Tăng trưởng của Khu vực đồng euro bị đe dọa bởi xung đột thương mại toàn cầu
Thứ tư, 8-1-2025AsemconnectVietnam - Theo cuộc khảo sát của Financial Times với các nhà kinh tế, một cuộc xung đột thương mại toàn cầu có thể xảy ra và sự tê liệt chính trị khu vực là hai mối đe dọa lớn nhất mà nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu phải đối mặt vào năm 2025.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế quan lên tới 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ, với mức thuế tăng lên 60% đối với Trung Quốc khi ông chính thức nhậm chức vào ngày 20/1.
Nếu ông Trump hiện thức hoá các tuyên bố đó, mức thuế này sẽ đại diện cho sự gia tăng đáng kể nhất trong chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ kể từ thời kỳ Đại suy thoái và làm dấy lên viễn cảnh trả đũa ở những nơi khác.
Vì Khu vực đồng tiền chung châu Âu có thặng dư thương mại lớn với Mỹ nên có thể dễ bị tổn thương không chỉ trước mức thuế quan cao hơn mà còn trước nguy cơ Trung Quốc bán phá giá các sản phẩm giá rẻ trên thị trường toàn cầu để đáp trả hành động của chính quyền Trump.
"Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump hiện là rủi ro chính trị và kinh tế lớn nhất…Châu Âu sẽ phải chịu mức thuế quan và động thái của ông Trump nhằm buộc phải tách khỏi Trung Quốc mạnh mẽ hơn", Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại công ty phân tích Eurasia Group cho biết.
Hầu như tất cả các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát đều cho rằng, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Các nhà kinh tế cho biết, hậu quả của các chính sách thương mại của ông Trump có khả năng làm giảm tăng trưởng kinh tế ở châu Âu ngay cả trước khi chúng được đưa ra. Tomasz Wieladek, nhà kinh tế của T Rowe Price cho biết: "Kỳ vọng về thuế quan của chính quyền Trump... tạo cho các công ty động lực mạnh mẽ để chờ đợi đầu tư cho đến khi một số bất ổn được giải quyết".
Hầu hết các nhà kinh tế cũng ủng hộ lời kêu gọi của Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde về việc các nhà hoạch định chính sách EU sẽ tham gia đàm phán thương mại với ông Trump để tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện.
"EU có thể muốn sử dụng mối đe dọa trả đũa như một phần của cuộc đàm phán. Nhưng xét cho cùng, thuế quan là hình thức gây hại và sẽ tốt hơn cho EU nếu không sử dụng chúng", Isabelle Mateos y Lago, chuyên gia kinh tế trưởng tại BNP Paribas cho biết.
Một số nhà kinh tế cũng chỉ ra kinh nghiệm sâu rộng của EU trong các cuộc đàm phán thương mại và vị thế của khối này là một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới. Christian Dustmann, Giám đốc của tổ chức tư vấn kinh tế Rockwool Foundation có trụ sở tại Berlin cho biết: "EU không hề yếu thế".
Tuy nhiên, một số các nhà kinh tế lại cho rằng, việc tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ chỉ khuyến khích hành động khắc nghiệt hơn. "Ông Trump có tâm lý của một kẻ bắt nạt trên sân chơi", Kamil Kovar, nhà kinh tế cấp cao tại Moody's nói.
Theo Carsten Brzeski, Giám đốc toàn cầu về kinh tế vĩ mô tại Ngân hàng ING, thuế quan không phải là mối đe dọa duy nhất đối với nền kinh tế châu Âu xuất phát từ Mỹ vào năm 2024. "Việc cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định và giá năng lượng thấp hơn của Mỹ cũng sẽ khiến nền kinh tế Mỹ hấp dẫn hơn so với Khu vực đồng tiền chung châu Âu", ông cho biết.
Bên cạnh những rủi ro về mặt địa chính trị, việc châu Âu không thể giải quyết các vấn đề nội tại của khu vực cũng nằm trong số các rủi ro chính.
Ulrich Kater, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Deka của Đức cho biết, châu Âu sẽ sớm giống với "vương triều Habsburg thời kỳ cuối". Khu vực này đang bị chậm lại về mặt kinh tế và công nghệ, sa lầy vào bộ máy quản lý cồng kềnh và bị chi phối bởi “ký ức u sầu về sự vĩ đại trước đây”.
Mặt khác, một số các nhà kinh tế kỳ vọng rằng, sự ảm đạm này có thể trở thành yếu tố tích cực vì tình hình có thể trở nên tồi tệ đến mức châu Âu cuối cùng có thể bắt tay vào các cải cách cần thiết.
"Bầu không khí chính trị quốc tế thù địch tạo ra cơ hội cho việc quản lý của châu Âu", Lena Komileva, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn G+ Economics nhấn mạnh.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn
Niềm tin tiêu dùng Nhật Bản cải thiện vào tháng 11/2024
Tỷ lệ lạm phát của Đức tăng thấp hơn dự kiến
Tỷ lệ lạm phát của Hà Lan tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng
Tỷ lệ lạm phát của Bồ Đào Nha tăng trong tháng thứ 3
Tỷ lệ lạm phát của Áo tăng lên 1,9% trong tháng 11/2024
Tỷ lệ lạm phát Khu vực đồng Euro tăng lên 2,3% trong tháng 11/2024
Giá tiêu dùng tại Slovenia tăng 1,8% vào tháng 11/2024
Tỷ lệ lạm phát của Kenya đạt 2,8% trong tháng 11/2024
Lạm phát của Ý tăng lên mức cao nhất trong 1 năm
PMI ngành sản xuất ASEAN tăng khiêm tốn
Các nền kinh tế Đông Nam Á phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2025
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng trong tháng thứ 2
Chỉ số PMI tổng hợp của Trung Quốc duy trì ở mức cao nhất trong 5 tháng: NBS
EU năm 2025: Lao đao giữa những bất ổn tại Đức và Pháp