Thứ năm, 26-12-2024 - 18:48 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tiếp cận thị trường Hàn Quốc thông qua hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc 

 Thứ sáu, 22-1-2016

AsemconnectVietnam - Quan hệ thương mại song phương của Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt mức tăng trưởng đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua. Thương mại hai chiều đã tăng hơn 57 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 28,8 tỷ USD năm 2014. Trong năm 2014, Hàn Quốc là quốc gia xếp thứ 3 trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ xuất nhập khẩu với Việt Nam trên toàn thế giới nói chung và xếp thứ 2 trong các quốc gia ở châu Á nói riêng sau Trung Quốc, và hiện Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc.

 
1. Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc:
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc 7,11 tỷ USD hàng hóa, tăng 7,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ quốc gia Đông Bắc Á này đạt 21,74 tỷ USD, tăng 3,4%. Cán cân thương mại hàng hóa giữa việt nam và hàn quốc trong năm 2014 tiếp tục mất cân bằng với mức thâm hụt 14,63 tỷ USD nghiêng về phía Việt Nam.
Trong năm 2014, những mặt hàng chủ yếu của Việt Nam được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc gồm: sản phẩm dệt may; gỗ và sản phẩm; giày dép; thủy sản; cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện... Trong đó, dệt may là nhóm hàng đạt kim ngạch cao nhất với 2,09 tỷ USD, tăng 27,5% so với năm ngoái, chiếm 29,3% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đứng thứ hai là nhóm hàng thủy sản với trị giá đạt khoảng 652 triệu USD, tăng 27,4% so với năm 2013, chiếm 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm hàng đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc trong năm qua với 491,42 triệu USD, chiếm 6,9% tổng kim ngạch, tăng 49,5 % so với năm 2013
Năm 2015, thương mại 2 chiều của Việt Nam – Hàn Quốc đã vượt mốc 30 tỷ USD và với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc 2 nước kỳ vọng thương mại 2 chiều sẽ đạt mốc 70 tỷ USD vào năm 2020.
2. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (AKFTA)
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) chính thức được ký kết vào ngày 05/05/2015, sau hơn 03 năm đàm phán. Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam chính thức ký kết trong năm 2015, đánh dấu bước hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu. Nội dung chính của VKFTA gồm 17 chương, 208 Điều, 15 phụ lục và 1 thỏa thuận về hợp tác kinh tế. VKFTA là hiệp định thương mại tự do mang tính toàn diện, có mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, với các nội dung chính bao gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ (bao gồm các phụ lục về dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, di chuyển thể nhân), đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại điện tử, cạnh tranh, hợp tác kinh tế, thể chế và pháp lý.
Cam kết thuế quan trong VKFTA
Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu, tương đương 95,4% số dòng thuế của Hàn Quốc trong đó có nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản, thủy sản (tôm, cua, cá…), hàng công nghiệp có dệt may, đồ gỗ và các sản phẩm cơ khí. Với VKFTA, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường với những sản phẩm nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang,…(thuế suất của những mặt hàng này từ khoảng 241%-420% với hàng hóa nhập khẩu nước ngoài). Đặc biệt với mặt hàng tôm với những mã HSK 0306161090, 0306169090, 0306171090, 0306179090, 0306261000, 0306271000, và 1605219000. , Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10 nghìn tấn/năm trong năm  thứ 1 và tăng dần đến năm thứ 6 sẽ là mức 15 ngàn tấn/năm miễn thuế, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN). Đây là cơ hội cạnh tranh lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với các nước khác khi VKFTA có hiệu lực.
Theo chiều ngược lại, Việt Nam cam kết cắt giảm thuế quan với 92,7%giá trị nhập khẩu, chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cán điện, v.v… Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.
So với AKFTA thì mức độ cam kết giảm thuế quan trong VKFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội cạnh tranh hơn cho hàng hóa Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực Asean và Trung Quốc.
