Thứ sáu, 9-5-2025 - 20:55 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường nông sản thế giới ngày 8/5: Giá ca cao tăng trở lại 

 Thứ năm, 8-5-2025

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 7/5 giá ngô, giá lúa mì, giá đậu tương, giá dầu cọ, giá đường thô giảm, trong khi giá cà phê trái chiều, giá tiêu ổn định và giá ca cao tăng trở lại.

Cà phê trái chiều
Trên Sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 7/2025 chốt phiên ở mức 5.256 USD/tấn, giảm 0,66% (35 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước; hợp đồng giao tháng 9/2025 giảm 0,57% (30 USD/tấn), xuống còn 5.201 USD/tấn.
Ngược lại, trên Sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao tháng 7/2025 tiếp tục tăng nhẹ 0,41% (1,6 US cent/pound) so với phiên giao dịch trước, lên mức 389,85 US cent/pound; hợp đồng giao kỳ hạn tháng 9/2025 tăng 0,51% (1,95 US cent/pound), đạt 383,75 US cent/pound.
Hôm 6/5, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ Brazil (Conab) đã nâng ước tính sản lượng cà phê năm 2025 của nước này lên 55,7 triệu bao (loại 60 kg/bao), tăng 7,5% so với mức dự báo 51,81 triệu bao đưa ra vào tháng 1 năm nay.
Dự báo mới này cũng cao hơn 2,7% so với vụ mùa năm 2024 và đánh dấu mức cao nhất mọi thời đại đối với một "năm mất mùa" trong chu kỳ cà phê arabica hai năm một lần.
Theo comunicaffe, phân tích kỹ thuật các xu hướng gần đây của hợp đồng ca cao và nước cam cho thấy hợp đồng cà phê arabica cũng có khả năng phá vỡ mức đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 2 vừa qua và vượt ngưỡng 470 cent, thậm chí có thể tiến vào vùng giá 5 USD.
Trong khi đó, khối lượng vị thế mở đã giảm hơn 18,3%, từ 176.927 hợp đồng vào ngày 31/3 xuống còn 144.530 hợp đồng vào ngày 21/4, do các hợp đồng kỳ hạn chuyển từ tháng 5 sang tháng 7. Việc chốt lời có khả năng là nguyên nhân khiến số lượng hợp đồng mở giảm xuống.
Về yếu tố cơ bản, diễn biến thời tiết tại Brazil tiếp tục khiến các nhà giao dịch phải cảnh giác. Theo nhà cung cấp dịch vụ tài chính Michael J Nugent, giới đầu tư vẫn đang tập trung theo dõi xu hướng lượng mưa, yếu tố then chốt ảnh hưởng đến sản lượng vụ mùa tiếp theo.
Góp phần làm tăng sức ép tăng giá là sự mất giá của đồng USD. Chỉ số USD đã giảm từ trên 110 vào tháng 1 xuống dưới 98 vào ngày 21/4.
Đồng thời, có những lo ngại rằng việc tăng thuế sẽ đẩy giá cà phê tăng cao và làm suy yếu nhu cầu tại Mỹ. Nhiều nhà nhập khẩu hàng hóa toàn cầu như Starbucks, Hershey và Mondelez International cho biết mức thuế cơ bản 10% do chính quyền ông Trump áp đặt đối với hàng nhập khẩu sẽ khiến giá cả tăng và làm giảm sản lượng tiêu thụ.
Dầu cọ giảm
Giá dầu cọ Malaysia tiếp tục giảm phiên giao dịch thứ bảy liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9, do lo ngại về việc sản lượng cọ tăng và nhu cầu ảm đạm từ các quốc gia tiêu thụ lớn.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 7 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia đã giảm 65 ringgit, tương đương 1,71%, xuống còn 3.727 ringgit (880,05 USD) một tấn lúc đóng cửa.
