Chủ nhật, 22-12-2024 - 13:52 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường kim loại thế giới ngày 12/12: Giá bạc vượt qua mốc 32 USD/ounce 

 Thứ năm, 12-12-2024

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 11/12 giá vàng, giá bạc, giá palladium tăng, trong khi giá bạch kim, giá đồng, giá quặng sắt, giá thép, giá chì, giá nhôm giảm.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tiếp tục tăng sau khi dữ liệu lạm phát như kỳ vọng thúc đẩy khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào tuần tới, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ để có thêm manh mối về chính sách tiền tệ.
Chốt phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 2.717 USD/ounce. Kim loại quý đạt mức giá cao kỷ lục 2.790 USD/ounce vào ngày 31/10. Giá vàng giao sau cũng tăng 1,4% lên 2.757 USD.
Giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước đó trong tháng 11, dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này tăng 2,7% sau khi tăng 2,6% trong tháng 10.
Trước đó, cuộc khảo sát các nhà kinh tế của Reuters đã dự báo CPI tăng lần lượt 0,3% so với tháng 10 và tăng 2,7% so với năm trước.
"Giá vàng cao hơn nhờ dữ liệu CPI trùng với kỳ vọng, lạm phát không tăng thêm nhưng vẫn ổn định sẽ cho phép Fed gần như chắc chắn hạ lãi suất tại cuộc họp Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sắp tới", David Meger, giám đốc phòng giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho hay.
Các nhà giao dịch hiện dự đoán 95% cơ hội lãi suất giảm thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 17 - 18/12 của Fed, so với khoảng 86% khả năng được ghi nhận trước báo cáo lạm phát, theo công cụ FedWatch của CME.
Mối quan tâm của thị trường đang đổ dồn vào dữ liệu PPI, dự kiến được công bố vào thứ Năm (12/12) để có thêm thông tin về lộ trình giảm lãi suất của Fed.
Ông Nitesh Shah, chiến lược gia hàng hóa tại WisdomTree, cho biết họ kỳ vọng vàng sẽ đạt mức cao mới vào năm 2025, với lợi suất trái phiếu tăng cao ở thời điểm hiện tại sẽ giảm trong cả năm sau và rủi ro địa chính trị vẫn là động lực hỗ trợ cho tâm lý trên thị trường vàng.
“Chúng tôi tin rằng vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025", ông Shah nói thêm.
Vàng, vốn được coi là một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn địa chính trị, phát triển mạnh trong môi trường lãi suất thấp.
Trong khi, giá bạc đã ghi nhận mức tăng ấn tượng, vượt qua mốc 32 USD/ounce, mức cao nhất trong hơn một tháng qua. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, chủ yếu đến từ căng thẳng địa chính trị gia tăng tại Trung Đông và sự cải thiện tâm lý thị trường sau động thái mua vàng trở lại của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Xung đột tại Trung Đông đang leo thang, tạo ra một môi trường bất ổn và khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các kênh trú ẩn an toàn truyền thống như vàng và bạc. Với vai trò là một hàng rào chống lại rủi ro, bạc đã thu hút dòng tiền đầu tư mạnh mẽ, đẩy giá lên cao.
Quyết định mua vàng trở lại của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sau 6 tháng tạm ngừng đã mang đến tín hiệu tích cực cho thị trường kim loại quý. Là nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới trong năm ngoái, động thái này của Trung Quốc cho thấy nhu cầu đối với vàng vẫn còn rất lớn và có thể lan tỏa sang các kim loại quý khác như bạc.
Bên cạnh đó, sự cải thiện trong tâm lý thị trường cũng góp phần hỗ trợ cho giá bạc. Các nhà đầu tư đang tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu, đặc biệt sau khi một số chỉ số kinh tế quan trọng được công bố. Điều này đã tạo ra một bầu không khí tích cực và thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản rủi ro, bao gồm cả kim loại quý.
Ngoài các yếu tố trên, giá bạc còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như lãi suất, tỷ giá hối đoái, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương và nhu cầu từ các ngành công nghiệp.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạch kim giảm 0,8% xuống 935,18 USD trong khi giá palladium tăng 1% lên 977,5 USD.