So sánh mức độ cam kết Việt Nam và Hàn Quốc qua VKFTA và AKFTA
 
AKFTA
VKFTA
Mức độ cam kết của Hàn Quốc
-Giá trị nhập khẩu: 91,7%
-Số dòng thuế: 91,3%
-Giá trị nhập khẩu: 97,2%
-Số dòng thuế: 95,4%
Mức độ cam kết của Việt Nam
-Giá trị nhập khẩu: 86,3%
-Số dòng thuế: 87,1%
-Giá trị nhập khẩu: 92,7%
-Số dòng thuế: 89,2%
Trong AKFTA, với danh mục hàng hóa thông thường (NT), Việt Nam cam kết giảm và cắt bỏ hoàn toàn hầu hết các dòng thuế trong danh mục NT vào năm 2016, chậm hơn 6 năm so với các nước ASEAN 6 và Hàn Quốc, với một số dòng thuế có thời hạn cắt giảm linh hoạt đến năm 2018; trong danh mục hàng hóa nhạy cảm (SL), Việt Nam cam kết giảm tất cả các dòng thuế SL xuống còn 20% không chậm hơn năm 2017 và sau đó xuống còn 0 –5% không chậm hơn năm 2021. Về phía Hàn Quốc (và ASEAN 6), lộ trình ngắn hơn, tương tứng là năm 2012 và năm 2016.
3. Cam kết thuế quan của Hàn Quốc đối với một số mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam
3.1 Hàng dệt may:
Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của ngành dệt may Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2009 chỉ đạt 242,486 triệu USD nhưng đến năm 2010 kim ngạch đạt 431,633 triệu USD, tăng 78% so năm 2009. Kim ngạch này ngày càng gia tăng trong giai đoạn 2011-2012, năm 2012, xuất khẩu dệt may của Việt Nam ra nước ngoài khoảng 15 tỉ USD thì  kim ngạch xuất khẩu vào Hàn Quốc đạt 1,068 tỉ USD, chiếm 7,1% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2012.
Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 2,09 tỷ USD, tăng 27,5% so với năm 2013, trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là các nhóm áo khoác, áo jacket, hàng suite, quần nam/nữ.Trong năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc dự báo đạt 3 tỷ USD, tiềm năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào Hàn Quốc là khá nhiều khi các rào cản thuế quan được xóa bỏ, đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do của 2 nước vừa được ký kết
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc
(Đơn vị: ngàn USD, %)
 
2009
2010
2011
2012
2013
2014
Kim ngạch
242.486
431.633
899.949
1.068.908
1.646.504
2.092.300
Thay đổi so với năm trước
 
78,0
108,5
18,8
54,0
27,5
Nguồn: Tổng Cục hải quan
Trong VKFTA, Hàn Quốc cam kết cắt giảm thuế quan hoàn toàn với một số mặt hàng dệt may của Việt Nam đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất xứ hàng hóa kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Các nhóm hàng này hiện có thuế suất cơ sở từ 8-13% bao gồm một số mã có HS 2 chữ số chương 51 & 52.
