Thứ tư, 5-2-2025 - 11:3 GMT+7  Việt Nam EngLish 

EVFTA: Cơ hội và thách thức 

 Thứ năm, 23-1-2025

AsemconnectVietnam - Hiệp định EVFTA đã và sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích và cơ hội không chỉ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam mà còn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu hiện đang có mặt tại Việt Nam, từ đó, tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nền kinh tế.

 Liên minh châu Âu (EU) hiện đang có khoảng 26 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó 93% là doanh nghiệp vừa và nhỏ siêu nhỏ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 99,8% tổng số doanh nghiệp trong khu vực kinh doanh phi tài chính, tạo ra 56,4% giá trị gia tăng và 66,6% việc làm trong khu vực kinh doanh phi tài chính.
Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục mở ra cơ hội phát triển đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu khi thâm nhập thị trường Việt Nam. Mối quan hệ kinh tế bền chặt giữa hai bên là nền tảng vững chắc cho sự hợp tác này. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong các sản phẩm nông nghiệp và sử dụng lao động. Trong khi đó, châu Âu lại có ưu thế về vốn, lao động kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại và phương cách quản lý chuyên nghiệp, trở thành một đối tác cung cấp đáng tin cậy cho Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu, với thế mạnh về công nghệ, sẽ là đối tác lý tưởng để hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hiện đại hóa và nâng cấp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Mục tiêu hàng đầu của EVFTA là mở rộng thị trường, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu sẽ là những người được hưởng lợi lớn nhất. Hiệp định EVFTA loại bỏ hầu hết các rào cản thuế quan, ngoại trừ một số mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan miễn thuế. EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm: một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao... EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Về thuế xuất khẩu của Việt Nam, Việt Nam cam kết xoá bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu đối với hàng hoá xuất sang EU. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở EU sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm truyền thống của châu Âu như thực phẩm, rượu vang và các sản phẩm khác như dược phẩm hay phụ tùng ô tô…
+ Cơ hội, thách thức 
Hiệp định EVFTA đi vào thực thi cho đến nay, Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN và đứng thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào Liên minh này. Đồng thời, EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng đáng kể nhờ ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa. Một số mặt hàng tăng trưởng cao, như: cà phê tăng 54%, thủy sản tăng gần 42%, dệt may tăng 41%, giày dép tăng 36%, máy móc và thiết bị tăng 35%, hồ tiêu tăng 25%, gạo tăng 22%, rau quả tăng 18%[1]…. Ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ EVFTA. Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vào EU là thủy sản, gạo, cà phê, các sản phẩm trồng trọt, rau quả đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Các lợi ích từ xuất xứ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp cho các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU có cơ hội gia tăng thương hiệu và giá trị sản phẩm.
Các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường và bền vững của EU, như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) và quy định về chống phá rừng (EUDR), đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng cũng là động lực và cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư vào quy trình sản xuất xanh và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của EU. Các chính sách thúc đẩy sự hiểu biết về EVFTA và tăng cường tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt hơn những lợi ích từ hiệp định này​.
Bên cạnh những thuận lợi nói trên, hàng hóa Việt Nam khi thâm nhập thị trường EU cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức. EU là một thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, các chính sách quản lý sản phẩm của EU nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật của EU với nông sản thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe hơn…
Khó khăn từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tiếp cận thị trường EU. Nguyên nhân của thực trạng này là do năng lực nội tại về vốn, con người… của các doanh nghiệp xuất khẩu còn hạn chế. Các nhà sản xuất, xuất khẩu thường thiếu thông tin và hướng dẫn về những quy định của EU, trong khi các quy định này thường xuyên được thay đổi. Từ đó, thời gian các doanh nghiệp có được để đáp ứng các yêu cầu về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch đã bị giảm đáng kể, dẫn đến tăng chi phí hoặc có thể hạn chế khả năng xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại sang thị trường EU cũng chưa triển khai được tại tất cả các nước thành viên và phần nào chưa đi sâu vào đối tượng thụ hưởng.
Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đúng mức, trong khi đó, đây là nội dung được EU đặt lên hàng đầu. Tương tự như vậy, một số doanh nghiệp mới chỉ chú trọng tới số lượng xuất khẩu, chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam còn gặp khó khăn do chi phí logictics trong xuất khẩu còn cao và chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trong khu vực, như: Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Brazil...
Muốn xuất khẩu hàng vào EU, các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc phải tuân thủ  các quy định mới của EU về vận chuyển chất thải,  thực hiện quy định về chống phá rừng (EUDR), các quy định mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài như khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2), các quy định theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP)…
T.Hường
Nguồn: Vitic
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25717813730