APEC 2017: Chuyên gia Nga đánh giá cao ưu tiên nghị sự của Việt Nam
Thứ ba, 24-10-2017AsemconnectVietnam - Ngày 23/10, tại phòng hội nghị của Trung tâm “Thế giới Nga” ở thủ đô Moskva của Liên bang Nga đã diễn ra hội nghị bàn tròn “APEC 2017: Kết quả, vấn đề và triển vọng sau năm 2020” quy tụ hầu hết cộng đồng chuyên gia hàng đầu của Nga từ Học viện Kinh tế quốc dân và hành chính quốc gia trực thuộc Tổng thống, Ủy ban Quốc gia nghiên cứu Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Viện Kinh tế Viện Hàn lâm khoa học Nga và Trung tâm Quốc gia Nga nghiên cứu Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), cũng như các cố vấn của Bộ Phát triển kinh tế Nga.
Về phía Việt Nam có tiến sỹ, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) Võ Trí Thành tham dự và tham gia các ý kiến trao đổi.
Chương trình hội thảo được sắp xếp theo các ưu tiên do Việt Nam đưa ra với tư cách là nền kinh tế - Chủ tịch APEC 2017. Bốn ưu tiên bao gồm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong các ưu tiên này sẽ chú trọng đặc biệt đến các quá trình hội nhập kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương; công việc APEC về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển; những sáng kiến và dự án của diễn đàn trong lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực.
Mở đầu hội thảo là tổng quan về các mục tiêu và ưu tiên của Việt Nam do chuyên gia Võ Trí Thành trình bày, đồng thời các đại biểu cũng cùng nhau xem lại video clip giới thiệu chi tiết về các thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Gần 20 tham luận tại hội thảo đã thể hiện cách tiếp cận khoa học và rất nền tảng của giới chuyên gia Nga đối với vấn đề hợp tác trong khuôn khổ APEC, trong đó vị trí đặc biệt được dành cho hợp tác với Việt Nam như cánh cửa mở vào khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung.
Các vấn đề trong hợp tác Nga-Việt được phân tích từ lý do, mục đích, các định hướng, thực trạng cho đến triển vọng. Sự tham gia của Việt Nam với tư cách chủ nhà và Nga vào Hội nghị Cấp cao APEC tới đây tại thành phố Đà Nẵng được đánh giá cao ở góc độ kinh tế lẫn chính trị trong bối cảnh Nga cần đa dạng hóa hơn nữa các thỏa thuận thương mại, tìm kiếm và chiếm lĩnh thị trường, còn Việt Nam đang đứng trước cơ hội thuận lợi để thâm nhập một thị trường vô cùng rộng lớn là Liên minh Kinh tế Á-Âu với nền kinh tế Nga là đầu tàu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nga, ông Valery Sorokin, quan chức cấp cao APEC của Nga, trưởng đoàn Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) của Nga, cho biết ông đánh giá rất cao công tác chủ nhà Hội nghị Cấp cao APEC 2017 của Việt Nam, mọi hoạt động đến nay đều diễn ra trôi chảy và được tổ chức ở trình độ cao nhất, ông hy vọng hội nghị tại Đà Nẵng tới đây cũng sẽ thành công tốt đẹp và thông qua được Tầm nhìn Phát triển sau năm 2020.
Theo ông Sorokin, phía Nga rất quan tâm đến các sáng kiến mà Việt Nam đưa ra, trong đó đặc biệt chú ý đến việc soạn thảo các chương trình hành động chung trong khuôn khổ APEC để củng cố phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Nga tham gia vào sáng kiến này tích cực nhất và đã có những đề xuất về vấn đề này, mà một trong số đó là bảo đảm phát triển kinh tế các vùng sâu vùng xa. Đây vốn là chương trình của Chính phủ Nga và nay rất tương thích với sáng kiến trên của Việt Nam.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị Cấp cao APEC 2017 là bảo đảm an toàn cho phát triển kinh tế, bao gồm đấu tranh chống tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, hợp tác giải quyết hậu quả của thiên tai, đối phó với bệnh dịch, đấu tranh chống tham nhũng...