3.2 Hàng gỗ và sản phẩm gỗ:
Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Hàn Quốc là 95 triệu USD , khi doanh nghiệp Việt Nam tận dụng  ngày càng nhiều ưu đãi từ AKFTA, thì kim ngạch xuất khẩu gỗ đã tăng 45,2 % vào năm 2010, đạt 138 triệu USD. Tính đến năm 2012 kim ngạch xuất khẩu đạt 229 triệu USD. Gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm hàng đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc trong năm 2014 với 491,42 triệu USD, chiếm 6,9% tổng kim ngạch, tăng 49,5 % so với năm 2013.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang Hàn Quốc
(Đơn vị: triệu USD, %)
 
2008
2009
2010
2011
2012
2013
2014
Kim ngạch
102
95
138
183
229
329
492
Thay đổi so với năm trước
 
-6,8
45,2
32,5
24,6
43,7
49,5
Nguồn: Tổng Cục hải quan
Với VKFTA, một số các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ có mã HS thuộc chương 44 với thuế suất cơ sở đang áp dụng hiện nay là 8-10% sẽ được Hàn Quốc cam kết giảm hoàn toàn xuống 0%, ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 1 năm, 5 năm, 7 năm hay 10 năm tùy theo từng mặt hàng cụ thể được cam kết
3.3 Hàng Thủy sản:
Theo số liệu Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc tăng khá trong giai đoạn 2004-2007, năm 2004 kim ngạch xuất khẩu đạt 142,147 triệu USD thì đến năm 2007 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc là 274,968 triệu USD. Kim ngạch này tăng mạnh trong năm 2006 và 2007. Trong các năm 2008 và 2009 do khủng hoảng kinh tế tình hình xuất khẩu có xu hướng giảm. Tuy nhiên bước sang năm 2011 và năm 2012 xuất khẩu thủy sản đã tăng mạnh trở lại và đạt mức 509,558 triệu USD vào năm 2012 một phần do nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản Hàn Quốc tăng mạnh trở lại cùng với việc năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cải thiện… Khi VKFTA có hiệu lực, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam nếu đảm bảo được các điều kiện về xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường Hàn Quốc (Hàn Quốc chỉ chiếm 8,4% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2012)
Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc
(Đơn vị: ngàn USD, %)
 
2008
2009
2010
2011
2012
2013
2014
Kim ngạch
301.832
312.844
388.650
490.261
509.558
511.85
651.936
Thay đổi so với năm trước
9,8
3,6
42,2
26,1
3,9
0,5
27,4
Nguồn: Tổng Cục hải quan
Trong VKFTA, các mặt hàng thủy sản như cá trình biển, cá chình răng nhọn, cá ngừ vây dài, cá ngừ vây vàng, mực nang, hến, cá da trơn. .. sẽ được lộ Hàn Quốc giảm thuế xuống 0% sau 3 năm, 5 năm hoặc 10 năm từ khi Hiệp định có hiệu lực tùy từng loại mặt hàng. Ngoài ra, Hàn Quốc cam kết sẽ miễn thuế mặt hàng tôm của Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần lên đến mức 15.000 tấn/năm. Không chỉ giảm thuế, cam kết còn giảm thiểu các hàng rào phi thuế, các yêu cầu về kỹ thuật... mà nhiều doanh nghiệp còn lo ngại hơn cả thuế. Đây là cơ hội tốt để các DN tôm đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa vào thị trường này.
4. Qui tắc xuất xứ trong VKFTA :
Nhìn chung qui tắc xuất xứ qui định trong VKFTA không khác nhiều so với các FTA Việt Nam tham gia trước đây. Trong VKFTA quy tắc xuất xứ cũng dựa trên hai tiêu chí xác định nguồn gốc hàng hóa: hàng hóa xuất xứ thuần túy và hàng hóa có xuất xứ không thuần túy. Ngoài ra, VKFTA cũng qui định rõ quy tắc cụ thể mặt hàng và qui định dành cho một số hàng hóa đặc biệt được hưởng ưu đãi thuế quan.
Từ khi AKFTA được ký kết năm 2006, doanh nghiệp Việt Nam đã quen với việc xuất nhập khẩu trong phạm vi AKFTA. Theo số liệu của Bộ Công thương, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong AKFTA chiếm tới 85%, cao nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã và đang thực hiện. Một trong những nguyên nhân là do quy tắc xuất xứ của AKFTA tương đối lỏng nên doanh nghiệp dễ dàng xin được C/O form AK, đồng thời doanh nghiệp nắm rõ quy định này để áp dụng và tận dụng tốt. Trong khi đó, quy tắc xuất xứ của VKFTA cũng được đánh giá là tương đối lỏng và linh hoạt giúp doanh nghiệp tận dụng được tốt hơn. Sự linh hoạt của quy tắc xuất xứ trong VKFTA thể hiện ở việc có quy tắc xuất xứ chung cho phép doanh nghiệp lựa chọn hoặc hàm lượng RVC 40% hoặc CTH (chuyển đổi mã HS).
