Thứ tư, 15-1-2025 - 7:42 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường kim loại thế giới ngày 14/1: Giá đồng đạt mức cao nhất trong 1 tháng 

 Thứ ba, 14-1-2025

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 13/1 giá vàng, giá bạch kim, giá chì giảm, trong khi giá đồng, giá nhôm, giá thép, giá quặng sắt, giá thiếc, giá niken tăng.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do đồng USD tăng lên mức cao nhất hơn hai năm sau khi báo cáo việc làm cho kết quả khả quan vào tuần trước củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành hạ lãi suất một cách thận trọng trong năm nay.
Chốt phiên giao dịch ngày 13/11, giá vàng giao ngay giảm 1% xuống 2.661,76 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất trong 1 tháng vào thứ Sáu (10/1). Giá vàng giao sau giảm 1,3% xuống 2.678,6 USD.
Chỉ số USD Index đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 sau khi báo cáo việc làm của Mỹ nhấn mạnh sức mạnh của nền kinh tế và làm mờ triển vọng của Fed.
Đồng USD tăng cao hơn khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Ở một diễn biến khác, ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ vào tuần tới. Các chính sách thuế quan và bảo hộ thương mại do ông đề xuất dự kiến sẽ gây ra lạm phát và có thể gây ra chiến tranh thương mại, làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Các nhà đầu tư hiện chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và doanh số bán lẻ trong tuần này để có thêm manh mối về nền kinh tế và các kế hoạch chính sách của Fed.
Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại City Index và FOREX.com, nhận định nếu dữ liệu lạm phát CPI vào thứ Tư có dấu hiệu tiếp tục tăng thì mọi lời kêu gọi nới lỏng lãi suất trong nửa đầu năm sẽ lại bị bác bỏ một lần nữa.
Hiện tại, thị trường dự kiến Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm nay, so với kỳ vọng 40 điểm cơ bản vào tuần trước. Lãi suất cao hơn khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Trong khi, giá bạc ổn định, hiện ở mức giá 771.000 đồng/ounce (mua vào) và 777.000 đồng/ounce (bán ra).
Giá bạc có xu hướng đứng yên trong phiên cuối tuần. Ở bối cảnh hiện tại với những yếu tố bất ổn về lạm phát và tình hình địa chính trị, nhu cầu đối với các tài sản phòng vệ như kim loại quý, đặc biệt là bạc, đang tăng lên.
Các nhà đầu tư có xu hướng tìm đến bạc không chỉ là một công cụ phòng vệ lạm phát, mà còn vì bạc có tiềm năng sinh lời cao trong dài hạn. Trong khi giá vàng thường dao động trong một phạm vi hẹp, bạc lại có xu hướng dao động mạnh hơn, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khai thác những đợt biến động giá.
Ngoài yếu tố kinh tế và địa chính trị, nhu cầu về bạc trong ngành công nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất pin điện thoại, ô tô điện và các thiết bị điện tử, cũng là yếu tố quan trọng tác động đến giá bạc. Chính vì thế, triển vọng về giá bạc trong thời gian tới vẫn khá lạc quan, đặc biệt là khi các nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản an toàn và có tiềm năng tăng trưởng cao.
Một số lượng lớn các ngân hàng lớn và chuyên gia trong ngành dự đoán rằng bạc có thể vượt qua vàng khi tổng kết vào cuối năm. Ông Ole Hansen - Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, nhận định rằng bạc có thể vượt qua vàng trong năm 2025.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạch kim giảm 1,4% xuống 950,9 USD và giá palladium giảm 0,5% xuống 943,5 USD.
Trên thị trường kim loại màu, giá đồng đạt mức cao nhất một tháng do kỳ vọng nhu cầu kim loại trên toàn cầu sẽ tăng lên, đặc biệt là ở quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới - Trung Quốc.
Cụ thể, trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), giá đồng kỳ hạn 3 tháng kết thúc phiên không thay đổi nhiều ở mức 9.094 USD/tấn - sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 12 tháng 12 là 9.150 USD.
Tuy nhiên, đồng tiền Mỹ tăng giá khiến kim loại tính giá bằng USD trở nên đắt đỏ đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều đó có thể kìm hãm nhu cầu.
Dữ liệu hải quan cho thấy lượng đồng và sản phẩm đồng chưa gia công nhập khẩu của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 13 tháng vào tháng 12, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái lên 559.000 tấn.
Đồng thời, giá nhôm cũng tăng lên mức cao nhất trong bốn tuần, 2.589,5 USD/tấn, do lo ngại về tình trạng nguồn cung giảm tại các kho của sàn LME, đã giảm 45% kể từ tháng 5 năm ngoái xuống còn 619.375 tấn.
Những lo ngại về nguồn cung thắt chặt trên hệ thống LME đã thu hẹp mức chiết khấu trong hợp đồng ba tháng xuống còn khoảng 13 USD/tấn từ mức hơn 40 USD vào tháng 12.
Trên thị trường kim loại khác, giá kẽm tăng 1% lên 2.896 USD, giá chì giảm 0,7% xuống 1.962 USD và giá thiếc tăng 0,7% lên 30.100 USD trong khi giá niken tăng 0,7% lên 15.770 USD.
Thị trường sắt thép: Giá quặng sắt lên mức cao nhất trong hơn một tuần vào thứ Hai do thị trường lại dấy lên kỳ vọng về việc Trung Quốc sẽ bổ sung nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc lúc đầu phiên tăng khá mạnh, sau đó hạ nhẹ vào cuối phiên, song kết thúc phiên vẫn tăng 1,92% ở mức 768,5 nhân dân tệ (104,82 USD)/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 2 trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore tăng 1,75% lên 98,85 USD/tấn tính sau khi chạm mức 100,25 USD, cao nhất kể từ ngày 3 tháng 1, lúc đầu phiên giao dịch.
Quặng sắt tăng kéo giá thép tăng theo. Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải, thép cây tăng 1,44%, thép cuộn cán nóng tăng 1,45%, thép thanh tăng 1,14% và thép không gỉ tăng 0,8%.
Thị trường thép và quặng sắt toàn cầu năm 2025 sẽ chịu áp lực từ chính sách của Mỹ, đặc biệt là những quyết định liên quan đến ngành công nghiệp của Tổng thống Donald Trump.
Bên cạnh đó, các chuyên gia dự đoán nhu cầu quặng sắt tại các quốc gia ngoài Trung Quốc dự kiến giảm, nhưng khối lượng nhập khẩu bằng đường biển vẫn giữ ổn định nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách thương mại.
Tiêu thụ thép toàn cầu dự báo giảm 0,7%, chủ yếu do nhu cầu giảm từ Trung Quốc và các quốc gia phát triển. Giá thép tại EU tiếp tục giảm 4%, đẩy nhiều nhà sản xuất vào tình trạng khó khăn.
Năm 2024, giá quặng trung bình tại Trung Quốc giảm 10% xuống còn 110 USD/tấn. Năm 2025, dự kiến giảm thêm 13-14%, xuống 95 USD/tấn.
N.Hao
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25717251709