Thứ ba, 1-7-2025 - 22:19 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường nông sản thế giới ngày 14/5: Giá ca cao tăng mạnh, giá đường thô đạt mức cao nhất trong một tháng 

 Thứ tư, 14-5-2025

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 13/5 giá ca cao, giá đường tăng, giá lúa mì trái chiều, giá ngô và cà phê giảm, trong khi giá tiêu ổn định.

Lúa mì trái chiều
Tại CBOT, hợp đồng lúa mì đỏ mềm giao tháng 7 tăng nhẹ 2 cent lên 5,1725 USD/bushel. Hợp đồng lúa mì đỏ cứng mùa đông tháng 7 tăng 3,75 cent, đóng cửa ở 5,1175 USD/bushel. Trong khi đó, lúa mì xuân giao tháng 7 tại Minneapolis giảm 3,25 cent còn 5,8075 USD/bushel.
Giá lúa mì kỳ hạn trên sàn Chicago sụt giảm trong phần lớn phiên giao dịch ngày thứ Ba, trước khi phục hồi nhẹ vào cuối phiên nhờ hoạt động mua bù thiếu. Tất cả các hợp đồng lúa mì đỏ mềm chạm mức thấp lịch sử sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra các dự báo tiêu cực.
Báo cáo cung cầu mới nhất từ USDA cho biết, lượng tồn kho lúa mì của Mỹ cuối niên vụ 2025/26 có thể vượt mức dự báo trước đó, góp phần kéo dự báo tồn kho toàn cầu lên nhẹ.
Cùng với đó, báo cáo cập nhật điều kiện mùa màng cũng cho thấy vụ lúa mì đông của Mỹ đã có sự cải thiện đáng kể trong tuần trước. Tỷ lệ gieo trồng lúa mì xuân đạt 66%, cao hơn nhiều so với trung bình 5 năm (49%) và vượt kỳ vọng thị trường (62%).
Tại khu vực Biển Đen, thời tiết đầu tháng 5 nhìn chung thuận lợi cho cánh đồng ngũ cốc Ukraine, nhưng một số vùng phía nam đã chịu thiệt hại bởi hạn hán và sương giá, ảnh hưởng tới lúa mì, lúa mạch và cây họ đậu.
Ngô giảm
Tại CBOT, hợp đồng ngô giao tháng 7 chốt phiên giảm 5,05 cent, xuống còn 4,4205 USD/bushel.
Thị trường ngô tiếp tục chịu sức ép từ điều kiện thời tiết lý tưởng cho gieo trồng tại Vành đai ngô Mỹ, cùng với lực bán kỹ thuật đẩy giá xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết đến ngày 12/5, tiến độ gieo trồng ngô của Mỹ đạt 62%, vượt mức trung bình 5 năm (56%) và vượt xa kỳ vọng (khoảng 60%).
Dù lượng tồn kho cuối kỳ được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 1,415 tỷ bushel (so với 1,465 tỷ bushel tháng trước), con số này vẫn sát với ước tính của giới phân tích (1,443 tỷ bushel, không đủ sức hỗ trợ giá.
Đậu tương trái chiều
Giá đậu tương diễn biến trái chiều trong ngày, khi các tín hiệu tích cực từ thương mại Mỹ - Trung và dự báo cung cầu được bù trừ bởi hoạt động chốt lời.
Hợp đồng đậu tương tháng 7 tăng 1,25 cent lên 10,7205 USD/bushel. Trong khi đó, giá dầu đậu tương tháng 7 tăng 1,56 cent, lên 51,48 cent/pound, còn bột đậu tương giảm 4,8 USD xuống 293,30 USD/tấn ngắn.
Động lực tăng đến từ việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng ý tạm ngừng các hành động trả đũa thương mại, làm dấy lên kỳ vọng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu đậu tương Mỹ – sản phẩm mà nước này vốn đang dẫn đầu về tiêu thụ toàn cầu.
USDA ước tính tồn kho đậu tương Mỹ kết thúc niên vụ 2024/25 đạt 350 triệu bushel, thấp hơn dự báo tháng 4 (375 triệu) và mức trung bình của các nhà phân tích (369 triệu).