Đặc biệt, trong VKFTA có điều khoản “ưu việt” hơn AKFTA là cho phép áp dụng De Minimis từ Chương 1 đến Chương 97 và linh hoạt cho De minimis sử dụng (giá trị hoặc trọng lượng) đối với các chương dệt may. Theo đó, De Minimis là quy tắc linh hoạt cho phép người dùng được vi phạm ở ngưỡng 10% của trị giá hoặc trọng lượng.
Điểm lưu ý về yêu cầu C/O trong AKFTA là cơ quan Hải quan Hàn Quốc sẽ thường xuyên kiểm tra lại hồ sơ và yêu cầu xác minh C/O Việt Nam cấp cho các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế. Nếu cơ quan cấp C/O của Việt Nam không giải trình được sẽ phải yêu cầu doanh nghiệp giải trình. Khi doanh nghiệp không giải trình được, thì trong vòng 10 tháng phía Hàn Quốc ngay lập tức sẽ áp thuế MFN. Do vậy, doanh nghiệp khi làm hồ sơ chứng từ xuất xứ phải hết sức cẩn thận với đối tác Hàn Quốc.
5. Qui định về hàng hóa nhập khẩu vào Hàn Quốc
Hàng hóa nhập khẩu vào Hàn Quốc chịu sự kiểm soát của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, và được chia làm 3 nhóm: · Hàng cấm nhập khẩu (không được phép nhập khẩu), hàng hạn chế nhập khẩu (yêu cầu về giấy phép nhập khẩu), hàng tự động thông quan (không cần những giấy phép đặc biệt).
Các giấy tờ cần thiết làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Hàn Quốc, bao gồm
-         Giấy phép nhập khẩu
Giấy phép nhập khẩu có giá trị trong một năm. Thời hạn hiệu lực của giấy phép nhập khẩu có thể khác nhau tùy thuộc cơ quan cấp phép và mặt hàng nhập khẩu.
Sau khi sửa đổi Luật Hải quan và Nghị định thi hành có hiệu lực vào ngày 1/1/1997, thủ tục nhập khẩu và quy định đối với chứng từ nhập khẩu đã được đơn giản hóa. Hàng hóa nhập vào Hàn Quốc sẽ không cần phải có giấy phép nhập khẩu (I/L) do ngân hàng ngoại hối phát hành. Qui định đối với chứng từ chấp thuận thanh toán bằng ngoại tệ cũng không còn được áp dụng. Tất cả hàng hóa có thể được tự do nhập khẩu, ngoại trừ những loại hàng như dược phẩm và thiết bị y tế phải đăng ký nhập khẩu trừ khi chúng có tên trong danh sách kiểm soát xuất nhập khẩu (Negative List), và những hàng hóa thuộc danh mục bị hạn chế hoặc cấm nhập khẩu.
Danh sách kiểm soát xuất nhập khẩu (Negative List) thường được hiểu như một Thông báo về Xuất Nhập khẩu (Export and Import Notice). Có 54 Luật giải thích về những quy định và thủ tục đối với việc nhập khẩu một số mặt hàng nhất định (1.074 mặt hàng), với mục đích bảo vệ y tế cộng đồng và vấn đề kiểm dịch, an toàn quốc gia, bảo vệ môi trường. Đơn xin phép nhập khẩu các mặt hàng thuộc danh sách kiểm soát nhập khẩu (Negative List) phải được cấp bởi cơ quan chính phủ, hoặc Hiệp hội ngành hàng có thẩm quyền. Đơn xin phép nhập khẩu phải nộp kèm hợp đồng mua bán, đơn chào hàng và bất cứ văn bản nào mà Ngân hàng hoặc Bộ phụ trách yêu cầu và chỉ những thương nhân đã đăng ký mới được phép nhập khẩu hàng hóa bằng chính tên của họ.
