Dự báo nguồn cung giảm, hồ tiêu được giá
Thứ sáu, 17-1-2025AsemconnectVietnam - Sản lượng hồ tiêu toàn cầu dự báo tiếp tục sụt giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định là động lực giúp giá tiêu năm 2025 giữ ở mức cao, tạo đà cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.
Sản lượng hồ tiêu toàn cầu dự báo tiếp tục sụt giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định là động lực giúp giá tiêu năm 2025 giữ ở mức cao, tạo đà cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 16/1.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho biết, sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2025 dự báo tiếp tục giảm so với 2024 do đây không còn là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân, đặc biệt trong bối cảnh giá trị kinh tế của các cây trồng khác cạnh tranh; chi phí duy trì sản xuất cây hồ tiêu tăng cao. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm năng suất hồ tiêu ở nhiều quốc gia giảm.
Trong top các quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn thế giới, năm 202, Indonesia đã nổi lên như một nhà cung cấp đáng kể, nhất là khi Việt Nam và Brazil gặp tình trạng mất mùa.
Tuy nhiên trong năm 2025, sản lượng tiêu của Indonesia có thể giảm do những khó khăn trong đầu tư và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Ngược lại sản lượng tiêu của của Brazil sẽ phục hồi.
Về tiêu thụ, ông Nguyễn Việt Anh, Chánh văn phòng VPSA nhận định: Ngoài các thị trường có kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng tốt từ năm 2024, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tăng mua hồ tiêu vào trong năm 2025 do tồn kho đã giảm, góp phần tăng tổng cầu.
Cụ thể, năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm đến 82,4% so với năm 2023. Những nguyên nhân xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc giảm là tình trạng suy giảm kinh tế của nước này những tháng đầu năm 2024 dẫn tới việc người dân thắt chặt chi tiêu cho du lịch, ăn uống.
Mặt khác, Trung Quốc tăng cường thu mua từ nước khác như Indonesia do giá cạnh tranh hơn so với Việt Nam. Thêm vào đó, năm 2024 khi giá hồ tiêu thế giới tăng mạnh, Trung Quốc ưu tiên sử dụng lượng tiêu tồn kho.
Hơn nữa, hải quan Trung Quốc thắt chặt chính sách mua bán hàng qua biên giới nên một số đầu mối nhập khẩu của Trung Quốc bị bắt hoặc không dám mua hàng.
Dựa trên cân đối cung - cầu, giá hồ tiêu năm 2025 được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu vẫn ổn định. Nhu cầu sử dụng hồ tiêu trong ngành thực phẩm và chế biến gia vị vẫn là động lực chính cho thị trường.
Theo VPSA, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại; trong đó, tiêu đen đạt 220.269 tấn, tiêu trắng đạt 30.331 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,3 tỷ USD; tiêu đen đóng góp 1,12 tỷ USD, tiêu trắng đạt 200 triệu USD.
Giá hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk liên tục tăng( Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
So với năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 5,1%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 45,4%. Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu tăng cao là nhờ giá xuất khẩu tăng vọt. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen năm 2024 đạt 5.154 USD/tấn, tăng 49,7% và tiêu trắng đạt 6.884 USD/tấn, tăng 38,9% so với năm trước.
Mỹ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 đạt 72.311 tấn, chiếm 28,9%thị phần và tăng 33,2% so với năm 2023, đây cũng là lượng xuất khẩu kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Tiếp theo là các thị trường UAE, Đức, Hà Lan, Ấn Độ.
Phân tích thêm về kết quả xuất khẩu năm 2024, ông Hồ Trí Nhuận, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gohan cho biết: Năm 2024 nhu cầu hồ tiêu của Mỹ dự báo chỉ tăng 5% nhưng thực tế do lo ngại giá tăng cao nên các nhà nhập khẩu tích cực mua vào dự trữ, tăng mua đến 30 - 40%. Nông dân và các đơn vị dự trữ hồ tiêu từ đầu vụ bán được giá cao, có lợi nhuận tốt.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp khác bán sớm theo hợp đồng giao xa của khách hàng Mỹ, khi đến hạn giao hàng giá tiêu tăng vọt dẫn đến thua lỗ. Đây là bài học về đánh giá thị trường và Mỹ thường ký hợp đồng giao xa, các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng bán trước, mua sau, đến kỳ giao hàng giá tăng cao dẫn đến lỗ. Bài học lớn về nhận định thị trường và liên kết chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Hồ Nhuận Trí, với những nhận định về nguồn cung, nhu cầu thị trường, năm 2025 xuất khẩu hồ tiêu có nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều yếu tố khó lường.
