Thứ ba, 14-1-2025 - 20:33 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 và mục tiêu đến năm 2030 

 Thứ hai, 13-1-2025

AsemconnectVietnam - Năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt trên 7,12 tỷ USD. Với sự liên kết, sản xuất quy mô lớn, xuất khẩu rau quả của nước ta đang hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2030.

Tình hình xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục, đạt khoảng 7,12 tỷ USD trong năm 2024, tăng 27,1% so với năm 2023.
Trung Quốc dẫn đầu các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 với tới 4,3 tỷ USD, chiếm hơn 60% trong toàn bộ các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam và tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ, dù đã tăng 37%, nhưng cũng mới chỉ đạt 320 triệu USD. Hàn Quốc và Thái Lan là các thị trường ở vị trí lần lượt lớn thứ ba và thứ tư tiêu thụ rau quả từ Việt Nam.
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là năm đầu tiên, ngành rau quả đã chạm và vượt qua ngưỡng 7 tỷ USD. Cùng với việc khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, sự chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả, với chỉ đạo sản xuất rải vụ, đã tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng các loại trái cây chủ lực, đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Tình hình ngành chế biến rau quả Việt Nam
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, cả nước hiện có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất thiết kế 2,2 triệu tấn sản phẩm/năm, ngoài ra còn có trên 7.000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ.
Ngành chế biến rau quả của Việt nam trong 5 năm qua đã có nhiều thay đổi, nhiều cơ sở và nhà máy chế biến mới với công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại được xây dựng và đi vào hoạt động, cung cấp sản lượng rau quả chế biến lớn hơn, góp phần nâng cao năng lực tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Ngành chế biến rau quả cũng tạo ra nhiều chủng loại sản phẩm từ cùng một loại nguyên liệu góp phần nâng cao năng tiêu thụ và mở rộng thị trường cho rau quả. Tuy nhiên với năng lực hiện tại ngành chế biến rau quả chưa tương xứng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất nguyên liệu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, xuất khẩu rau quả tăng liên tục trong thời gian dài, đặc biệt năm 2024, toàn ngành nông nghiệp xuất khẩu trên 62 tỷ USD, trong đó có kết quả đóng góp rất lớn của ngành rau quả.
Hầu hết các thị trường lớn, thị trường chính doanh nghiệp Việt Nam đều vượt qua các rào cản thương mại; chất lượng xuất khẩu được cải thiện rất lớn, trái cây Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại nhiều thị trường… đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu xuất khẩu rau quả.
Xuất khẩu rau quả dự báo đạt 8 tỷ USD trong năm 2025
Theo các chuyên gia, ngành hàng rau quả Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc... Vì vậy, ngành hàng rau quả Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng năm 2025 xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới, tốc độ tăng trưởng dự kiến trên 20% so với năm 2024.
Dự báo được đưa ra cho ngành hàng rau quả năm 2025 dựa trên nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng trên thế giới. Bên cạnh đó, nhiều loại trái cây của Việt Nam đã khẳng định được vị thế tại các thị trường xuất khẩu, đồng thời một số chủng loại trái cây chủ lực dự kiến sẽ được cấp phép xuất khẩu vào các thị trường lớn.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự kiến vào năm 2025, trái chanh leo của Việt Nam sẽ chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, chanh leo cũng là loại trái cây tươi thứ 5 của Việt Nam được chính thức xuất khẩu sang Australia.
Theo nhận định của ông Đặng Phúc Nguyên, năm 2024, với những mặt hàng như chanh leo, bưởi, dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, đây là những mặt hàng mới mở cửa ở một số thị trường, các doanh nghiệp còn đang loay hoay trong vấn đề xin mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài. Nói cách khác, hiện các doanh nghiệp đang trong quá trình chuẩn bị. Một số mặt hàng như trái bưởi, trái dừa đã xuất khẩu những chuyến hàng đầu tiên nhưng chưa nhiều. Năm 2025, những mặt hàng này mới có thể phát huy được lợi thế. Dự báo, năm 2025, xuất khẩu rau quả sẽ thu về 8 tỷ USD.
Một số thách thức đối với ngành rau quả
Xuất khẩu rau quả cũng đang đối diện với nhiều khó khăn khi các quốc gia tăng cường kiểm tra hàng hoá nhập khẩu. Mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam liên quan đến việc sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU.
Theo đó, với sầu riêng của Việt Nam, EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%. Với quả thanh long, ớt và đậu bắp, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới. Trong đó, tần suất kiểm tra thanh long là 30%, ớt và đậu bắp cùng tần suất 50%. Ba sản phẩm này khi nhập khẩu vào thị trường EU phải kèm theo kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Để đầu ra cho sản phẩm ổn định, cùng với việc bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, các doanh nghiệp rau quả Việt Nam cần đẩy mạnh khâu chế biến, tập trung vào chế biến sâu, vừa nâng cao giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro mùa vụ.
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn/haiquanonline.com.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25717236074