Những sản phẩm có liên quan tới y tế và độ an toàn như dược phẩm phải qua kiểm tra bổ sung hoặc phải có giấy chứng nhận của những tổ chức có thẩm quyền trước có thể thông quan. Thêm vào đó, trong Kế hoạch Thương mại Hàng năm (Annual Trade Plan) của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (MOCIE) có quy định một số hạng mục hàng hóa đặc biệt (như pháo hoa, thuốc trái phép, những loài có nguy cơ tuyệt chủng...) phải được sự cho phép của Bộ trưởng MOCIE trước khi nhập khẩu. Trong hầu hết các trường hợp, quá trình đăng ký phải được cơ quan địa phương có thẩm quyền bên xuất khẩu thực hiện. Theo Bộ Luật Ngoại thương sửa đổi, tất cả những hạn chế thương mại đối với các công ty kinh doanh đều bị bãi bỏ bằng cách chuyển đổi từ hệ thống cấp phép trước đây sang hệ thống mới cho phép các công ty nộp thông báo nhập khẩu cho MOCIE.
-         Chứng từ xuất/nhập khẩu
Thủ tục thông quan từ phía Hải quan Hàn Quốc hiện đơn giản hơn nhờ có việc sửa đổi Bộ luật Hải quan và Nghị định Thi hành có hiệu lực từ tháng 12/1995. Hệ thống đơn xin phép nhập khẩu đã được thay thế bằng hệ thống khai báo nhập khẩu. Nếu tờ khai hải quan đối với hàng nhập khẩu không có chi tiết gì về việc hàng hoá bị lỗi / hỏng… thì hàng hóa sẽ được phép thông quan. Ngoại trừ các mặt hàng có mức độ rủi ro cao liên quan đến những vấn đề y tế cộng đồng, kiểm dịch, an ninh quốc gia và môi trường cần phải có chứng từ và yêu cầu kiểm tra bổ sung thì những mặt hàng nhập khẩu bởi những công ty không vi phạm luật thương mại sẽ được thông quan sau khi Hải quan chấp nhận tờ khai hải quan cho những mặt hàng đó và hàng hóa không cần phải kiểm tra bởi Hải quan.
Hệ thống EDI (Electronic Data Interchange) (Trao đổi dữ liệu điện tử) thuộc Cục Hải quan Hàn Quốc đã đi vào hoạt động từ tháng 6/1999 và đây là một hình thức thông quan không cần thủ tục giấy tờ, cho phép nhà nhập khẩu có thể tiến hành khai báo nhập khẩu qua mạng máy tính mà không cần trực tiếp đến văn phòng Hải quan.
Một sửa đổi đáng chú ý khác về thủ tục thông quan có hiệu lực vào 1/1/1999, đó là: hàng hóa có thể được nhập khẩu trước khi khai báo nhập khẩu và trả thuế. Năm 1999, Cục Hải quan Hàn Quốc đã kết nối tất cả các cơ sở dữ liệu bằng hệ thống máy tính với các cơ quan có giao dịch xuất nhập khẩu (thủ tục cấp phép, giới thiệu, kiểm tra và kiểm dịch).
Ngoài ra, Tờ khai có thể được lập tại văn phòng Hải quan trước khi tàu chở hàng cập cảng, hoặc trước khi hàng hóa được dỡ tại khu vực kho ngoại quan. Trong cả hai trường hợp này, nếu tờ khai hải quan được chấp nhận, hàng hóa có thể được thông quan trực tiếp từ cảng mà không cần phải chuyển hàng vào kho ngoại quan.
Cùng với các thủ tục nhập khẩu, thủ tục và chứng từ đối với hàng hóa xuất khẩu cũng đã được đơn giản hóa kể từ ngày 1/1/1997. Hàng hóa xuất khẩu không còn cần phải có giấy phép xuất khẩu (E/L) do ngân hàng ngoại thương cấp. Nhà xuất khẩu chỉ cần điền đầy đủ thông tin vào tờ thông báo xuất khẩu và nộp cho Hải quan Hàn Quốc qua máy tính dựa trên các chứng từ gửi hàng vào thời điểm thông quan hàng xuất khẩu. Tất cả các mặt hàng đều có thể xuất khẩu tự do trừ khi chúng nằm trong danh sách kiểm soát xuất nhập khẩu (Negative List).
