Thứ năm, 2-1-2025 - 20:35 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Một số chính sách, quy định mới tác động tới thương mại Việt Nam- EU trong năm 2024 

 Thứ hai, 23-12-2024

AsemconnectVietnam - Năm 2024, EU đã ra nhiều chính sách để phục hồi kinh tế sau một năm suy thoái 2023. Dưới đây là một số chính sách tác động tới thương mại Việt Nam - EU nổi bật.

-Các chính sách thúc đẩy quá trình hồi phục và phát triển kinh tế
Nới lỏng chính sách tiền tệ: Để thúc đẩy quá trình hồi phục và tăng trưởng kinh tế, ECB đã kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ từ tháng 6/2024, chuyển sang chu kỳ nới lỏng tiền tệ. Từ tháng 6/2024 đến tháng 11/2024, ECB đã giảm lãi suất 3 lần và sẽ tiếp tục giảm thêm nữa nếu điều kiện thị trường cho phép, với mục đích giảm chi phí vay vốn, kích thích tiêu dùng và đầu tư đồng thời giúp tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống người dân.
Nâng cao khả năng tự chủ về năng lượng:Để vượt qua những thách thức, châu Âu đang tập trung vào nhiều chiến lược chính như độc lập năng lượng và chuyển đổi xanh. Với chiến lược này, châu Âu đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh để giảm sự phụ thuộc vào thị trường năng lượng biến động. Tăng đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như gió và Mặt trời, là điều cần thiết để giảm bớt tác động kinh tế của các cú sốc năng lượng trong tương lai. Bằng cách củng cố an ninh năng lượng, châu Âu đặt mục tiêu giảm thiểu áp lực lạm phát bắt nguồn từ giá năng lượng tăng đột biến.
Cải cách năng lực quản lý tài chính: Ngày 26/11/2024, Ủy ban châu Âu công bố gói chính sách sách mùa thu của EU, nêu rõ định hướng tài khóa chặt chẽ hơn sẽ được áp dụng tại khu vực đồng euro vào năm 2025. Đây là bước đi nằm trong khuôn khổ quản trị kinh tế mới của EU, triển khai từ tháng 4/2024, nhằm đảm bảo tính bền vững tài chính và thúc đẩy tăng trưởng thông qua các biện pháp cải cách và đầu tư chiến lược.
Trong gói chính sách này, Ủy ban châu Âu (EC) đề cập việc triển khai Quy trình thâm hụt quá mức đối với tám quốc gia thành viên, gồm Bỉ, Pháp, Hungary, Italy, Malta, Ba Lan, Romania và Slovakia. Các quốc gia này được yêu cầu giảm mức thâm hụt ngân sách xuống dưới ngưỡng 3% GDP theo Hiệp ước ổn định và tăng trưởng. Nếu không đáp ứng các yêu cầu này trong thời gian quy định, họ có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt tài chính.
Gói chính sách tài khóa mới còn bao gồm việc đánh giá kế hoạch ngân sách trung hạn của các quốc gia thành viên EU. Theo EC, 20 trong số 22 kế hoạch được đệ trình đã đáp ứng các yêu cầu đảm bảo mức nợ trong nước ở mức thận trọng hoặc giảm dần. Tuy nhiên, kế hoạch ngân sách của Hà Lan bị đánh giá là vi phạm các khuyến nghị của EU khi chi tiêu ròng trung bình dự kiến trong giai đoạn 2025-2028 vượt quá mức trần 3,2% do EU đề ra. Chính phủ Hà Lan đã lập luận rằng các cải cách cơ cấu đã thực hiện đủ để đảm bảo chi tiêu không vượt quá giới hạn, song EU yêu cầu nước này phải thực hiện các biện pháp cắt giảm ngay lập tức.
Điều chỉnh tài chính và quy định cũng được xem là chiến lược chính trong giai đoạn này. Các nhà hoạch định chính sách đang sử dụng các biện pháp tài chính để nhắm trực tiếp vào các nút thắt và hỗ trợ những ngành bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao và hạn chế nguồn cung. Ví dụ, các điều chỉnh quy định hợp lý hóa quy trình hải quan và hậu cần và thúc đẩy sự tham gia của thị trường lao động đang được xem xét, từ đó giảm bớt áp lực lạm phát và hỗ trợ ổn định kinh tế dài hạn.
-EU ban hành 4 luật thúc đẩy vận tải biển an toàn và bền vững
Ngày 18/11/2024, EU đã thông qua 4 luật thuộc gói lập pháp “An toàn Hàng hải,” nhằm xây dựng ngành vận tải biển an toàn, sạch và hiện đại hơn. Các quy định này sửa đổi các chỉ thị liên quan đến điều tra tai nạn hàng hải, ô nhiễm từ tàu biển, tuân thủ yêu cầu của quốc gia treo cờ và kiểm soát tàu thuyền tại cảng.
