Thứ năm, 3-7-2025 - 18:9 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường nông sản thế giới ngày 3/7: Giá tiêu tiếp tục tăng, ca cao giảm phiên thứ tư liên tiếp 

 Thứ năm, 3-7-2025

AsemconnectVietnam - Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/7, thị trường nông sản ghi nhận xu hướng tăng giá ở nhiều mặt hàng chủ lực như ngô, lúa mì, đậu tương và tiêu. Trong khi đó, ca cao và đường tiếp tục sụt giảm mạnh, còn cà phê biến động trái chiều giữa hai sàn lớn.

Cà phê tăng – giảm trái chiều
Giá cà phê Robusta trên sàn London bật tăng mạnh. Hợp đồng giao tháng 9/2025 tăng 40 USD/tấn, tương đương 1,10%, lên mức 3.660 USD/tấn. Kỳ hạn tháng 11/2025 cũng tăng 36 USD/tấn, đạt 3.602 USD/tấn.
Ngược lại, trên sàn New York, giá Arabica tiếp tục giảm sâu. Hợp đồng tháng 9/2025 mất 8,15 cent/pound (2,72%) xuống 291,95 cent/pound; hợp đồng tháng 12 giảm thêm 8,45 cent/pound, còn 286,15 cent/pound.
Đà giảm tại New York chủ yếu do giới đầu cơ đẩy mạnh bán ra sau thông tin Brazil đang vào mùa thu hoạch với điều kiện thời tiết thuận lợi. Dự báo thời tiết cho thấy nền nhiệt khoảng 10°C tại các vùng trồng cà phê lớn trong tuần tới – lý tưởng cho việc thu hái.
Thêm vào đó, đồng Real Brazil mạnh lên mức cao nhất trong năm so với USD khiến hoạt động xuất khẩu gặp khó, do doanh thu quy đổi của nông dân giảm. Dù các nhà sản xuất cà phê Brazil có nền tảng tài chính ổn định, tâm lý thận trọng vẫn chiếm ưu thế trong mùa thu hoạch. Theo Cepea (Đại học Sao Paulo), một số cánh đồng tại bang Parana đã chịu thiệt hại do sương giá trong tuần trước.
Giá tiêu tiếp đà tăng mạnh
Thị trường hồ tiêu tiếp tục khởi sắc. Tại Indonesia, tiêu đen Lampung tăng 0,24% lên 7.547 USD/tấn, trong khi tiêu trắng Muntok tăng 0,25% lên 10.195 USD/tấn.
Tại Malaysia, tiêu đen Kuching ASTA đang ở mức 9.000 USD/tấn; tiêu trắng ASTA đạt 11.750 USD/tấn. Còn tại Brazil, tiêu đen ASTA 570 ghi nhận mức tăng 1,65% lên 6.050 USD/tấn.
Tại Việt Nam, tiêu đen xuất khẩu loại 500 g/l đạt 6.240 USD/tấn, loại 550 g/l ở mức 6.370 USD/tấn. Giá tiêu trắng xuất khẩu giữ vững ở 8.950 USD/tấn.
Giới phân tích cho rằng, đà tăng của đồng USD cùng bất ổn địa chính trị và chi phí logistics leo thang đang làm gia tăng tâm lý tích trữ, hỗ trợ giá hồ tiêu trong ngắn hạn.
Lúa mì tăng phiên thứ hai liên tiếp
Giá lúa mì trên sàn Chicago ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp, nhờ hoạt động mua kỹ thuật và điều chỉnh vị thế trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ.
Lúa mì đỏ mềm mùa đông giao tháng 9 tăng 15 cent, đạt 5,64 USD/bushel. Tại Kansas, lúa mì đỏ cứng tăng 12 cent lên 5,4325 USD/bushel. Lúa mì xuân Minneapolis bật tăng 20,05 cent, đạt 6,49 USD/bushel, còn hợp đồng lúa mì đỏ xuân cứng trên CBOT tăng 12,25 cent lên 6,35 USD/bushel.
Giới đầu tư đang chờ báo cáo bán hàng xuất khẩu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự kiến công bố ngày 4/7. Khảo sát của Reuters cho thấy doanh số bán ròng có thể dao động từ 200.000 - 600.000 tấn.
