Tình hình xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam tháng 11 và 11 tháng năm 2024
Thứ năm, 19-12-2024AsemconnectVietnam - Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước 11 tháng năm 2024 đạt 715,56 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 95,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại 11 tháng năm 2024 đạt thặng dư 24,31 tỷ USD.
Trong 11 tháng đầu năm nay, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 484 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 58,41 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm 67,6% tổng kim ngạch cả nước
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 231,56 tỷ USD, tăng 19% (tương ứng tăng 36,91 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 11/2024
Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 33,73 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng trước.
Trong tháng qua, có 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên. Dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 6,22 tỷ USD.
Hai vị trí tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với 4,68 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 3,77 tỷ USD.
4 nhóm hàng còn lại là: dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Dù có chiều hướng giảm trong tháng 11, nhưng tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng cao với con số 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiều ngược lại, nhập khẩu trong tháng 11 đạt 32,67 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước.
4 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch tỷ đô trong tháng qua là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 9,26 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với 4,43 tỷ USD; vải các loại 1,29 tỷ USD; sắt thép 1,03 tỷ USD.
Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2024
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh thương mại của Việt Nam 11 tháng vừa qua. Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á (trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12,7%, của Hàn Quốc tăng 9,6%, của Thái Lan chỉ tăng 4,9%, của Indonesia chỉ tăng 1,33%).
Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%.
Điều đó cho thấy, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng cao hơn khu vực FDI (20% so với 12,4%) và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước (28% so với 26,8%) tiếp tục cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực này.
Đặc biệt trong 11 tháng năm 2024 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%).
Các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam 11 tháng năm 2024
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao trong 11 tháng đầu năm nay.
Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 98,4 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 13%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 55,1 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6%); thị trường EU ước đạt 47,3 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 8%); Hàn Quốc ước đạt 23,3 tỷ USD, tăng 8,7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 4%); Nhật Bản ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2023 giảm 4,3%).
Tình hình xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong 11 tháng năm 2024
Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong 11 tháng đạt 264,43 tỷ USD, tăng 12,6% (tương ứng tăng 29,51 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đáng chú ý, nhiều nhóm hàng xuất khẩu lớn đều do doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế lớn.
Đơn cử như nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, 96,58% kim ngạch đến từ doanh nghiệp FDI.
Hay nhóm hàng lớn thứ hai là điện thoại và linh kiện tỷ lệ này còn lên đến 99,69%. Ở nhóm hàng lớn thứ ba là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, doanh nghiệp FDI cũng chiếm tới 87,52%.
CK
Nguồn: VITIC/ haiquanonline.com.vn
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường chủ đạo tại Châu Á 11 tháng năm 2024
Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi 11 tháng năm 2024
Tình hình xuất khẩu và nhập khẩu phân bón của Việt Nam 11 tháng năm 2024
Tình hình xuất khẩu và thặng dư thương mại nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024
Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 11 và 11 tháng năm 2024
Nhập khẩu thủy sản mã HS 03 vào EU trong 6 tháng đầu năm 2024
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024
Nhập khẩu cà phê mã HS 090112 và HS 090121 vào EU trong 6 tháng đầu năm 2024
Tình hình nhập khẩu hàng dệt may mã HS 62 vào các thị trường thành viên của EU 7 tháng đầu năm 2024
Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang EU tăng 9,6% trong 9 tháng đầu năm 2024
Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – EU 9 tháng đầu năm 2024
Tình hình thương mại giữa Hy Lạp và Việt Nam
Tình hình thương mại giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam
Xuất khẩu cà phê EU giảm 40% trong tháng 9/2024