Trên thị trường kim loại màu, giá đồng giảm do USD mạnh lên, thu hẹp mức tăng đã đẩy thị trường lên cao nhất một tháng do dự đoán rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trên sàn giao dịch kim loại London LME, giá đồng giao sau 3 tháng giảm 0,3% xuống 9.192 USD/tấn từ mức 9.314 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 12/11.
USD tăng trước khi số liệu lạm phát của Mỹ công bố vào cuối phiên. USD cũng được thúc đẩy bởi một báo cáo của Reuters rằng Trung Quốc đang cân nhắc cho phép đồng nội tệ yếu hơn vào năm tới.
USD tăng cao khiến các kim loại định giá bằng đồng bạc xanh này trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác, điều này ảnh hưởng tới nhu cầu.
Về mặt kỹ thuật, mức kháng cự hiện quanh 9.314 USD, tại đường trung bình cộng 100 ngày, trong khi mức hỗ trợ hiện tại ở đường trung bình cộng 21 ngày tại 9.065 USD.
Trên thị trường kim loại màu khác, giá nhôm giảm 0,9% xuống 2.585 USD/tấn, giá kẽm giảm 0,5% xuống 3.120 USD, giá chì giảm 0,1% xuống 2.062 USD, giá thiếc ít thay đổi ở mức 29.790 USD và giá niken tăng 0,3% lên 15.760 USD.
Trên thị trường sắt thép: Giá quặng sắt Đại Liên giảm, thoái lui từ mức cao nhất hai tháng trong phiên trước do khả năng nhu cầu thép theo mùa vụ yếu hơn lấn át những kỳ vọng về các biện pháp kích thích hơn nữa từ Trung Quốc.
Trên sàn giao dịch hang hóa Đại Liên, Trung Quốc, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 đóng cửa giảm 1,64% xuống 809,5 CNY /(111,38 USD)/tấn,.
Tại Singapore, giá quặng sắt giao tháng 1/2025 giảm 1,12% xuống 104,2 USD/tấn.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 11 giảm 1,91% so với tháng trước do việc nhập khẩu chậm lại trước mùa đông khi thời tiết lạnh làm gián đoạn công việc xây dựng ở miền bắc quốc gia này, làm giảm nhu cầu thép.
Lợi nhuận của các nhà máy thép giảm, trong khi sản lượng kim loại nóng giảm nhưng vẫn vững.
Tại Thượng Hải, thép thanh giảm 0,15%, thép cuộn cán nóng giảm 0,17%, thép không gỉ giảm gần 0,2%, mặc dù dây thép cuộn tăng 0,7%.
Bộ Chính trị Trung Quốc đã công bố rằng sẽ chuyển sang một chính sách tiền tệ "hơi nới lỏng" trong năm tới, thay vì chính sách thận trọng đã áp dụng trong thập kỷ qua, cùng với việc thực hiện hỗ trợ tài chính tích cực hơn thay vì chủ động.
Sự thay đổi trong lập trường đi kèm với các cam kết hỗ trợ thị trường chứng khoán và giá bất động sản, nhằm hạn chế rủi ro thanh lý của các nhà phát triển nợ nần, những người tiêu thụ chính thép thanh trên thế giới.
Tuy nhiên, khả năng cung cấp thép toàn cầu đã hạn chế sự phục hồi giá. Dữ liệu thương mại mới cho thấy xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng vọt lên hơn 100 triệu tấn trong năm tính đến tháng 11, mức cao nhất kể từ năm 2016, khi các nhà máy chuyển sang khách hàng quốc tế để đạt được mục tiêu doanh số.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong tháng 11 đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước lên 9,28 triệu tấn, nhưng giảm 17% so với mức cao nhất trong 9 năm là 11,18 triệu tấn trong tháng 10.
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thép của nước này đã tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2023 lên 101,15 triệu tấn, và tăng 12% so với tổng số 90,26 triệu tấn của cả năm ngoái.
Trung Quốc đã nhập khẩu 473.000 tấn sản phẩm thép trong tháng trước, giảm 11,8% so với tháng 10 và giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước, với lũy kế 11 tháng đạt 6,19 triệu tấn, giảm 11,3% so với năm trước, theo Reuters.
N.Hao
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716646209