Thứ tư, 15-1-2025 - 15:50 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Các nước Bắc Âu và Baltic yêu cầu EU sửa đổi mức giá trần với dầu của Nga 

 Thứ tư, 15-1-2025

AsemconnectVietnam - Ngoại trưởng các nước cho rằng hiện là thời điểm để tăng thêm tác động của các lệnh trừng phạt bằng cách hạ mức giá trần dầu thô của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).

Ngày 13/1, các nước Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Latvia, Litva và Thụy Điển đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) sửa đổi mức giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.
Mức giá trần được ấn định vào cuối năm 2022 là 60 USD/thùng và vẫn giữ nguyên kể từ đó.
Trong một lá thư chung gửi EC, ngoại trưởng các nước trên cho rằng hiện là thời điểm để tăng thêm tác động của các lệnh trừng phạt bằng cách hạ mức giá trần dầu thô của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).
Mức trần là sáng kiến do các đồng minh G7 đưa ra vào cuối năm 2022 nhằm hạn chế hoạt động buôn bán dầu thô của Nga trên biển ở mức 60 USD/thùng. Cơ chế này cấm các công ty phương Tây cung cấp dịch vụ cho các tàu chở dầu của Nga, chẳng hạn như bảo hiểm, tài chính và cờ hiệu, bán dầu thô với giá cao hơn mức giá đã thỏa thuận.
G7 cũng thiết lập thêm hai mức trần cho các sản phẩm cao cấp so với dầu thô (100 USD/thùng) và các sản phẩm giảm giá so với dầu thô (45 USD/thùng).
Trong bức thư chung, 6 quốc gia trên lập luận rằng thị trường dầu mỏ quốc tế đang được cung cấp tốt hơn so với năm 2022, và nguy cơ "sốc cung," vốn ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán ban đầu về hạn ngạch, đã giảm đáng kể.
Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí Sạch (CREA) ước tính việc đặt mức trần 30 USD/thùng ngay từ đầu sẽ cắt giảm 25% doanh thu xuất khẩu dầu của Nga, dẫn đến khoản lỗ 76 tỷ euro.
Trong một phân tích gần đây, CREA cũng cho biết việc hạ mức trần sẽ gây giảm phát, làm giảm giá xuất khẩu dầu của Nga và thúc đẩy sản lượng nhiều hơn từ Nga để bù đắp cho mức doanh thu giảm.
Các nước Bắc Âu và Baltic cũng yêu cầu EC mở rộng lệnh trừng phạt đối với “Hạm đội bóng tối” của Nga (gồm các tàu chở dầu cũ kỹ, kém bảo dưỡng, sử dụng các cấu trúc sở hữu và bảo hiểm không rõ ràng) và những người tạo điều kiện cho việc lách mức trần. Cho đến nay, khối này đã trừng phạt 79 tàu thuộc hạm đội này.
Phản ứng với bức thư trên, một người phát ngôn của EC cho biết tài liệu này sẽ được đưa vào các cuộc thảo luận đang diễn ra, song cảnh báo bất kỳ sửa đổi nào cũng là quyết định của G7.
Tuy nhiên, nếu có đề xuất sửa đổi, tất cả 27 quốc gia thành viên sẽ phải đạt được thỏa thuận nhất trí trước khi G7 có thể hành động./.
Nguồn: Vietnamplus.vn
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25717261651