Cụ thể, nhu cầu của thị trường ổn định, sản lượng một số nơi giảm sẽ giúp giá tiêu tiếp tục giữ ở mức cao. Tuy nhiên, tuỳ vào nhịp độ mua hàng của các thị trường quan trọng như Mỹ, Trung Quốc mà biên độ tăng giá có thể tăng mạnh hoặc chỉ khoảng 10 -15% so với hiện nay.
“Dự báo, Trung Quốc sẽ tăng mua ngay khi Việt Nam vào vụ thu hoạch chính vào tháng 3 – 4/2025, trong khi Mỹ có thể mua chậm hơn do trữ lượng tồn kho từ năm 2024 nhiều. Hồ tiêu Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ sản xuất hồ tiêu khác. Doanh nghiệp cần theo sát diễn biến thị trường và động thái mua hàng từ các đối tác để có kế hoạch thu mua, dự trữ, chuẩn bị dòng tiền phù hợp, vừa tăng sản lượng, kim ngạch xuất khẩu vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh,” ông Hồ Nhuận Trí chia sẻ.
Với sản phẩm quế, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công ty cổ phần Prosi Thăng Long cho biết: Xuất khẩu quế đang gặp thuận lợi do mức độ chủ động về nguồn cung ngày càng cao.
Từ chỗ nhập khẩu lượng lớn quế, năm 2024 Việt Nam chỉ còn nhập 4,5% tổng sản lượng xuất khẩu. Giá quế tươi nguyên liệu ở mức trên 20.000 đồng/kg đang giúp nông dân các tỉnh phía bắc có thu nhập ổn định từ cây quế.
Diện tích, sản lượng quế tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang tăng mạnh trong những năm gần đây. Sản lượng xuất khẩu quế của Việt Nam cũng tăng đều, trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 11.000 tấn. Trong 3 năm trở lại đây Việt Nam đã giữ ngôi đầu thế giới về xuất khẩu quế.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 99.874 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 274,5 triệu USD, so với năm 2023 lượng xuất khẩu tăng 11,7% kim ngạch xuất khẩu tăng 5,2%.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam, Mỹ đứng lớn thứ 2, Bangladesh xếp ở vị trí thứ 3./.
Nguồn: Vietnamplus.vn
Hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc của Nga sẽ hạn chế xuất khẩu lúa mì vào năm 2025
Thị trường nông sản thế giới ngày 16/1: Giá cà phê giảm mạnh
Nga không loại trừ "phản ứng tương xứng" với Mỹ về lệnh trừng phạt năng lượng
IEA hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu
Thị trường kim loại thế giới ngày 16/1: Giá quặng sắt gần cao nhất 2 tuần
Xuất nhập khẩu thép cây và thép dầm chữ H của Đài Loan năm 2024
Nhập khẩu phôi thép Bloom và phôi thép của Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt vào tháng 11/2024
Thị trường nông sản thế giới ngày 15/1: Giá ca cao tăng nhẹ
Nhập khẩu thép của Hàn Quốc từ Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 7 năm
Thị trường nông sản thế giới ngày 14/1: Giá lúa mì tăng phiên thứ 2 liên tiếp
Thị trường kim loại thế giới ngày 14/1: Giá đồng đạt mức cao nhất trong 1 tháng
Vận chuyển quặng sắt bằng đường biển trên thế giới tăng lên mức cao kỷ lục
Giá vàng có thể tăng hơn nữa trong năm 2025
Giá dầu thế giới tăng vọt do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2024 ...
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong tháng 12/2024 ...Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 và mục tiêu đến năm ...
Trao đổi hàng hóa Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2024
Xuất khẩu cá tra năm 2024 và mục tiêu năm 2025
Trao đổi thương mại của Việt Nam với nhiều thị trường tăng ...