Thứ ba, 21-1-2025 - 3:54 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường nông sản thế giới ngày 17/1: Giá các mặt hàng nông sản đồng giảm 

 Thứ sáu, 17-1-2025

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 16/1 giá các mặt hàng nông sản đồng loạt giảm.

Đậu tương, ngô, lúa mì giảm
Chốt phiên giao dịch ngày 16/1, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago, giá đậu tương giảm 23-3/4 cent, hay 2,3%, xuống còn 10,19 USD/bushel; ngô giảm 4-1/4 cent, hay 0,9%, xuống còn 4,74-1/2 USD/bushel và lúa mì giảm 9-1/2 cent, hay 1,7%, xuống còn 5,37-1/2 USD/bushel.
Giá đậu tương Mỹ kỳ hạn tương lai giảm hơn 2% do dự báo các vùng khô hạn của vành đai cây trồng Argentina sắp có mưa và kỳ vọng về một vụ thu hoạch đậu tương lớn của Brazil đã gây ra một đợt chốt lời.
Giá ngô kỳ hạn tương lai giảm cũng do triển vọng mưa ở Argentina và áp lực từ làn sóng bán ngũ cốc từ phía nông dân sau khi giá đạt tuần này mức cao nhất trong một năm. Đồng thời, giá lúa mì cũng theo xu hướng giảm.
Tiêu giảm
IPC niêm yết giá tiêu đen Lampung của Indonesia đang ở mức 7.142 USD/tấn (giảm 20 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước, tương tự giá tiêu trắng Muntok được thu mua với giá 9.231 USD/tấn (giảm 26 USD/tấn).
Thị trường tiêu Malaysia tiếp tục giữ ổn định và đang neo mức cao, hiện giá tiêu đen ASTA của Malaysia được thu mua ở mức giá 8.700 USD/tấn và giá tiêu trắng ASTA ở mức 11.100 USD/tấn.
Tương tự, thị trường tiêu Brazil tiếp tục neo ở mức khá cao, hiện giá đang ở mức 6.350 USD/tấn.
Thị trường tiêu Việt Nam xuất khẩu ổn định và tăng nhẹ. Cụ thể, giá tiêu đen Việt Nam xuất khẩu hiện đạt mức giá 6.350 USD/tấn với loại 500 g/l và loại 550 g/l đạt mức giá 6.650 USD/tấn; giá tiêu trắng đang ở mức giá 9.550 USD/tấn.
Giá tiêu xuất khẩu của Indonesia trong 11 tháng năm 2024 đạt bình quân 5.536 USD/tấn, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên mức tăng này vẫn thấp hơn đáng kể so biên độ tăng giá tiêu tại các quốc gia sản xuất hàng đầu khác như Việt Nam hay Brazil. Đây cũng có thể là một trong những yếu tố giúp cho xuất khẩu tiêu của Indonesia tăng rất mạnh trong năm vừa qua.
Trong 11 tháng năm 2024, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Indonesia sang một số thị trường lớn như sau: Việt Nam đạt 5.469 USD/tấn, tăng 27,4%; Trung Quốc đạt 4.552 USD/tấn, tăng 15,9%; Mỹ đạt 5.383 USD/tấn, tăng 4,5%; Ấn Độ đạt 5.461 USD/tấn, tăng 21,5%.
Cà phê quay đầu giảm
Trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 3/2025 giảm 0,47% (tương ứng 23 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước, xuống còn 4.889 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 5/2025 giảm 0,21% (10 USD/tấn), đứng ở mức 4.846 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 3/2025 cũng giảm 1% (3,3 US cent/pound), đạt 327,15 US cent/pound. Hợp đồng giao kỳ hạn tháng 5/2025 giảm 0,89% (2,9 US cent/pound), chốt ở mức 323,15 US cent/pound.
Các nhà giao dịch cho biết, giá cà phê robusta giảm trong tuần này do nông dân tại Việt Nam - quốc gia sản xuất robusta lớn nhất thế giới, tăng lượng bán ra trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần, theo Reuters.
