Thị trường ngô thế giới tháng 1/2025
Thứ hai, 27-1-2025AsemconnectVietnam - Giá ngô tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính trên thế giới trong tháng 1/2025 tăng so với tháng 12/2024 do lo ngại về thời tiết ở Achentina.
Cụ thể, giá ngô Mỹ tăng 9 USD/tấn lên 214 USD/tấn, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ đối với nguồn cung của Mỹ trong quý đầu tiên của năm tiếp thị. Giá ngô Achentina tăng 7 USD/tấn lên 214 USD/tấn do tác động tiềm tàng của tình trạng khô hạn đối với nguồn cung cây trồng mới. Giá ngô Brazil tăng 8 USD/tấn lên 225 USD/tấn do nguồn cung cuối mùa phải đối mặt với nhu cầu trong nước mạnh mẽ đối với sản xuất ethanol. Giá ngô Ukraine tăng 5 USD/tấn lên 218 USD/tấn, được thúc đẩy bởi các động thái tăng giá ở các nhà xuất khẩu khác.
Đối với Mỹ, Báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tháng 1/2025, dự báo trong năm 2024/25 sản lượng ngô giảm, xuất khẩu và tồn kho cuối kỳ thấp hơn, tiêu thụ ngô làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác cũng giảm.
Sản lượng ngô ước tính đạt 14,9 tỷ bushels, giảm 276 triệu bushels do năng suất giảm 3,8 bushels/mẫu Anh xuống còn 179,3 bushels được bù đắp một phần bởi diện tích thu hoạch tăng 0,2 triệu mẫu Anh. Tồn kho ngô giảm 198 triệu bushels do nguồn cung giảm nhiều hơn nhu cầu sử dụng. Giá ngô trung bình theo mùa dự kiến tăng 15 cent lên 4,25 USD/bushel.
Sản lượng của Mỹ giảm, tuy nhiên, với lượng dự trữ vụ mùa cũ nhiều, nguồn cung tương đối dồi dào trong quý đầu tiên. Xuất khẩu ngô của Mỹ trong quý I năm 2024/25 đạt mức cao nhất kể từ năm 2018/19. Trong quý đầu tiên của năm 2024/25 (tháng 9/2024 - tháng 8/2025) Mỹ đã xuất khẩu tổng cộng 13 triệu tấn ngô, là mức cao nhất kể từ 16,1 triệu tấn xuất khẩu trong năm 2018/19.
Mỹ dự kiến sẽ xuất khẩu 62,2 triệu tấn ngô trong năm 2024/25, giảm khoảng 700.000 tấn do nguồn cung thấp hơn. Mặc dù sự phát triển của vụ mùa Nam Mỹ có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng vào cuối năm tiếp thị này, nhưng theo điều kiện thị trường hiện tại, Mỹ đang có khởi đầu mạnh mẽ cho xuất khẩu năm 2024/25.
Brazil, đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ trên thị trường ngô thế giới, đã xuất khẩu khối lượng thấp bất thường sau vụ thu hoạch safrinha. Xuất khẩu safrinha bắt đầu vào tháng 7 và kéo dài trong khoảng 6 tháng. Xuất khẩu ngô của Brazil trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11/2024 thấp nhất trong 3 năm. Một yếu tố tác động là sự tăng trưởng trong sản xuất ethanol ngô của Brazil. Dữ liệu sản xuất ethanol do UNICA, hiệp hội ngành mía đường Brazil theo dõi, chỉ ra rằng sản lượng ethanol ngô tăng 30% so với mùa trước. Brazil cũng phải đối mặt với nhu cầu yếu từ Trung Quốc.
Anec kỳ vọng xuất khẩu ngô của Brazil vào năm 2025 sẽ tăng so với năm 2024, mặc dù tiêu thụ trong nước mạnh trong bối cảnh các nhà máy sử dụng ngô để sản xuất ethanol tăng.
Tại Ukraine, xuất khẩu ngô có khả năng giảm đáng kể trong năm tiếp thị 2024/25 (tháng 7/2024-tháng 6/2025) do nguồn cung hạn chế và sản lượng thấp hơn trong mùa này do hạn hán nghiêm trọng.
Theo ước tính của S&P Global Commodity Insights, xuất khẩu ngô của Ukraine trong năm tài chính 2024/25 ở mức 21 triệu tấn, giảm 29% so với năm tài chính 2023/24 và giảm 23% so với năm tài chính 2022/23.
Ukraine đã trải qua thời tiết cực kỳ nóng và khô từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9/2024, ảnh hưởng xấu đến tiềm năng năng suất của cây ngô, dẫn đến sản lượng thu hoạch thấp hơn trong mùa này. Quốc gia này dự kiến sẽ sản xuất 25 triệu tấn ngô, giảm 7,5 triệu tấn hoặc 23% so với năm ngoái. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 2017.
Tuy nhiên, giá ngô có nguồn gốc từ Ukraine dự kiến sẽ tăng dần trong năm 2025, với nhu cầu rõ ràng từ thị trường đích sau những lo ngại về một cuộc chiến thương mại tiềm tàng giữa Mỹ với EU và Trung Quốc. Nhu cầu ngày càng tăng từ các thị trường đích này trong năm tới có khả năng sẽ tạo ra xu hướng tăng giá cho giá cả tại Ukraine trong những tháng tới.