Nhà phân tích hạt có dầu Dorab Mistry hôm 7/5 cho biết giá dầu cọ Malaysia có khả năng sẽ tiếp tục giảm và giao dịch gần mức thấp nhất trong 2 năm là 3.500 ringgit (826,5 USD)/tấn trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11 khi sản lượng phục hồi dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng.
Tiêu duy trì ổn định
Tại Indonesia, giá hạt tiêu đen Lampung tăng thêm 0,34%; lên mức 7.372 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok tăng 0,44%; ở ngưỡng 9.985 USD/tấn.
Giá hồ tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia có mức 9.300 USD/tấn; còn hồ tiêu trắng ASTA của quốc gia này giữ giá 11.900 USD/tấn.
Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 giao dịch ở ngưỡng 6.800 USD/tấn.
Tại Việt Nam, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 g/l giao dịch ở mức 6.700 USD/tấn; còn loại 550 g/l có mức 6.800 USD/tấn. Còn, giá hồ tiêu trắng xuất khẩu đang ở mốc 9.700 USD/tấn.
Ca cao tăng trở lại
Tại New York, giá ca cao tăng mạnh 3,1%, đạt 9.198 USD/tấn, tương đương mức tăng 273 USD. Động thái này giúp thị trường ca cao phục hồi phần nào sau giai đoạn điều chỉnh trong quý đầu năm, khi giá đã lao dốc tới 17,5% do áp lực từ nhu cầu yếu và tín hiệu tích cực từ mùa vụ.
Mặc dù điều kiện mưa thuận lợi tại Bờ Biển Ngà trong tuần trước được cho là sẽ hỗ trợ vụ giữa, song chất lượng hạt vẫn là yếu tố gây lo ngại. Triển vọng vụ mùa 2025/26 hiện khá sáng sủa tại nhiều quốc gia như Nigeria, Cameroon, Ecuador và Brazil, nơi giá ca cao cao đang khuyến khích việc mở rộng sản xuất. Trên sàn London, ca cao mã C2! tăng 3,9% lên 6.704 bảng Anh/tấn, tương đương 8.913 USD.
Ngô, đậu tương, lúa mì đồng loạt giảm
Giá đậu tương, ngô và lúa mì tương lai tại Chicago kết thúc phiên thứ Tư giảm khi các dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hạ nhiệt đã hỗ trợ thị trường nông sản, bất chấp những lo ngại dai dẳng về nhu cầu và cạnh tranh toàn cầu.
Mặc dù cuộc họp theo kế hoạch giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy hy vọng giảm bớt căng thẳng vào đầu phiên, nhưng tâm lý thị trường đã giảm xuống sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không hạ thuế trước đối với Trung Quốc.
 Trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT), hợp đồng đậu tương giảm 2 US cent xuống còn 10,39-1/4 USD/bushel. Trong khi, giá Giángô đóng cửa giảm 6-1/4 US cent xuống còn 4,49-1/4 USD/bushel. Giá lúa mì giảm 1-3/4 US cent xuống còn 5,34-1/4 USD/bushel.
Đường thô giảm
Trên sàn ICE, hợp đồng đường thô kỳ hạn mất 1,8%, tương đương 0,31 cent, chốt ở mức 17,13 cent/pound, sát mốc thấp nhất trong hơn ba năm qua là 16,97 cent thiết lập hồi đầu tháng.
Đồng thời, giá đường trắng cũng điều chỉnh giảm 1,7%, xuống còn 485,40 USD/tấn.
Theo giới giao dịch, hoạt động mua vào khá thưa thớt khi các nhà đầu cơ vẫn duy trì trạng thái bán ròng, trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu dần cải thiện. Vụ thu hoạch mía tại khu vực Trung Nam Brazil khởi động thuận lợi, trong khi mùa vụ sắp tới của Ấn Độ được đánh giá đầy triển vọng nhờ lượng mưa gió mùa khả quan. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng đường Ấn Độ trong niên vụ 2025/26 có thể tăng 26%.
N.Hao
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25724041306