Thứ năm, 21-11-2024 - 15:56 GMT+7  Việt Nam EngLish 

6 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 20/11/2024 

 Thứ tư, 20-11-2024

AsemconnectVietnam - Dưới đây là 6 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.

1. Quy định mới về mức trần lãi suất tiền gửi
1.1 Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định 2411/QĐ-NHNN ngày 01/11/2024 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 48/2024/TT-NHNN.
Theo đó, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 48/2024/TT-NHNN như sau:
- Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm.
- Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,25%/năm.
1.2 Mức lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đô la Mỹ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định 2410/QĐ-NHNN ngày 01/11/2024 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 46/2024/TT-NHNN.
Theo đó, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 46/2024/TT-NHNN như sau:
- Mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm.
- Mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0%/năm.
2. Quy định mới về hình thức tiền gửi rút trước hạn
Ngày 30/9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 47/2024/TT-NHNN sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2022/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trong đó có việc sửa đổi các hình thức tiền gửi rút trước hạn.
Theo đó, sẽ có 04 hình thức tiền gửi rút trước hạn, gồm:
- Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
- Tiền gửi có kỳ hạn.
- Chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành.
- Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
3. Thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ
Ngày 31/10/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 3278/QĐ-BGDĐT công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực giáo dục, đào tạo với nước ngoài thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, trình tự thực hiện thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được quy định như sau:
- Bước 1: Các bên liên kết nộp hồ sơ đến Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với hồ sơ liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ với nước ngoài (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và điểm e, khoản 1 Điều 13 Nghị định 99/2019/NĐ-CP).
- Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc dịch vụ bưu chính hoặc thư điện tử cho các bên liên kết để sửa đổi, bổ sung hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không hợp lệ.
- Bước 3: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ tổ chức thẩm định và ban hành Quyết định phê duyệt liên kết đào tạo với nước ngoài.
Xem chi tiết nội dung tại Quyết định 3278/QĐ-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.
4. Điều kiện thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập
Ngày 05/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, điều kiện thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập như sau: 
- Có địa điểm, cơ sở vật chất tối thiểu, đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Có kế hoạch giáo dục, tài liệu, học liệu đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động bảo đảm về số lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non.
- Quy mô của nhóm, lớp trong cơ sở giáo dục mầm non độc lập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài
Ngày 05/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Hiện hành tại Điều 6 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng liên kết giáo dục như sau:
Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, khoản 4 Điều 1 Nghị định 124/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định trên như sau:
- Đối tượng liên kết giáo dục
- Bên Việt Nam: Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
- Bên nước ngoài:
+ Cơ sở giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động ít nhất 05 năm ở nước ngoài tính đến ngày nộp hồ sơ và không vi phạm pháp luật của nước sở tại trong thời gian hoạt động, có giảng dạy trực tiếp, có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục;
+ Tổ chức cung cấp chương trình giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động cung cấp chương trình giáo dục mầm non hoặc phổ thông ít nhất là 05 năm tính đến ngày nộp hồ sơ xin thực hiện liên kết giáo dục.
6. Thủ tục cho phép trường đại học hoạt động đào tạo
Ngày 31/10/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 3277/QĐ-BGDĐT công bố thủ tục hành chính mới; sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế; bị bãi bỏ thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, trình tự thực hiện thủ tục cho phép trường đại học hoạt động đào tạo được quy định như sau:
- Trường đại học gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 97 Nghị định 125/2024/NĐ-CP qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu chính hoặc trực tiếp đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho trường biết để sửa đổi, bổ sung.
- Đối với hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định thực tế các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo của trường đại học.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có báo cáo thẩm định, nếu đủ điều kiện thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép trường đại học hoạt động đào tạo; nếu chưa đủ điều kiện thì bằng văn bản cho trường đại học và nêu rõ lý do.
Xem chi tiết nội dung tại Quyết định 3277/QĐ-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.
 Nguồn: thuvienphapluat.vn   

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715912605