Mục tiêu chính của gói luật là cân bằng giữa việc duy trì chất lượng vận tải biển cao và đảm bảo khả năng cạnh tranh của ngành hàng hải EU, đồng thời giữ chi phí hợp lý cho doanh nghiệp và chính quyền các nước thành viên. Đây cũng là nỗ lực để EU đồng bộ hóa các quy định với tiêu chuẩn quốc tế, cải thiện việc thực thi thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan trong khu vực.
Một trong những điểm nổi bật là chỉ thị sửa đổi về điều tra tai nạn hàng hải. Quy định mới mở rộng phạm vi điều tra đến các tàu cá dưới 15 mét, giúp đảm bảo mọi vụ tai nạn gây tử vong hoặc mất tàu đều được xử lý nhất quán trên toàn EU.
EU cũng nhấn mạnh việc đảm bảo các cuộc kiểm tra được thực hiện đồng bộ và hiệu quả trên toàn khu vực, tạo nền tảng cho ngành vận tải biển chất lượng cao, an toàn và bền vững.
Ngày 27/9/2024, Ủy ban châu Âu đã gửi Công hàm thông báo cho các nước không thuộc OECD liên quan đến Quy định EU 2024/1157 về việc xuất khẩu các lô hàng chất thải, đã được công bố vào ngày 30/4/2024 và có hiệu lực từ ngày 20/5/2024.
Các mục tiêu chính bao gồm thiết lập các quy tắc chặt chẽ hơn đối với xuất khẩu chất thải của EU để ngăn chặn các thách thức về xuất khẩu chất thải sang các nước thứ ba và đảm bảo quản lý chất thải lành mạnh với môi trường. Tăng cường thực thi để ngăn chặn các lô hàng chất thải bất hợp pháp trong và ngoài EU và tăng khả năng truy xuất nguồn gốc các lô hàng chất thải để tạo điều kiện cho việc tái chế và tái sử dụng.
Về phạm vi áp dụng: Các lô hàng chất thải giữa các quốc gia thành viên, có hoặc không quá cảnh qua các nước thứ ba; các lô hàng chất thải nhập khẩu vào Liên minh từ các nước thứ ba; các lô hàng chất thải xuất khẩu từ Liên minh sang các nước thứ ba; các lô hàng chất thải quá cảnh qua Liên minh trên đường đến hoặc từ các nước thứ ba.
EU đang yêu cầu các nước không thuộc OECD quan tâm đến việc nhập khẩu chất thải từ EU gửi yêu cầu chính thức tới Ủy ban châu Âu trước ngày 21/2/2025, chứng minh năng lực quản lý chất thải bền vững của họ. Đến ngày 21/5/2027, EU sẽ chỉ cấp phép xuất khẩu sang các nước không thuộc OECD trong danh sách đã được phê duyệt. Hợp tác giữa các nhà xuất khẩu chất thải EU và các cơ quan không thuộc OECD sẽ được khuyến khích để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát quản lý chất thải. EU sẽ tăng cường hợp tác thực thi pháp luật để ngăn chặn các lô hàng chất thải bất hợp pháp.
Xuất khẩu chất thải nhựa sang các nước không thuộc OECD sẽ bị cấm từ ngày 21/11/2026, với các trường hợp ngoại lệ có thể bắt đầu từ ngày 21/5/2029. EU sẽ thông báo vào ngày 21/5/2026 về các nội dung liên quan.
Các quy định mới về xuất khẩu chất thải của EU sang cả các nước OECD và không thuộc OECD theo Quy định EU 2024/1157 yêu cầu: Các công ty xuất khẩu của EU phải chứng minh rằng chất thải mà họ xuất khẩu được quản lý đúng cách. Để đảm bảo điều này, các công ty được yêu cầu tiến hành kiểm toán độc lập các cơ sở tiếp nhận chất thải, xác minh rằng họ quản lý chất thải theo cách thân thiện với môi trường. Nếu không đáp ứng được điều kiện này, các công ty phải ngừng xuất khẩu sang cơ sở đó. Ủy ban Châu Âu, thông qua văn phòng chống gian lận (OLAF), sẽ hỗ trợ các cuộc điều tra xuyên quốc gia của các Quốc gia thành viên EU về nạn buôn bán chất thải.
Hiện nay các doanh nghiệp quan tâm đến việc đăng ký và thực hiện quy định này vì nguồn chất thải “xanh” có thể được tái chế và sử dụng như nguyên liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như sắt thép, giấy… Trong thời gian tới khi Quy định về thiết kế sinh thái được áp dụng, các ngành như dệt may, da giày sẽ có nghĩa vụ thu hồi các sản phẩm tồn để tái chế và khi đó, các nước gia công như Việt Nam sẽ được các chuỗi dệt may khuyến khích thu hồi để tái chế. Để có thể nhập khẩu một số chất thải về tái chế, sản xuất, Việt Nam cần đăng ký và xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý chất thải hợp lý.