Tuy nhiên, áp lực từ thời tiết thuận lợi cho việc gieo trồng tại Trung Tây Mỹ khiến đà tăng bị kìm hãm. Một số nhà sản xuất cũng tỏ ra hoài nghi về tác động thực tế của lệnh ngừng thuế, cho rằng Brazil vẫn giữ lợi thế giá trong mắt người mua Trung Quốc.
Ca cao bật tăng mạnh
Trên sàn New York, giá ca cao bật tăng mạnh 861 USD, tương đương 9,5%, đạt 9.951 USD/tấn, đây là mức cao nhất trong vòng hơn hai tháng. Trước đó, giá có thời điểm chạm mốc 10.045 USD/tấn.
Các đại lý cho biết, điều kiện thời tiết bất lợi tại Bờ Biển Ngà – quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng giữa vụ, làm gia tăng áp lực nguồn cung trong bối cảnh thị trường vốn đã khan hiếm.
Thanh khoản thấp khiến giá ca cao tiếp tục biến động mạnh.
Tại London, hợp đồng ca cao (cũng tăng 6,3%, lên 7.069 bảng Anh/tấn.
Đường thô đạt mức cao nhất trong một tháng
Chốt phiên, giá đường thô đạt mức cao nhất trong một tháng, tăng 2,9% lên 18,22 cent mỗi lb nhờ sản lượng đường thấp hơn dự báo ở Brazil và giá năng lượng tăng.
Giá đường trắng tăng 3% lên 509,80 USD/tấn.
Ca cao tăng mạnh
Trên sàn New York, giá ca cao bật tăng mạnh 861 USD, tương đương 9,5%, đạt 9.951 USD/tấn - đây là mức cao nhất trong vòng hơn hai tháng. Trước đó, giá có thời điểm chạm mốc 10.045 USD/tấn.
Các đại lý cho biết, điều kiện thời tiết bất lợi tại Bờ Biển Ngà – quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng giữa vụ, làm gia tăng áp lực nguồn cung trong bối cảnh thị trường vốn đã khan hiếm.
Thanh khoản thấp khiến giá ca cao tiếp tục biến động mạnh.
Tại London, hợp đồng ca cao cũng tăng 6,3%, lên 7.069 bảng Anh/tấn.
Cà phê đồng loạt giảm mạnh
Trên sàn London, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2025 giảm thêm 174 USD (tương đương 3,33%); về mức 5.052 USD/tấn. Và kỳ hạn giao tháng 9/2025 giảm mạnh 168 USD (tương đương 3,24%); ở ngưỡng 5.013 USD/tấn.
Đồng thời, trên sàn New York, giá Arabica giao tháng 7/2025 quay đầu giảm 14,8 cent (tương đương 3,82%); xuống ngưỡng 372,95 cent/lb. Và kỳ hạn giao tháng 9/2025 giảm tới 14 cent (tương đương 3,66%); ở mức 368,45 cent/lb.
Giá cà phê đồng loạt giảm mạnh, do cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra thành công khi hai bên đồng ý giảm mạnh thuế suất đối với hàng hóa của nhau trong thời hạn tạm thời là 90 ngày.
Cụ thể, Mỹ sẽ giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc từ mức 145% xuống 30%, trong khi Trung Quốc cũng sẽ hạ thuế đối với hàng hóa từ Mỹ từ 125% xuống 10%. Theo Barchart, giá cà phê đã giảm mạnh do chỉ số đồng USD (DXY) tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong 1 tháng.
Hơn nữa, sự gia tăng nguồn cung cà phê toàn cầu cũng đang gây áp lực lên giá cả. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) gần đây đã dự đoán rằng sản lượng cà phê niên vụ 2025/26 của Honduras, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất Trung Mỹ, sẽ tăng 5,1% so với niên vụ trước, đạt 5,8 triệu bao.
