Thị trường nông sản thế giới ngày 14/6: Giá đậu tương tăng mạnh nhờ đề xuất mới từ Mỹ
Thứ bảy, 14-6-2025
AsemconnectVietnam - Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/6, giá đậu tương, ngô và cà phê đồng loạt tăng, trong khi lúa mì, ca cao và đường ghi nhận xu hướng giảm.
Đậu tương, ngô, lúa mì đồng loạt tăng
Giá đậu tương và dầu đậu tương tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 13/6 sau khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đề xuất tăng tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học vượt kỳ vọng thị trường.
Cụ thể, dầu đậu tương giao tháng 7/2025 trên sàn CBOT tăng kịch trần, thêm 3 cent, lên 50,61 cent/pound. Đậu tương cùng kỳ hạn tăng 27,5 cent, chốt ở mức 10,69-3/4 USD/bushel - mức cao nhất trong vòng ba tuần.
Đề xuất của EPA hướng tới tăng sử dụng nhiên liệu sinh học trong giai đoạn 2026 – 2027, đồng thời siết nhập khẩu, khiến kỳ vọng về nhu cầu dầu đậu tương nội địa tăng mạnh trong sản xuất diesel sinh học. Điều này cũng làm gia tăng hoạt động ép đậu tương tại Mỹ trong thời gian tới.
Trong khi đó, giá ngô giao tháng 7 trên sàn CBOT tăng 6 cent, lên 4,44-1/2 USD/bushel, nhưng vẫn chịu áp lực do hạn ngạch ethanol không thay đổi. Lúa mì tăng 17-1/4 cent, lên 5,43-3/4 USD/bushel, tuy nhiên vẫn giảm 2% trong tuần do mùa thu hoạch ở Bắc bán cầu đang diễn ra thuận lợi.
Cà phê phục hồi
Giá cà phê Robusta trên sàn London phiên 13/6 ghi nhận đà phục hồi nhẹ. Hợp đồng tháng 7/2025 tăng 5 USD (0,11%) lên 4.397 USD/tấn; hợp đồng tháng 9/2025 tăng 23 USD (0,54%) lên 4.314 USD/tấn.
Tuy nhiên, Arabica tiếp tục giảm. Hợp đồng tháng 7/2025 trên sàn New York giảm 2,85 cent (0,81%) còn 347,80 cent/lb; kỳ hạn tháng 9/2025 giảm 3,3 cent (0,95%) về mức 345,30 cent/lb.
Lượng tồn kho Robusta do ICE giám sát giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần, chỉ còn 5.184 lô, góp phần hỗ trợ giá. Ngược lại, tồn kho Arabica tăng 9.145 bao, lên 827.587 bao, tiếp tục gây áp lực giảm giá.
Tại Brazil, nông dân vùng Cerrado Mineiro đang thử nghiệm giống cà phê Robusta Conilon để thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo IBGE, sản lượng cà phê năm 2025 ước đạt 55,3 triệu bao, giảm 3,1% so với năm trước do sản lượng Arabica giảm 7% (còn 37,2 triệu bao). Ngược lại, sản lượng Robusta được dự báo tăng 5,9%, đạt 18,1 triệu bao nhờ năng suất và diện tích thu hoạch tăng.
Giá tiêu duy trì đà tăng nhẹ
Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) tiếp tục điều chỉnh tăng giá tiêu đen Indonesia thêm 13 USD, lên 7.526 USD/tấn. Tiêu trắng Muntok Indonesia cũng tăng 18 USD/tấn, đạt mức 10.167 USD/tấn.
Trong khi đó, giá tiêu Việt Nam và Malaysia ổn định. Tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam dao động từ 6.300 – 6.400 USD/tấn, còn tiêu trắng giữ ở mức 9.300 USD/tấn. Malaysia duy trì tiêu đen ở mức 9.100 USD/tấn và tiêu trắng ASTA ở 11.850 USD/tấn.
Ca cao giảm do chốt lời
Giá ca cao giao tháng 9/2025 trên sàn ICE London giảm 2,56%, đóng cửa tại mức 6.432 GBP/tấn, với khối lượng giao dịch đạt 1.640 hợp đồng. Diễn biến này đánh dấu phiên điều chỉnh sau giai đoạn dao động mạnh, với biên độ trong ngày khá rộng từ 6.420 đến 6.650 GBP/tấn.
Áp lực chốt lời và các tín hiệu kỹ thuật tiêu cực là nguyên nhân chính, trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn thận trọng và chờ đợi thêm thông tin mới từ các vùng trồng chủ lực ở Tây Phi.
Đường tăng
Trên sàn ICE New York, hợp đồng đường thô (Sugar No.11) kết thúc phiên với mức giao dịch giảm còn 172.009 hợp đồng, so với 218.391 của phiên trước. Tuy nhiên, open interest tăng thêm 8.483 hợp đồng, lên tổng cộng 898.247 hợp đồng – phản ánh tâm lý chờ đợi và thiếu quyết đoán của nhà đầu tư.
Mặc dù giá đường vẫn ổn định trong biên độ hẹp, áp lực từ báo cáo dư cung toàn cầu của USDA khiến thị trường khó tạo đột phá. Dự báo sản lượng từ Brazil và Ấn Độ sẽ tiếp tục là các yếu tố then chốt quyết định xu hướng giá trong thời gian tới.
N.Hao
Nguồn: VITIC
Thị trường ngô thế giới tháng 6/2025
Thị trường đậu tương thế giới tháng 6/2025
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa mì tăng nhẹ, đường phục hồi, ca cao điều chỉnh giảm
Ngô Mỹ chiếm thị phần lớn tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)
4 tháng đầu năm xuất khẩu thép cây của Thổ Nhĩ Kỳ tăng
4 tháng đầu năm nhập khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) của Thổ Nhĩ Kỳ giảm
Nhu cầu nhập khẩu lúa mì tăng ở Châu Phi cận Sahara
Xuất khẩu phế liệu của Mỹ giảm trong tháng 4/2025
Xuất khẩu của Đài Loan đạt mức cao kỷ lục trong tháng 5
Thị trường phôi thép toàn cầu tuần 3 tháng 6/2025
Thị trường phế liệu toàn cầu tuần 3 tháng 6/2025
Xuất khẩu phế liệu sắt thép của Nhật Bản tăng mạnh trong tháng 4 nhờ nhu cầu cao
Xuất nhập khẩu thép cuộn dây của Brazil đều tăng trong tháng 5
Xuất khẩu phế liệu sắt thép của Brazil trong tháng 5 tiếp tục tăng