Thị trường nông sản thế giới ngày 5/2: Giá đậu tương tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2024, giá ngô tăng do kỳ vọng tích cực từ chính sách thương mại
Thứ tư, 5-2-2025AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 4/2 giá ngô, giá đậu tương, giá lúa mì, giá tiêu tăng; giá cà phê biến động trái chiều; giá ca cao giảm.
Lúa mì tiếp tục tăng
Trên sàn giao dịch thương mại Chicago (CBOT, giá đậu tương lai tiếp tục xu hướng đi lên, với hợp đồng lúa mì đỏ mềm vụ đông tháng 3 chốt phiên tăng 10,25 cent, đạt 5,77 USD/bushel. Hợp đồng lúa mì đỏ cứng vụ đông tháng 3 tăng nhẹ 9 cent lên 5,9475 USD/bushel, trong khi lúa mì xuân Minneapolis giữ nguyên ở mức 6,1605 USD/bushel.
Đà tăng của lúa mì được hỗ trợ bởi đồng USD yếu, khiến nông sản Mỹ hấp dẫn hơn trên thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, thông tin Mỹ tạm dừng áp thuế đối với Mexico, một trong những khách hàng lớn của lúa mì Mỹ cũng tạo tâm lý tích cực. Tuy nhiên, xuất khẩu lúa mì vẫn chịu áp lực do nhu cầu chậm lại, trong khi điều kiện canh tác tại Kansas, bang sản xuất lúa mì vụ đông lớn nhất nước này, đang cải thiện.
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy chất lượng cây trồng tại Kansas được cải thiện trong tháng 1, nhưng suy giảm tại Oklahoma, Colorado và Nebraska do độ ẩm đất giảm.
Đậu tương tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2024
Trên sàn giao dịch thương mại Chicago (CBOT, hợp đồng đậu tương tháng 3 tăng 16,75 cent lên 10,75 USD/bushel - đây là mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Hợp đồng bột đậu tương tháng 3 tăng 10,30 USD lên 314 USD/tấn ngắn, trong khi dầu đậu tương (BOH25) giảm nhẹ 0,75 cent xuống 45,76 cent/pound.
Giá đậu tương được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan trên thị trường sau khi căng thẳng thương mại có dấu hiệu hạ nhiệt. Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới hiện chưa áp thuế đối với mặt hàng này từ Mỹ, và triển vọng một thỏa thuận thương mại mới giữa hai nước đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đà tăng của đậu tương bị hạn chế do dầu đậu tương suy yếu. Việc Mỹ hoãn áp thuế với Canada khiến dầu hạt cải nhập khẩu từ Canada tiếp tục cạnh tranh gay gắt với dầu đậu nành. Cùng lúc, thời tiết tại Argentina được cải thiện, giúp giảm bớt lo ngại về sản lượng vụ mới. Trong khi đó, Công ty tư vấn Celeres dự báo sản lượng đậu tương Brazil niên vụ 2024/25 có thể đạt mức kỷ lục 174 triệu tấn, tăng so với ước tính trước đó là 170,8 triệu tấn.
Ngô tăng do kỳ vọng tích cực từ chính sách thương mại
Trên sàn giao dịch thương mại Chicago (CBOT, hợp đồng tháng 3 tăng 5,75 cent lên 4,9405 USD/bushel, nhờ kỳ vọng tích cực từ chính sách thương mại. Việc Mỹ tạm thời hoãn áp thuế đối với Mexico, nước nhập khẩu ngô lớn nhất từ Mỹ đã hỗ trợ giá. Bên cạnh đó, thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng làm dấy lên hy vọng về một thỏa thuận thương mại, giúp xoa dịu lo ngại về thuế quan đối với hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, Canada và Mexico.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng xác nhận một thương vụ bán 132.000 tấn ngô Mỹ cho Hàn Quốc, dự kiến giao trong niên vụ 2024-25 từ ngày 1/9/2024. Tuy nhiên, triển vọng ngô toàn cầu vẫn chịu tác động từ điều kiện thời tiết. Mưa lớn tại Argentina đang giúp giảm bớt lo ngại về hạn hán kéo dài, góp phần cải thiện triển vọng sản lượng ngô và đậu tương của quốc gia này.
Ca cao giảm
Tại New York, giá ca cao giảm 0,4% còn 10.865 USD/tấn, sau khi đã mất 5% trong tuần trước. Tại London, ca cao giảm 0,7% xuống 8.694 GBP/tấn.
Cà phê biến động trái chiều
Trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 3/2025 giảm mạnh 3,22% (184 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước, xuống còn 5.534 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 5/2025 giảm 3,06% (174 USD/tấn), đứng ở mức 5.520 USD/tấn.
Ngược lại, trên Sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao tháng 3/2025 đã tăng thêm 0,81% (3,05 US cent/pound) so với phiên giao dịch trước, lên mức kỷ lục mới 380,9 US cent/pound. Hợp đồng giao kỳ hạn tháng 5/2025 cũng tăng 0,81% (3 US cent/pound) và chốt ở mốc 374,35 US cent/pound.
Như vậy, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2025 đã tăng 19% tính đến thời điểm này của năm 2025, sau khi đã tăng đến 70% trong năm 2024.
