Giá thép cây toàn cầu chịu áp lực từ yếu tố mùa vụ
Thứ năm, 10-7-2025
AsemconnectVietnam - Bước sang tháng 7, thị trường thép cây toàn cầu chứng kiến những xu hướng trái ngược tại các khu vực. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giá thép giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm do nhu cầu trong nước suy yếu và xuất khẩu gặp khó khăn. Trong khi đó, châu Âu bước vào giai đoạn trầm lắng theo mùa, với hoạt động giao dịch giảm mạnh. Ngược lại, tại Mỹ, giá thép tăng nhờ loạt rào cản thương mại mới được triển khai, giúp bảo vệ thị trường nội địa. Còn tại Trung Quốc, giá thép biến động do kỳ vọng về việc siết sản lượng xen lẫn với thực tế là nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giá thép cây ổn định đầu tháng 7, song vẫn ghi nhận điều chỉnh giảm nhẹ. Tính đến ngày 4/7/2025, giá chào bán đạt 536,8 USD/tấn FOB, giảm 0,5% so với tuần trước và giảm 1,5% so với đầu tháng 6. Đây là mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm trong tuần này.
Thị trường nội địa ảm đạm kéo dài do nhu cầu yếu, yếu tố mùa vụ và hạn ngạch xuất khẩu sang EU đã cạn kiệt. Sau kỳ nghỉ lễ, hoạt động thương mại trong nước vẫn yếu do lãi suất cao và khó khăn tài chính của các thương nhân. Dù tỷ giá đồng euro tăng giúp hàng Thổ Nhĩ Kỳ cạnh tranh hơn tại châu Âu, nhu cầu vẫn ở mức thấp. Từ ngày 1/7, xuất khẩu sang EU bắt đầu chịu thuế do vượt hạn ngạch.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là khu vực Mỹ Latinh. Thị trường châu Phi gần như đóng băng, trong khi nhu cầu tại Balkan và Trung Đông cũng hạn chế. Dù giá năng lượng, đặc biệt là khí đốt, tăng cao, các nhà máy vẫn buộc phải giảm giá nội địa xuống 525–540 USD/tấn ex-works.
Trước bối cảnh chi phí nguyên liệu cao (phế liệu duy trì ở mức 335–340 USD/tấn CFR) và nhu cầu yếu, giới phân tích nhận định giá đã gần chạm đáy. Tuy nhiên, khả năng phục hồi ngắn hạn là thấp nếu không có thay đổi vĩ mô, giảm lãi suất hoặc cải thiện thị trường xuất khẩu. Áp lực giảm giá dự kiến sẽ tiếp diễn trong tháng 7 nếu không mở được kênh xuất khẩu mới.
Tại châu Âu, giá thép cây tại châu Âu đầu tháng 7 duy trì ổn định – đạt 632,5 EUR/tấn ex-works tại Bắc Âu và 500 EUR/tấn tại Ý – không thay đổi so với tuần trước. Tuy nhiên, so với đầu tháng 6, giá lần lượt giảm 2,7% và 3,8%. Tại Ý, giá đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm.
Nhu cầu suy yếu, yếu tố mùa vụ và cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ là những yếu tố chính gây áp lực giảm giá. Tại Pháp và Đức, người mua hạn chế giao dịch do biên lợi nhuận thấp và tâm lý bất ổn. Ở Ý, hoạt động xây dựng tư nhân gần như ngưng trệ, chỉ còn các dự án hạ tầng công là tiếp tục triển khai. Giá phế liệu giảm và lượng tồn kho cao từ mùa xuân cũng góp phần kéo giá đi xuống.
Thị trường được dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng trong tháng 7 do kỳ nghỉ hè, đặc biệt tại Pháp và Đức. Dù một số nhà sản xuất cố gắng nâng giá, thị trường nhìn chung vẫn yếu và chưa có tín hiệu khởi sắc cho đến cuối tháng 8.
Tại Mỹ, giá thép cây tăng 8,5% so với tháng 6, lên mức 914,9 USD/tấn ex-works, giữ ổn định so với tuần trước.