-         Các yêu cầu về chứng từ với hàng hóa nhập khẩu:
+ Hóa đơn thương mại: không có hình thức quy định bắt buộc nào. Tuy nhiên, mẫu đơn chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi trong xuất khẩu tại Hàn Quốc. Có thể in tên hãng ở phần trên đầu của mẫu đơn nhưng phải được cấp và ký bởi người bán và phải chỉ rõ đơn giá từng mục hàng và những chi phí khác nếu cần thiết. Hóa đơn thương mại nên được gửi đến từng đơn vị nhận hàng
+ Vận đơn: nhà nhập khẩu phải điền đầy đủ vào mẫu đơn của Ngân hàng mở L/C và phải ghi rõ cả tên và địa chỉ đơn vị nhận hàng.
+ Phiếu đóng gói: phải có tối thiểu 2 bản copy, 1 bản đính kèm thùng hàng, 1 bản gửi đến Ngân hàng đại diện (thường là ngân hàng mở LC). Kèm theo đó là một bản mô tả chi tiết nội dung hàng hóa.
+ Giấy chứng nhận xuất xứ : chỉ bắt buộc phải có khi nhà nhập khẩu đòi hỏi hoặc trong thư tín dụng có chỉ định ghi rõ.
+ Các giấy chứng nhận đặc biệt: với những hàng hóa vận chuyển là thực phẩm, hạt giống sản phẩm rau, động vật nuôi và sản phẩm từ động vật, bao gồm cả len trơn và da, phải có giấy chứng nhận vệ sinh do cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất xứ cấp. Tất cả các sản phẩm dược và thiết bị y tế đều cần có giấy chứng nhận kiểm dịch với các thông tin cụ thể như: tên và địa chỉ nhà sản xuất, ngày sản xuất, mã số lô hàng, mã số quản lý, ngày hết hạn sử dụng.
Sản phẩm phải được sự cho phép sản xuất của chính quyền nước xuất xứ sản phẩm. Đối với những sản phẩm được nhập khẩu lần đầu (ví dụ như thực phẩm có lợi cho sức khỏe), phải có những chứng từ cần thiết như giấy chứng nhận đã qua phân tích thành phần cấu thành và mô tả về phương pháp sản xuất.
Thông tin hữu ích cho doanh nghiệp:
Thông tin Cơ quan quản lý liên quan xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốcvà các tổ chức hỗ trợ, hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc:
+ KITA- Hiệp hội ngoại thương Hàn Quốc (www.kita.net)
+ KOIMA- Hiệp hội các nhà nhập khẩu (www.import.or.kr)
+ KCCI -Phòng TM và CN Hàn Quốc (www.korcham.net)
+ QIA-Cơ quan Giám sát và Kiểm dịch Động vật Thực vật (www.qia.go.kr)
+ KCS- Hải Quan Hàn Quốc (www.customs.go.kr)
+ SBC-Tập đoàn Doanh nghiệp Vừa và nhỏ Hàn Quốc (www.sbc.co.kr)
+ KBIZ-Nghiệp đoàn doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (www.kbiz.or.kr)
+ Mạng tin tổng hợp Hàn Quốc www.korea.net
+ KOTRA-Tổ chức xúc tiến thương mại Hàn Quốc (www.english.kotra.or.kr)
+ KCAB-Ban trọng tài Thương mại Hàn Quốc (www.kcab.or.kr)
+ Bộ an toàn thực phẩm và thuốc (www.mfds.go.kr )
+ KEB- Làm thủ tục mở chi nhánh, giao dịch với các doanh nghiệp Hàn Quốc qua Ngân hàng ngoại thương Hàn Quốc (www.keb.co.kr )
Tài liệu tham khảo
  1. Trang thông tin Tổng Cục hải quan Việt Nam:
  2. Báo Hai quan online
  3. Cổng thông tin 
  4. Cổng thông tin thương mại đầu tư 
  5. Mạng tin tổng hợp Hàn Quốc
Minh Vũ - TT WTO

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716742889