Tại cuộc họp hôm 16/10/2024, Hội đồng châu Âu (EUCO), cơ quan chính trị đại diện cho các nước thành viên EU, nhất trí trì hoãn thực hiện một năm đối với Quy định chống phá rừng (EUDR) theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC). Trong phiên họp toàn thể vào giữa tháng 11/2024, Nghị viện châu Âu, cơ quan lập pháp của EU, đã bỏ phiếu tán thành để quyết định trì hoãn có hiệu lực.
Brazil, Mỹ và các đối tác thương mại khác của EU ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin cho biết, EUDR sẽ đẩy chi phí sản xuất và xuất khẩu tăng cao, đặc biệt đối với các hộ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ. Họ cũng quan ngại về việc thiếu hướng dẫn chi tiết để tuân thủ EUDR. EUCO thừa nhận, EUDR thiếu các yếu tố quan trọng, chẳng hạn tài liệu hướng dẫn giúp các công ty và quốc gia tuân thủ tốt hơn.
Theo thông báo của cơ quan này, việc trì hoãn sẽ cho phép các nước thứ ba, các quốc gia thành viên EU, doanh nghiệp và thương nhân chuẩn bị đầy đủ các nghĩa vụ thẩm định. Sự trì hoãn này mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý, khả năng dự đoán và đủ thời gian để thực hiện suôn sẻ và hiệu quả các quy tắc của EUDR, bao gồm việc thiết lập đầy đủ các hệ thống thẩm định tất cả các hàng hóa và sản phẩm có liên quan.
EUDR điều chỉnh 7 nhóm mặt hàng gồm: đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao, cà phê, cao su, trong đó, các ngành hàng bị tác động lớn tại Việt Nam gồm: cà phê, gỗ và cao su. Sau khi EC đồng ý lùi thời hạn tuân thủ, hạn cuối để các doanh nghiệp lớn tuân thủ EUDR là ngày 30/12/2025; các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là ngày 30/6/2026.
-         Quy định mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài
Ngày 13/05/2024, EU ban hành quy định quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Theo đó, từ ngày 3/6/2024 tất cả doanh nghiệp có liên quan tới hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2).
Đáng chú ý, tuân thủ hệ thống ICS2 là bắt buộc đối với tất cả các lô hàng quá cảnh qua bất kỳ quốc gia EU nào ngay cả khi điểm đến cuối cùng không phải là một phần của EU. Ví dụ với các lô hàng từ châu Á đến Vương quốc Anh quá cảnh qua một quốc gia thành viên EU. Các hãng vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt cũng cần cung cấp dữ liệu về hàng hóa được gửi đến hoặc qua EU trước khi hàng đến.
Nếu các công ty chưa chuẩn bị sẵn sàng và không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của ICS2, hàng hóa sẽ bị dừng ở biên giới EU và không được cơ quan hải quan thông quan.
-         Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đã được EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2024 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. EU đang triển khai kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050.
Nguyên nhân áp dụng CBAM là do EU lo ngại các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn gọi là “rò rỉ carbon” qua việc chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu.
Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng CBAM. EU tin rằng, một cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU thông qua hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất sẽ khuyến khích ngành công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU.
Cụ thể, trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là ximăng, sắt và thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
Vào cuối giai đoạn chuyển đổi của Cơ chế, tức năm 2025, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá về hoạt động của CBAM và có thể mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp,” ví dụ như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa.
Sau khi thực hiện đầy đủ vào năm 2026, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS của EU được biểu thị bằng euro/tấn CO2 thải ra.
Do vậy, muốn xuất khẩu vào EU các doanh nghiệp cần nắm bắt các qui định, xu hướng thị trường để điều chỉnh sản xuất và có hướng tiếp cận thị trường mới. Doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp để bắt kịp xu thế mới của EU.
-Kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP)
 Kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn là một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu. Thỏa thuận xanh châu Âu như một mục tiêu, một chiến lược của EU để giúp khối này giảm phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể vào năm 2050. Trong đó quy định ISPR (quy định liên quan đến thiết kế sinh thái, sản phẩm bền vững) đã có hiệu lực từ tháng 7/2024. CEAP sẽ có tác động đến 7 nhóm lĩnh vực chính, bao gồm: thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, nhóm về pin và nhóm về bao bì, nhóm về nhựa, dệt may, da giày.... ISPR có quy định liên quan đến việc ngăn chặn, hạn chế tiêu hủy các sản phẩm, yêu cầu các sản phẩm phải có hộ chiếu kỹ thuật số DPP, những quy định này rất phức tạp, nếu sản phẩm không đáp ứng được những tiêu chuẩn của EU sẽ không được hải quan phía EU cho thông quan.
T.Hường
Nguồn: Vitic

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716898775