Thông qua lăng kính khả năng hợp tác tại khu vực APEC, các vấn đề quan trọng đối với hợp tác song phương Nga-Việt cũng được xem xét tại hội thảo. Trong đó có kết quả thực hiện hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC) và Việt Nam, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục và tiến bộ khoa học.
Về vấn đề này, tiến sỹ Võ Trí Thành chỉ ra rằng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Nga-Việt Nam cần được đặt trong tổng thể các mối quan hệ hội nhập của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cần phải kết nối được với mạng sản xuất và chuỗi giá trị của các thỏa thuận khác để đạt hiệu quả cao hơn cho cả Nga và Việt Nam. Ông cũng đóng góp một số ý kiến về chính sách hội nhập cho phía Nga, ví dụ như cần đa dạng các thỏa thuận thương mại tự do hơn nữa cũng như chú ý đến việc hội nhập thỏa thuận FTA chất lượng cao.
Một thành phần quan trọng của cuộc thảo luận là khả năng đóng góp của Nga và Việt Nam đối với việc hình thành chương trình nghị sự của APEC sau năm 2020, khi diễn đàn phải hoàn thành việc thực hiện các mục tiêu Bogor, xác định các ưu tiên hoạt động của APEC kể từ năm 1994. Đề cập tới các dự án tới đây của Nga trong khuôn khổ APEC, bà Tatiana Flegontova, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu APEC Học viện Kinh tế quốc dân và hành chính quốc gia trực thuộc Tổng thống, cho biết, ngoài sáng kiến phát triển vùng sâu vùng xa, Nga còn chú trọng đến phát triển công nghệ như chính sách cụm liên kết, phát triển thị trường công nghệ cao, hội nhập khu vực.
Với mục tiêu đó, Nga chú trọng đến một số nhiệm vụ quan trọng tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng tới: đưa vào chương trình nghị sự cả những hội nhập khu vực của đối tác của Nga trong EAEC, và đặc biệt là vấn đề phát triển bao trùm, nghĩa vụ của các nước về hàng hóa thân thiện với môi trường cũng là một trong những mối quan tâm ưu tiên của Nga tại APEC lần này.
Theo các phân tích và báo cáo tại hội nghị, cho dù còn có những khoảng trống trong dự án hội nhập châu Á của Nga, song triển vọng về hiệu quả kinh tế từ APEC cũng như trong hợp tác song phương Nga-Việt, vai trò của Việt Nam trong chính sách hướng Đông được giới chuyên gia Nga hết sức tin tưởng. Từ đó nhận thức chung đó, các đại biểu dự hội thảo đi đến được kết luận chung và sẽ công bố trong những ngày tới như những tư vấn chuyên gia cho các nhà hoạch định chính sách nước này về một trong những định hướng phát triển quan trọng và ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế Nga./.
Nguồn: vietnamplus.vn
APEC 2017 – Dấu ấn Việt Nam trong dòng chảy hội nhập
Đà Nẵng thành công trong quảng bá hình ảnh của năm APEC 2017
Năm APEC 2017: Mốc son trong tiến trình hội nhập của Việt Nam
Bài viết của Chủ tịch nước về thành công của Năm APEC 2017
APEC 2017: Báo chí Arab đánh giá tích cực vai trò chủ nhà của Việt Nam
Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thông qua Tuyên bố Đà Nẵng
Bài phát biểu của Chủ tịch nước về kết quả Hội nghị Cấp cao APEC 2017
Chủ tịch nước gặp lãnh đạo Lào, Campuchia và Hàn Quốc
Khai mạc Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 ở Đà Nẵng
Tuyên bố Bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương CPTPP
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân chủ trì tiệc chiêu đãi các lãnh đạo cấp cao APEC
Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước tại Đối thoại APEC-ABAC
APEC 2017: Tổng thống Hàn Quốc ủng hộ sớm ký kết Hiệp định RCEP
Việt Nam ưu tiên củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Brazil giảm 2 con số
Tính đến giữa tháng 2/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Brazil đạt giá trị 10,5 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm ...Điểm tên 9 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương 2 tháng ...
Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 2 và ...