Trong khi đó, giá arabica giảm sau khi có thông tin xuất khẩu cà phê đạt kỷ lục từ Brazil.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe), Brazil đã xuất khẩu 3,41 triệu bao cà phê xanh (loại 60kg/bao) vào tháng 12/2024, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong cả năm 2024, Brazil đã xuất khẩu kỷ lục 50,4 triệu bao, bao gồm cả cà phê đã qua chế biến, vượt qua kỷ lục trước đó là 44,7 triệu bao đạt được vào năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu của cả hai loại arabica và robusta đều đạt mức cao lịch sử, trong bối cảnh nguồn cung gặp vấn đề từ các nhà sản xuất lớn khác như Việt Nam.
Cụ thể, xuất khẩu cà phê arabica năm 2024 của Brazil tăng 20% lên mức 37 triệu bao, và xuất khẩu cà phê robusta tăng 98% lên 9,4 triệu bao.
Ông Marcio Ferreira, người đứng đầu Cecafe, cho biết trong một tuyên bố rằng các lô hàng cà phê từ Brazil, quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, đã được hỗ trợ bởi triển vọng thị trường toàn cầu về nguồn cung giảm và giá cao hơn.
Mặc dù vậy, Cecafe không kỳ vọng xuất khẩu cà phê của Brazil sẽ đạt mức kỷ lục vào năm 2025. Thị trường cà phê tiếp tục tập trung vào mức độ thời tiết khô hạn năm ngoái sẽ ảnh hưởng đến vụ mùa năm nay của Brazil.
Như vậy, thị trường kỳ hạn cà phê đã ổn định trong hơn nửa tháng nay khi các nhà giao dịch chờ đợi tin tức chính xác hơn về xu hướng vụ mùa và các ước tính mới về sản lượng của Brazil và Việt Nam.
Không ảnh hưởng đến thị trường, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, là ước tính vụ mùa 2025-2026 do Viện Địa lý và Thống kê Brazil (Ibge), cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về thông tin thống kê, địa lý, bản đồ, trắc địa và môi trường ở Brazil, công bố.
Ibge dự đoán sản lượng cà phê tổng thể của Brazil cho năm thu hoạch tiếp theo sẽ giảm 6,8% so với năm 2024-2025, xuống còn 53,2 triệu bao.
Bao gồm sản lượng arabica dự kiến giảm mạnh 11,2% xuống còn 35,6 triệu bao. Diện tích canh tác và sản lượng dự kiến giảm lần lượt 5,4% và 5,5%, trong khi năng suất dự kiến giảm 6,1%.
Tình trạng hạn hán kéo dài vào năm ngoái đã ảnh hưởng đến giai đoạn ra hoa và đặc biệt là giai đoạn kết trái. Hơn nữa, ở một số khu vực, nông dân đã chọn phương pháp cắt tỉa cây mạnh mẽ, dẫn đến việc cây sẽ không có khả năng cho sản lượng trong năm nay.
Triển vọng đối với robusta lạc quan hơn một chút, được dự đoán đạt 17,6 triệu bao, tăng 3,4% so với năm 2024. Năng suất robusta dự kiến tăng 2,9% nhờ đầu tư nhiều hơn vào phân bón và các đầu vào, được thúc đẩy bởi mức giá cao.
Ca cao giảm do có dấu hiệu nhu cầu giảm
Trên sàn ICE, chốt phiên giao dịch ngày 16/1 giá ca cao giảm mạnh sau khi dữ liệu về nhu cầu trong quý IV đối với thành phần sô cô la này kém hơn dự kiến.
Trên sàn London, giá ca cao giảm 217 bảng Anh, tương đương 2,5%, xuống còn 8.529 bảng/tấn. Trên sàn New York, giá ca cao giảm 2,9% xuống còn 10.502 USD/tấn.
Dữ liệu của ngành cho thấy sản lượng ca cao xay nghiền trong quý IV của Châu Âu, thước đo nhu cầu, đã giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng ca cao xay nghiền trong quý IV của Châu Á giảm 0,52%.
Cập nhật giá tiêu thế giới từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) lúc 4h30 ngày 16/1/2025 như sau: thị trường tiêu thế giới ít biến động, ổn định; riêng giá tiêu tại Indonesia sau phiên tăng đã quay đầu giảm, mức giảm từ 20 - 26 USD/tấn so với phiên giao dịch trước đó.
N.Hao
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25717391888