Đồng thời, công ty tư vấn Safras & Mercado ở Brazil đã nâng dự báo sản lượng cà phê của quốc gia này trong niên vụ 2025-2026 lên 65,51 triệu bao, so với mức ước tính trước đó là 62,45 triệu bao.
Cũng trong thời gian này, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ Brazil (Conab) đã điều chỉnh dự báo sản lượng cà phê năm 2025 lên 55,7 triệu bao, tăng từ mức 51,81 triệu bao hồi tháng 1.
Tình hình tồn kho cà phê toàn cầu cũng có dấu hiệu cải thiện, điều này tiếp tục tác động đến giá cả. Cụ thể, tồn kho cà phê robusta do ICE giám sát đã đạt mức cao nhất trong 3 tháng rưỡi, với 4.507 lô, trong khi tồn kho cà phê arabica cũng ghi nhận mức cao nhất trong gần 3 tháng, đạt 844.473 bao vào thứ 4 tuần trước.
Mặc dù vậy, giá cà phê vẫn nhận được một phần hỗ trợ do ảnh hưởng của tình hình thời tiết khô hạn tại Brazil. Theo báo cáo từ Cơ quan khí tượng Somar Meteorologia, khu vực trồng cà phê arabica lớn nhất Brazil, Minas Gerais, chỉ ghi nhận 0,8 mm mưa trong tuần kết thúc vào ngày 10/5, tương đương 16% so với mức trung bình lịch sử.
Tiêu ổn định
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu đen Indonesia và Malaysia đang được giao dịch ở mức 7.323 USD/tấn và 9.200 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 đạt 6.800 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam tiếp tục dao động trong khoảng 6.700 - 6.800 USD/tấn đối với loại 500 g/l và 550 g/l.
Cùng thời điểm khảo sát, giá tiêu trắng Muntok Indonesia đạt 9.918 USD/tấn. Trong khi giá tiêu trắng Việt Nam và tiêu trắng Malaysia ASTA lần lượt đứng ở mức 9.700 USD/tấn và 11.900 USD/tấn.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong tháng 3, nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ đạt 6.741 tấn, tăng 13,4% so với tháng trước và tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường cung cấp chính gồm: Việt Nam đạt 3.991 tấn, Indonesia đạt 1.515 tấn và Ấn Độ: 815 tấn.
Lũy tiến đến hết quý I, nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ đạt 21.586 tấn, trị giá gần 159 triệu USD, tăng 8,7% về lượng và 66,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, Việt Nam là nhà cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho thị trường Mỹ trong quý đầu năm với khối lượng đạt 13.036 tấn, trị giá 98,5 triệu USD, so cùng kỳ giảm 13,6% về lượng nhưng tăng 38,4% về trị giá. Thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ đã giảm xuống còn 60,4% từ mức 76% của cùng kỳ.
Các thị trường cung cấp lớn tiếp theo là Indonesia chiếm 20,9% thị phần đạt 4.522 tấn, tăng 241,7%; Ấn Độ chiếm 10,1% thị phần đạt 2.181 tấn và tăng 18,5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ptexim, tuần trước, giá tiêu có xu hướng giảm từ đầu tuần do nhu cầu yếu và lo ngại gia tăng về căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, thị trường đã phục hồi khi nhu cầu tăng trở lại.
Nhu cầu đã cải thiện tại EU, châu Á và Mỹ. Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc đã bắt đầu mua trở lại, dù số lượng chưa nhiều. Mặc dù vậy, sau thu hoạch, nông dân gần như không chịu áp lực phải bán và được cho là sẽ tiếp tục tích trữ hàng trong thời gian tới.
Chỉ số container toàn cầu của Drewry giảm 1%, còn 2.076 USD cho mỗi container 40 feet trong tuần đến ngày 10/5. Mức này thấp hơn 80% so với đỉnh dịch COVID-19 nhưng vẫn cao hơn 46% so với mức trung bình trước dịch năm 2019.
Dự báo cho thấy giá cước sẽ ổn định hơn khi các hãng tàu điều chỉnh công suất để phản ứng với khối lượng đặt chỗ thấp từ Trung Quốc.
N.Hao
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25725849943