Thứ hai, 31-3-2025 - 18:54 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Xuất khẩu dệt may 2 tháng đầu năm 2025 và mục tiêu phát triển bền vững 

 Thứ ba, 25-3-2025

AsemconnectVietnam - 2 tháng đầu năm 2025 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt trên 5,63 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng dệt may tháng 2/2025 giảm 23,5% so với tháng 1/2025 nhưng tăng 20,7% so với tháng 2/2024, đạt trên 2,44 tỷ USD. Tính chung cả 2 tháng đầu năm 2025 kim ngạch đạt trên 5,63 tỷ USD, tăng 9,3% so với 2 tháng đầu năm 2024.
Hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Mỹ luôn đứng đầu về kim ngạch, đạt gần 2,46 tỷ USD, chiếm 43,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, tăng 12,4% so với 2 tháng đầu năm 2024; Riêng tháng 2/2025 đạt 1,06 tỷ USD, giảm 24,2% so với tháng 1/2025 nhưng tăng 22,4% so với tháng 2/2024.
Xuất sang Nhật Bản đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 689,72 triệu USD, chiếm 12,2%, tăng 9,4%; Riêng tháng 2/2025 đạt 311,54 triệu USD, giảm 17,7% so với tháng 1/2025 nhưng tăng 27,9% so với tháng 2/2024.
Tiếp đến thị trường EU, đạt 574,85 triệu USD, chiếm 10,2%, tăng 7,4%; Riêng tháng 2/2025 đạt 230,05 triệu USD, giảm 33,4% so với tháng 1/2025 nhưng tăng 13% so với tháng 2/2024.
Tiếp đến thị trường Hàn Quốc đạt 536,28 triệu USD, chiếm 9,5%, tăng 4,1% và sang Trung Quốc đạt 200,69 triệu USD, chiếm 3,6%, tăng 10% so với 2 tháng đầu năm 2024.
Hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chiếm 6,1%, đạt trên 343,29 triệu USD, tăng 13,9% so với 2 tháng đầu năm 2024.
Ngành dệt may phấn đấu hướng tới phát triển bền vững
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai trên thế giới với nhiều tiềm năng và cam kết phát triển bền vững. Việc ''xanh hóa'' ngành dệt may được cho là lợi thế hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều nhà sản xuất dệt may quốc tế sang Việt Nam đầu tư được coi là cơ hội để thúc đẩy ngành dệt may phát triển mạnh mẽ.
Theo Bộ Công Thương, trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023, đưa Việt Nam lên vị trí thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Theo thống kê ngành dệt may của Việt Nam, có khoảng 7.000 công ty và sử dụng hơn 3 triệu lao động, với 80% năng lực sản xuất được sử dụng cho xuất khẩu và 20% cho tiêu dùng trong nước. Sự phát triển của ngành này được hỗ trợ bởi mạng lưới hậu cần phát triển tốt, lao động lành nghề và môi trường chính trị ổn định. Mặt khác, một số xu hướng chính đang ảnh hưởng đến định hướng tương lai của ngành dệt may Việt Nam có thể kể đến là ngày càng tăng cường tính bền vững và tiến bộ công nghệ.
Trước những xu hướng thuận lợi, cùng với 17 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết và có hiệu lực, năm 2025, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, năm nay, ngành dệt may Việt Nam có những thuận lợi nhất định từ một số cột mốc quan trọng đã đạt được trong năm 2024. Với quá trình đã và đang áp dụng, sản xuất dệt may hiện đại trên diện rộng, ngành công nghiệp dệt may đang phát triển của Việt Nam đã mang lại triển vọng tăng trưởng lớn cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hơn thế nữa, ghi nhận trong những năm gần đây cho thấy, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển mình thành một trong những nhà sản xuất dệt may chủ chốt của thế giới.
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang áp dụng những vật liệu thân thiện với môi trường, gồm: bông hữu cơ, polyester tái chế và Tencel… Trong khi đó, nhiều thương hiệu toàn cầu sản xuất tại Việt Nam cam kết thực hiện “Hiến chương ngành thời trang về hành động vì khí hậu” với mục tiêu đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài tính bền vững, ngành dệt may Việt Nam còn áp dụng công nghệ tiên tiến trong thiết kế và sản xuất. Trong toàn ngành dệt may, nhà đầu tư chú trọng tập trung tối ưu hóa năng lực sản xuất, hợp lý hóa chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thị trường dệt may gia dụng Việt Nam được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng ổn định là 2,4% từ năm 2024 – 2032. Bên cạnh đó, ngành được thúc đẩy nhờ nhu cầu hàng dệt may gia dụng hiện đại và hợp xu hướng ngày càng tăng, cùng sự phát triển của thương mại điện tử và các chính sách ưu đãi của chính phủ.
Để phát triển bền vững, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn từ 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
Giải pháp chính của ngành dệt may thời gian tới hướng đến từ việc đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; trong đó, thu hút các dự án dệt, nhuộm hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; chuyển đổi số, đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may... Điều này tạo ra những cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp trên toàn bộ chuỗi giá trị dệt may toàn diện của Việt Nam.
CK
Nguồn: VITIC/thitruongvietnam.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25722205602