Đà tăng giá trong tháng 6 được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Các nhà sản xuất lớn như Nucor, Steel Dynamics, Gerdau và CMC đồng loạt tăng giá cơ sở thêm 60 USD/tấn, một số còn tăng thêm 40 USD/tấn đối với thép cây 20 feet. Những điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trump quyết định tăng gấp đôi thuế nhập khẩu thép lên 50%, khiến hàng ngoại nhập mất lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, các nhà xuất khẩu từ Việt Nam, Algeria, Bulgaria và Ai Cập đang bị điều tra chống bán phá giá và trợ cấp, tạo thêm bất ổn.
Dù cạnh tranh nhập khẩu giảm, nhu cầu trong nước vẫn ở mức thấp. Xây dựng dân dụng và thương mại yếu, trong khi hạ tầng công vẫn ổn định. Trung hạn, thị trường được kỳ vọng sẽ hồi phục nhờ đầu tư công, nhưng trong tháng 7, giá dự kiến sẽ không có biến động lớn do hoạt động kinh tế và nhu cầu vay vốn thấp.
Tại Trung Quốc, đầu tháng 7, giá thép cây tại nước này ghi nhận mức tăng 2,1% so với tuần trước, lên 424,5 USD/tấn FOT – tăng 2,3% so với đầu tháng 6. Đà tăng chủ yếu được hỗ trợ bởi những đồn đoán về khả năng siết chặt sản lượng và kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ mới sau cuộc họp của Bộ Chính trị.
Tuy vậy, thị trường vẫn thiếu ổn định khi yếu tố cung – cầu chưa cải thiện rõ rệt. Sản lượng từ các lò cao tiếp tục duy trì, nhưng nhu cầu tiêu thụ trong nước lại suy yếu do ảnh hưởng thời tiết: mưa lớn kéo dài tại miền Nam và nắng nóng cực điểm ở miền Bắc đã làm gián đoạn nhiều hoạt động xây dựng. Trong bối cảnh đó, không ít nhà máy đã chủ động chuyển sang sản xuất phôi thép hoặc các dòng thép đặc chủng có biên lợi nhuận cao hơn.
Xuất khẩu cũng đang đối mặt với khó khăn khi số lượng đơn hàng mới sụt giảm, trong khi áp lực cạnh tranh từ các mức giá bán phá giá trên thị trường quốc tế ngày càng lớn. Dù giá có dấu hiệu phục hồi nhẹ, giới quan sát nhận định xu hướng này khó duy trì lâu dài nếu các biện pháp hạn chế sản xuất không được triển khai hiệu quả và nhu cầu nội địa tiếp tục trì trệ.
N.Hao
Nguồn: VITIC/Gmk.center
Thị trường kim loại thế giới ngày 10/7: Giá quặng sắt tăng phiên thứ hai liên tiếp, vàng và bạc tăng nhẹ
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc
Sản lượng thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc tăng tuần thứ ba liên tiếp
Giá thép tại Trung Quốc có thể phục hồi nhẹ trong tháng 7 sau hai tháng giảm liên tiếp
Thị trường kim loại ngày 9/7: Giá đồng và quặng sắt tăng nhẹ, vàng giảm do áp lực từ USD và lợi suất trái phiếu
Thị trường than toàn cầu tuần 1 tháng 7 năm 2025
Thị trường phôi thép toàn cầu tuần 1 tháng 7 năm 2025
Thị trường nông sản thế giới ngày 8/7: Giá ngô, lúa mì, đậu tương giảm do thời tiết thuận lợi và áp lực thương mại
Thị trường kim loại thế giới ngày 8/7: Giá vàng, đồng và quặng sắt đồng loạt giảm do lo ngại nhu cầu suy yếu
Thị trường thép cuộn cán nóng toàn cầu tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm trong tháng 6/2025
Thị trường phế liệu toàn cầu tuần 1 tháng 7/2025
Nhập khẩu thép thanh của Mỹ giảm trong tháng 4
Nhập khẩu thép dẹt không gỉ cán nguội của Nhật Bản giảm trong tháng 5
OPEC+ nhất trí tiếp tục tăng sản lượng dầu

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đứng đầu ...
4 tháng đầu năm 2025, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn duy trì là những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc 4 tháng năm ...
Tình hình xuất khẩu và nhập khẩu phân bón của Việt Nam 4 ...