Chủ nhật, 22-12-2024 - 9:10 GMT+7  Việt Nam EngLish 

06 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/12/2024 

 Chủ nhật, 22-12-2024

AsemconnectVietnam - 06 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/12/2024.

Dưới đây là 06 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/12/2024:
1. Bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Ngày 30/10/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học.
Theo đó, Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT đã không còn quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP bãi bỏ các quy định về thi thăng hạng viên chức, cũng không quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng từ ngày 07/12/2023.
Như vậy, chính thức bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ ngày 15/12/2024. Thay vào đó, giáo viên sẽ được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, số năm công tác.
2. Tiêu chí xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động
Ngày 31/10/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 11/2024/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xếp hạng một số loại hình đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Cụ thể, các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lao động sẽ được xếp hạng thông qua 04 nhóm tiêu chí như sau:
- Nhóm tiêu chí I về vị trí, chức năng, nhiệm vụ;
- Nhóm tiêu chí II về hiệu quả, chất lượng công việc;
- Nhóm tiêu chí III về cơ sở vật chất, trang thiết bị;
- Nhóm tiêu chí IV về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong đó, tiêu chí cụ thể và mức điểm quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo Thông tư như sau:
- Phụ lục I: Bảng tiêu chí và điểm xếp hạng cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.
- Phụ lục II: Bảng tiêu chí và điểm xếp hạng cơ sở trợ giúp xã hội.
- Phụ lục III: Bảng tiêu chí và điểm xếp hạng cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
- Phụ lục IV: Bảng tiêu chí và điểm xếp hạng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng.
- Phụ lục V: Bảng tiêu chí và điểm xếp hạng đơn vị hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
- Phụ lục VI: Bảng tiêu chí và điểm xếp hạng trung tâm dịch vụ việc làm.
- Phụ lục VII: Bảng tiêu chí và điểm xếp hạng đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực quan hệ lao động.
3. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện
Ngày 31/10/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 26/2024/TT-BYT quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone bao gồm tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể được quy định như sau:
STT
Tên gọi chi tiết
Chủng loại cụ thể
1
1.1
Khám ban đầu
Khám, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone
1.2
Khám khởi liều
1.3
Khám trong quá trình điều trị
1.4
Khám hoàn thành điều trị
1.5
Điều trị ngộ độc cấp ma túy nhóm opi
2
2.1
Tư vấn cá nhân trước điều trị
Liệu pháp tâm lý (chỉ áp dụng biện pháp tư vấn) trong điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone
2.2
Tư vấn cá nhân trong quá trình điều trị
2.3
Tư vấn cá nhân sau khi hoàn thành điều trị
2.4
Liệu pháp tâm lý nhóm (người bệnh hoặc gia đình)
3
3.1
Cấp phát thuốc hằng ngày tại cơ sở điều trị
Cấp phát thuốc methadone
3.2
Cấp phát thuốc hằng ngày tại cơ sở cấp phát thuốc
3.3
Cấp phát thuốc nhiều ngày tại cơ sở điều trị
3.4
Cấp phát thuốc nhiều ngày tại cơ sở cấp phát thuốc
4
4.1
Cận lâm sàng xét nghiệm:
- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (bằng phương pháp thủ công, hoặc bằng máy đếm tổng trở, hoặc bằng máy đếm laser, hoặc bằng hệ thống tự động hoàn toàn);
- Hóa sinh máu: Đo hoạt độ ALT (GPT); Đo hoạt độ AST (GOT); Định lượng Glucose...;
- Test nhanh phát hiện chất opiat trong nước tiểu;
- HIV Ag/Ab test nhanh.
Cận lâm sàng
4.2
Cận lâm sàng hình ảnh, chức năng:
- Chụp X quang ngực thẳng;
- Điện tim thường;
- Siêu âm ổ bụng (gan, mật, tụy, lách, thận, bàng quang).
4.3
Cận lâm sàng trắc nghiệm tâm lý
4.4
Cận lâm sàng khác: Thực hiện theo chỉ định của bác sĩ trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng các biện pháp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
4. Thủ tục cấp thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng
Ngày 25/11/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3555/QĐ-BYT về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được thay thế và thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực y tế dự phòng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế quy định tại Nghị định 141/2024/NĐ-CP.