Ngô bật tăng mạnh
Giá ngô trên sàn CBOT tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 2/7, chủ yếu nhờ lực mua kỹ thuật và nhu cầu bắt đáy sau chuỗi phiên giảm sâu trước đó. Ngoài ra, hoạt động điều chỉnh vị thế trước kỳ nghỉ dài ngày cũng góp phần hỗ trợ thị trường.
Hợp đồng giao tháng 9 tăng 12 cent, đạt 4,18 USD/bushel; hợp đồng tháng 12 tăng 11,05 cent lên 4,3305 USD/bushel.
Mặc dù nguồn cung từ Brazil vẫn dồi dào và mùa vụ Mỹ có triển vọng tích cực, song thời tiết ấm áp kèm mưa nhẹ tại Trung Tây Mỹ đang tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn thụ phấn – yếu tố hỗ trợ giá trong ngắn hạn.
USDA dự kiến sẽ công bố doanh số bán ngô vào ngày 4/7, với ước tính khoảng 1 triệu tấn cho vụ cũ và 900.000 tấn cho vụ mới.
Đậu tương tăng mạnh, dầu đậu phục hồi
Thị trường đậu tương ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong nhiều tuần. Hợp đồng tháng 8 tăng 23,75 cent lên 10,5305 USD/bushel; kỳ hạn tháng 11 tăng 20,75 cent lên 10,48 USD/bushel. Đà tăng được thúc đẩy bởi lực mua kỹ thuật và kỳ vọng chính sách mới từ Mỹ.
Đáng chú ý, giá đậu tương đã vượt các ngưỡng kỹ thuật quan trọng như đường trung bình 50, 100 và 200 ngày. Trong khi đó, bột đậu nành tháng 8 giảm nhẹ 3,10 USD, còn 276,80 USD/tấn ngắn. Dầu đậu nành tháng 8 tăng 1,36 cent lên 55,02 cent/pound, được hỗ trợ bởi dự luật tại Thượng viện Mỹ hạn chế tín dụng sinh học cho nguyên liệu nhập khẩu từ Bắc Mỹ – qua đó thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Ca cao giảm phiên thứ 4 liên tiếp
Giá ca cao tiếp tục lao dốc, đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp khi nguồn cung toàn cầu có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Tại sàn London, hợp đồng ca cao giảm 2,2%, chốt phiên ở mức 5.545 GBP/tấn – tiếp nối mức giảm 4,5% của phiên trước. Tại New York, hợp đồng cũng giảm 1,1%, xuống còn 8.225 USD/tấn sau cú lao dốc 7,6% đầu tuần.
Theo công ty tư vấn CRA, niên vụ ca cao 2025/26 được dự báo sẽ thặng dư khoảng 325.000 tấn – lần đầu tiên trong ba năm qua. Sản lượng tăng nhờ đầu tư vào các khu vực như Ecuador, Peru, Nigeria và Brazil sau chu kỳ tăng giá kỷ lục. Ngoài ra, Ghana có thể sớm tung ra nguồn cung mới ngay trong tháng 8 tới, đồng thời điều chỉnh giá thu mua nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu.
Đường tiếp tục suy yếu
Giá đường tiếp tục giảm do thời tiết thuận lợi tại các nước sản xuất lớn như Ấn Độ và Thái Lan.
Đường thô giảm 0,8%, về mức 15,58 cent/pound – gần sát đáy 4 năm thiết lập đầu tuần. Đường trắng cũng giảm tương ứng, chốt ở mức 458,80 USD/tấn.
N.Hao
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)
Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, phường Nghĩa Đô, thành phố Hà Nội.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25725921318