Thứ sáu, 9-5-2025 - 15:10 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa quý 1/2025 và các biện pháp gia tăng xuất khẩu 

 Thứ tư, 9-4-2025

AsemconnectVietnam - Theo số liệu của Cục Thống kê – Bộ Tài chính, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá quý 1/2025 đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 3, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 75,39 tỷ USD, tăng 18,2% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,16 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3 và quý 1/2025
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2025 đạt 38,51 tỷ USD, tăng 23,8% so với tháng trước. Tính chung quý 1/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 29,02 tỷ USD, tăng 15,0%, chiếm 28,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 73,82 tỷ USD, tăng 9,0%, chiếm 71,8%.
Trong quý 1/2025 có 18 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 59,9%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2025 đạt 36,88 tỷ USD, tăng 12,9% so với tháng trước. Tính chung quý 1/2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 99,68 tỷ USD, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 36,78 tỷ USD, tăng 19,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 62,9 tỷ USD, tăng 15,8%.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam quý 1/2025
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, quý 1/2025, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu về 15,72 tỷ USD, trong đó, nhiều nhóm hàng ghi nhận tăng trưởng 2 con số.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 3/2025 của Việt Nam ước đạt 6,14 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 8,53 tỷ USD, tăng 12,2%; giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 131,3 triệu USD, tăng 18,5%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18,1%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 4,21 tỷ USD, tăng 11,2%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 549,5 triệu USD, tăng 19,6%; giá trị xuất khẩu muối đạt 2,3 triệu USD, tăng 2,4 lần.
Các thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chủ yếu của Việt Nam quý 1/2025
Xét theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 42%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 22,5% và 16,6%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2025 sang khu vực châu Á tăng 2%; châu Mỹ tăng 15,7%; châu Âu tăng 37,8%; châu Phi tăng 2,1 lần; và châu Đại Dương tăng 0,8%.
Xét theo thị trường chi tiết, Hoa Kỳ với thị phần 20,2%, Trung Quốc với thị phần 17,3%, và Nhật Bản với thị phần 7,7%, là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Hoa Kỳ tăng 13,5%, Trung Quốc tăng 3,6%, và Nhật Bản tăng 26%.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt thặng dư 4,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 ở trạng thái thặng dư.
Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 3,54 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2024; nhóm thủy sản thặng dư 1,51 tỷ USD, tăng 14,1%; và nhóm nông sản thặng dư 1,48 tỷ USD, tăng 16,9%.
Trong khi đó, cán cân thương mại 3 nhóm hàng còn lại ở trạng thái thâm hụt. Cụ thể, nhóm đầu vào sản xuất thâm hụt 1,21 tỷ USD, giảm 4,7%; sản phẩm chăn nuôi thâm hụt 905,7 triệu USD, tăng 37%; và muối thâm hụt 4,6 triệu USD, giảm 2,5%.
Xét theo mặt hàng cụ thể, 5 mặt hàng có thặng dư thương mại ước tính 3 tháng đầu năm 2025 cao nhất gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 3,29 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; cà phê thặng dư 2,79 tỷ USD, tăng 48,3%; tôm thặng dư 792,6 triệu USD, tăng 36%; hàng rau quả thặng dư 541,3 triệu USD, giảm 31,4%; gạo thặng dư 454,7 triệu USD, giảm 49,5%.
Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu
Thời gian tới, xuất nhập khẩu hàng hoá dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do những chính sách thuế trên thị trường. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định tiếp tục chú trọng công tác thông tin thị trường nhằm kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; thường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Thêm nữa, tiếp tục triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng tới thúc đẩy xuất khẩu sang đa dạng các thị trường mới, song song với các thị trường trọng điểm.
Khai thác hiệu quả các FTA, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán các FTA mới và các FTA nâng cấp; đẩy nhanh tiến độ nội luật hóa các cam kết, tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo tập huấn các cam kết trong đó trọng tâm là đào tạo về quy tắc xuất xứ để doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng.
Thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) về việc lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa; chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến về giá cước và biến động của thị trường vận tải kho vận trên thế giới và trong nước để có khuyến nghị kịp thời với cộng đồng doanh nghiệp…
Tận dụng FTA giảm rủi ro và gia tăng lợi thế cho xuất khẩu
Năm 2025, do tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều biến đổi, phòng vệ thương mại được dự báo tiếp tục gia tăng, mức độ phức tạp và quy mô của các vụ việc cũng tăng lên.
Là điểm đến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khó tránh khỏi bão phòng vệ thương mại.
Do đó, việc tận dụng hiệp định thương mại tự do (FTA) và đa dạng hóa thị trường, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường bị điều tra phòng vệ thương mại là điều doanh nghiệp Việt cần lưu ý. Bên cạnh những thông tin cảnh báo sớm, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm giảm rủi ro và tăng lợi thế cho hàng hoá xuất khẩu.
Với vị thế là quốc gia xuất khẩu hàng hoá có tăng trưởng cao trên thế giới, hàng Việt Nam đang đứng trước các thách thức bị các nước nhập khẩu hàng hoá áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 tăng hơn 12% so với năm 2024, việc đa dạng giải pháp phòng vệ thương mại khi thâm nhập thị trường FTA là rất cần thiết.
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn/thitruongvietnam.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25724032060