Theo đó, trình tự thực hiện thủ tục cấp thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng như sau:
* Trường hợp 1: Cấp mới thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng:
Bước 1. Người đề nghị cấp mới Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng nộp một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 141/2024/NĐ-CP cho Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh.
Bước 2. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh kiểm tra hồ sơ và lập phiếu tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3:
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh ban hành Quyết định cấp mới Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 141/2024/NĐ-CP và cấp Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng cho người đề nghị theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 141/2024/NĐ-CP.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh phải có văn bản thông báo nêu rõ lý do và hướng dẫn cá nhân bổ sung hồ sơ.
* Trường hợp 2: Cấp lại thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng:
Bước 1. Người đề nghị cấp lại Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng nộp một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 141/2024/NĐ-CP cho Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh.
Bước 2. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh kiểm tra hồ sơ và lập phiếu tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3:
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh ban hành Quyết định cấp lại Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 141/2024/NĐ-CP và cấp Thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng cho người đề nghị theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 141/2024/NĐ-CP.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong vòng 05 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh phải có văn bản thông báo nêu rõ lý do và hướng dẫn cho cá nhân bổ sung hồ sơ.
5. Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Ngày 31/10/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 14/2024/TT-BNNPTNT về Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được quy định như sau:
- Thực vật:
Cây và các bộ phận của cây.
- Sản phẩm thực vật:
+ Các loại củ, quả, hạt, hoa, lá, thân, cành, gốc, rễ, vỏ cây;
+ Các loại tấm, cám, khô dầu, sắn lát, sợi tự nhiên dạng thô, xơ thực vật;
+ Bột có nguồn gốc thực vật, tinh bột sắn;
+ Cọng thuốc lá, bông thô, phế liệu bông, rơm, rạ và thực vật thủy sinh (trừ các loại rong, tảo, thực vật thủy sinh sống ở biển);
+ Gỗ tròn, gỗ xẻ, pallet gỗ, mùn cưa, mùn dừa;
+ Nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc thực vật (trừ thức ăn ở dạng thành phẩm đã đóng gói kín và ghi nhãn);
+ Giá thể trồng cây có nguồn gốc thực vật.
- Các loại nấm (trừ nấm ở dạng muối, đông lạnh, đóng hộp, nấm men).
- Kén tằm, gốc rũ kén tằm.
- Các loại côn trùng, nhện, nấm bệnh, tuyến trùng, vi khuẩn, virus, phytoplasma, viroids và cỏ dại (trừ dạng tiêu bản) phục vụ cho công tác giám định, tập huấn, phòng trừ sinh học và nghiên cứu khoa học.
- Trường hợp xuất khẩu những vật thể không thuộc Danh mục quy định tại Điều này sẽ được thực hiện kiểm dịch thực vật theo yêu cầu của nước nhập, khẩu và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc gia nhập.
6. Tiêu chuẩn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ xác định là tài sản cố định
Ngày 31/10/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 74/2024/TT-BTC quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, tiêu chuẩn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ xác định là tài sản cố định được quy định như sau:
- Xác định tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ:
+ Tài sản sử dụng độc lập được xác định là một tài sản.
+ Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được thì hệ thống đó được xác định là một tài sản.
+ Trường hợp một hệ thống được giao cho nhiều cơ quan quản lý thì phần tài sản được giao cho từng cơ quan là một tài sản.
- Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định trên được xác định là tài sản cố định khi thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn sau đây:
+ Có thời gian sử dụng từ 01 (một) năm trở lên.
+ Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên.
Nguồn: thuvienphapluat.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716641489