hội từ các FTAs không phải là câu chuyện mới. Song, với một thị trường còn nhiều dư địa, mối quan hệ hợp tác truyền thống lâu đời, bổ sung lẫn nhau thì không phải thị trường nào cũng như EAEU. Vì vậy, đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội đã có, đang có và sẽ có để phát huy lợi thế, trở thành lực lượng tiên phong trong hợp tác và liên kết kinh tế” như chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Nguồn: hoinhap.org.vn
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715914458