Chủ nhật, 22-12-2024 - 23:19 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường cacao toàn cầu đối mặt thách thức kép 

 Thứ năm, 5-12-2024

AsemconnectVietnam - Tương lai của ngành sản xuất cacao còn nhiều bất ổn khi biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến sản lượng, trong khi cây cacao rất nhạy cảm với thời tiết, đòi hỏi điều kiện trồng trọt rất cụ thể.

Nhu cầu tiêu thụ đang tăng cao trong khi sản lượng trên toàn cầu ngày càng giảm buộc nhiều nhà sản xuất thực phẩm phải tăng mạnh giá bán các sản phẩm chứa cacao.
Từ nhà máy tại bang Johor, Malaysia, công ty thực phẩm Italy Unigra sản xuất các nguyên liệu như chip chocolate và bột ca cao để xuất khẩu sang các thị trường châu Á như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.
Tuy nhiên, giá nguyên liệu cacao đã tăng gấp ba lần trong năm nay, buộc Unigra phải tăng gấp đôi giá bán các sản phẩm liên quan.
Ông Denis Cavrini, Giám đốc Thương mại Quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Unigra, cho biết nguyên liệu cacao của nhà máy chủ yếu được nhập từ Indonesia, nhưng sản lượng thu hoạch tại quốc gia này đã giảm một nửa từ năm 2015 đến 2023.
Theo dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán London (LSEG), giá xuất khẩu cacao của Indonesia đã tăng từ 3.400 USD/tấn vào đầu năm 2024 lên 6.500 USD/tấn vào tháng 9/2024, tạo áp lực lên các nhà sản xuất bánh kẹo trong khu vực.
Theo ông Jon Trask, Giám đốc điều hành (CEO) công ty công nghệ nông nghiệp Dimitra, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính khiến sản lượng cacao sụt giảm. Nhiệt độ cao, mưa thất thường và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang làm khó nông dân trồng ca cao.
Không chỉ ở Đông Nam Á, các khu vực sản xuất cacao lớn tại Tây Phi và Mỹ Latinh cũng gặp khó khăn do thời tiết bất lợi.
Báo cáo của Hiệp hội Cacao châu Á (CAA) cảnh báo khu vực này hiện thiếu nguồn cung cacao nội địa, buộc phải nhập khẩu từ các khu vực khác.
Ông Francisco Martin-Rayo, CEO của công ty nông nghiệp Helios, nhận định: "Giá cacao sẽ tiếp tục tăng khi các nhà sản xuất châu Á phải chịu chi phí vận chuyển cao hơn và cạnh tranh với người mua từ châu Âu và Mỹ."
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung, một số doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp thay thế.
Hãng sản xuất chocolate Pháp Valrhona đã ra mắt dòng sản phẩm không chứa bơ cacao bổ sung, chỉ sử dụng hạt ca cao và đường.
Prova Gourmet, một thương hiệu thực phẩm khác, cũng giới thiệu dung dịch hương vị ca cao giúp giảm tới 30% lượng bột cacao cần dùng, giúp tiết kiệm 15-20% chi phí nguyên liệu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn như Barry Callebaut đang hợp tác với Chính phủ Indonesia để thúc đẩy canh tác bền vững và cải thiện điều kiện sản xuất cacao.
Theo ông Elie Fouche, Phó chủ tịch phụ trách mảng ca cao tại Barry Callebaut: "Việc chia sẻ các phương pháp tốt nhất và ứng dụng công nghệ sẽ giúp ổn định chuỗi cung ứng."
Tuy nhiên, tương lai của ngành sản xuất cacao vẫn còn nhiều bất ổn khi biến đổi khí hậu tiếp tục tác động tiêu cực đến sản lượng, trong khi cây cacao rất nhạy cảm với thời tiết, đòi hỏi điều kiện trồng trọt rất cụ thể.
Các thách thức hiện nay buộc ngành công nghiệp chocolate phải tìm kiếm các giải pháp đổi mới để vượt qua khủng hoảng, bảo vệ nguồn cung và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng trên toàn cầu./.
Nguồn: Vietnamplus.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25716654161