USDA dự báo sản lượng ngô toàn cầu năm 2024/25 dự kiến cao hơn với mức tăng ở Trung Quốc, Ghana và Nga. Sản lượng ngô của Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 294,9 triệu tấn dựa trên dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia. Sản lượng ngô của Nga cao hơn dựa trên thông tin mới nhất từ Rosstat.
Những thay đổi lớn về thương mại ngũ cốc thô toàn cầu năm 2024/25 bao gồm xuất khẩu của Mỹ và Brazil thấp hơn. Nhập khẩu ngô tăng đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng giảm đối với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tồn kho ngô cuối kỳ thế giới cao hơn chủ yếu phản ánh sự gia tăng của Trung Quốc. Tồn kho ngô toàn cầu, ở mức 293,3 triệu tấn, giảm 3,1 triệu tấn so với tháng trước.
Đối với Mỹ, USDA dự báo tổng lượng ngô sử dụng giảm 75 triệu bushels xuống còn 15,1 tỷ bushels. Lượng ngô làm thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác giảm 50 triệu bushels xuống còn 5,8 tỷ bushels. Xuất khẩu giảm 25 triệu bushels xuống còn 2,5 tỷ bushels do nguồn cung thấp hơn.
Mexico là nước mua nhiều nhất ngô Mỹ trong năm 2023/24 vì nước này phải đối mặt với vụ mùa ít hơn do hạn hán. Dự báo về sản lượng năm 2024/25 của Mexico không được cải thiện nhiều vì tình trạng khô hạn vẫn tiếp diễn và Mexico dự kiến sẽ nhập khẩu một khối lượng ngô tương tự như khối lượng kỷ lục của năm ngoái. Giá cả cạnh tranh của Mỹ cũng đã thúc đẩy các cam kết từ Colombia, hiện ở mức 3,6 triệu tấn, mức cao nhất trong lịch sử vào thời điểm này trong năm.
Trung Quốc, một trong những nước nhập khẩu ngô lớn nhất toàn cầu, có khả năng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình dòng chảy thương mại ngô của châu Á. Giá ngô trong nước tại Trung Quốc tiếp tục giảm trong bối cảnh vụ ngô kỷ lục và lượng dự trữ dồi dào, khiến lượng ngô nhập khẩu kém hấp dẫn hơn. Trung Quốc đã đặt hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ngô cho năm 2025 là 7,2 triệu tấn.
Theo dữ liệu của S&P Global Commodity Insight, trong năm marketing 2024/25 (tháng 10/2024-tháng 9/2025), lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến đạt 10 triệu tấn, giảm 57,4% so với năm trước.
Khu vực châu Á, nhu cầu ngô của vẫn mạnh do tầng lớp trung lưu đang mở rộng của khu vực này có khả năng dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng đối với chế độ ăn giàu protein thúc đẩy tiêu thụ gia cầm, thịt lợn và cá.
Các quốc gia như Việt Nam và Indonesia dự kiến sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng này khi USDA dự báo nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam vào năm 2025 sẽ đạt 27 triệu tấn, trong đó có 20,9 triệu tấn thức ăn chăn nuôi và 6,1 triệu tấn thức ăn nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ thức ăn chăn nuôi lớn nhất, đang có xu hướng tiêu cực. Dân số giảm và nền kinh tế chậm lại đã và sẽ tiếp tục kéo giảm mức tiêu thụ protein động vật. Trong khi đó, các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc và Malaysia, có khả năng sẽ tăng nhập khẩu ngũ cốc thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, châu Á hiện là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về sản xuất và xuất khẩu nhiên liệu sinh học trên toàn cầu do các chính sách của chính phủ và thị trường xuất khẩu nguyên liệu thô thúc đẩy và có khả năng sẽ thúc đẩy nhu cầu ngô trong khu vực.
N.Nga
Nguồn: VITIC/USDA/Reuters/Spglobal
Xuất khẩu ngô của Mỹ trong quý I năm 2024/25 đạt mức cao nhất kể từ năm 2018/19
Thị trường nông sản thế giới ngày 23/1: Giá cà phê robusta đạt mức cao nhất trong 6 tuần
Trung Quốc: Thép “hết thời”, năng lượng xanh mở ra siêu chu kỳ hàng hóa mới
Canada và Mexico phản ứng trước lời đe dọa về thương mại của Tổng thống Mỹ Trump
Tổng thống Mỹ Trump nêu khả năng áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc
Thị trường kim loại thế giới ngày 23/1: Giá vàng tăng lên mức cao nhất gần 3 tháng
Giá vàng chạm mức cao nhất hơn 2 tháng do lo ngại về thuế quan của Mỹ
Các nhà sản xuất xe điện châu Âu đối mặt một năm khó khăn
Xuất khẩu khô đậu tương của Brazil đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh giá giảm
Tình trạng mất cân bằng cung-cầu mặt hàng cacao trở nên nghiêm trọng
Thị phần đậu tương của Mỹ tại Trung Quốc giảm trong năm 2024
Giá khô đậu tương EU tăng do hạn hán ở Achentina tác động đến sản lượng
Nhu cầu lúa mì Nga chậm lại do sự cạnh tranh từ Achentina và Úc
Libya lên kế hoạch tăng sản lượng dầu khí lên 2 triệu thùng mỗi ngày