Giá cà phê arabica tiếp tục tăng phiên thứ 8 liên tiếp và lập mức cao kỷ lục mới, khi nguồn cung ngày càng thắt chặt trước dự báo sản lượng tại Brazil sẽ giảm trong năm nay.
Brazil, quốc gia sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới, có khả năng sẽ thu hoạch ít hơn trong năm nay, một phần là do thời tiết nóng và khô hạn vào năm 2024.
Tuần trước, cơ quan cung ứng thực phẩm quốc gia Conab của Brazil cho biết sản lượng cà phê arabica của nước này dự kiến sẽ giảm 12,4% xuống còn 34,7 triệu bao vào năm 2025, do nắng nóng và khô hạn trước giai đoạn ra hoa đã làm giảm năng suất tiềm năng.
Nông dân Brazil cũng đang do dự trong việc bán hàng do triển vọng vụ mùa không chắc chắn và khả năng giá có thể tiếp tục tăng cao hơn nữa.
Điều này đã dẫn đến nhu cầu gia tăng đối với lượng cà phê dự trữ tại các kho hàng thuộc sàn giao dịch. Theo đó, lượng dự trữ cà phê arabica được ICE chứng nhận đạt 867.582 bao tính đến ngày 31/1, giảm 11,5% so với cuối năm 2024.
Các nhà đầu cơ cũng tăng cường đặt cược vào giá cà phê arabica, tiếp thêm động lực cho đợt tăng giá.
Theo Haroldo Bonfá, nhà phân tích thị trường và cũng là giám đốc của Pharos Consultoria, cho rằng giá cà phê trên sàn New York có thể tăng lên tới 3,84 cent. “Yếu tố có thể hạ nhiệt tình hình một chút là số liệu xuất khẩu tháng 1 của Cecafé,” chuyên gia này giải thích.
Trong khi đó, giá cà phê robusta, một loại cà phê thường có giá rẻ hơn và chủ yếu được dùng để sản xuất cà phê hòa tan quay đầu giảm từ mức đỉnh vào tuần trước sau khi Việt Nam kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các giao dịch được nối lại đã làm giảm bớt lo ngại nguồn cung robusta trên thị trường.
Ngoài ra, giá cà phê robusta giảm mạnh vào vùng tiêu cực, sau khi chỉ số đồng USD (DXY) tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần, khiến các nhà đầu tư tất toán các lệnh mua trên thị trường cà phê kỳ hạn.
Đồng thời thị trường cũng chịu áp lực sau khi nhà xuất khẩu Comexim Ltda. dự báo sản lượng cà phê robusta của Brazil trong niên vụ 2025-2026 sẽ tăng mạnh 24,6% lên 23,3 triệu bao.
Thông tin chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với hàng hoá 25% từ Mexico và Canada, 10% đối với Trung Quốc cũng tác động đáng kể đến thị trường hàng hoá nói chung và cà phê nói riêng trong phiên giao dịch vừa qua.
Tiêu tăng mạnh
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho thấy giá tiêu đen Lampung của Indonesia tiếp tục leo lên mức 7.219 USD/tấn, tăng thêm 1,07% (54 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước.
Giá tiêu đen ASTA 570 Brazil được báo giá ở mức 6.150 USD/tấn; tiêu đen Kuching Malaysia là 9.000 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam cũng giữ ổn định trong khoảng 6.350 USD/tấn đối với loại 500 g/l và 6.650 USD/tấn đối với loại 550 g/l.
Cùng thời điểm khảo sát, giá tiêu trắng Muntok Indonesia đứng ở mức 9.694 USD/tấn, tăng 0,55% (22 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước.
Trong khi đó, giá tiêu trắng của Việt Nam vẫn đi ngang ở mức 9.550 USD/tấn và tiêu trắng Malaysia ASTA đạt 11.600 USD/tấn.
N.Hao
Nguồn: VITIC
EU siết chặt kiểm tra đối với hàng hóa giá rẻ từ các sàn Temu và Shein
Mỹ công bố sắc lệnh thúc đẩy sản xuất năng lượng và khai thác khoáng sản
Hoạt động vận chuyển hàng hải qua Kênh đào Suez đang dần được nối lại
Thị trường nông sản thế giới ngày 4/2: Giá lúa mì tăng do trì hoãn áp thuế với Mexico
Thị trường kim loại thế giới ngày 4/2: Vàng lập đỉnh mới
Tổng thống Trump ra lệnh áp thuế hàng hóa của Canada, Mexico và Trung Quốc
Các mức thuế quan mới của Mỹ gây xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng
Liên minh châu Âu tìm giải pháp khôi phục nguồn cung khí đốt qua Ukraine
IEA: Thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu sẽ thắt chặt trong năm 2025
Dự báo giá đồng năm 2025: Áp lực ngắn hạn và triển vọng lạc quan dài hạn
Xuất khẩu thép không gỉ của Trung Quốc tăng trong tháng 12/2024
Sản lượng thép thô của Nga giảm trong năm 2024
Xuất khẩu phế liệu sắt của Ukraine tăng trong năm 2024
Sản lượng thép thô của Brazil tăng trong tháng 12/2024