Thứ năm, 21-11-2024 - 19:8 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản Việt Nam 10 tháng năm 2024 

 Thứ sáu, 15-11-2024

AsemconnectVietnam - Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 10 tháng năm 2024, rau quả và gạo là những mặt hàng nông sản đạt kim ngạch cao và tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 6,34 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước và vượt mức 5,7 tỷ USD ghi nhận của cả năm 2023.
Trong khi đó, xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2024 đạt gần 7,8 triệu tấn với kim ngạch 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Tình hình xuất khẩu rau quả của Việt Nam 10 tháng và dự báo năm 2024
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 6,34 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước và vượt mức 5,7 tỷ USD ghi nhận của cả năm 2023.
Sầu riêng tiếp tục là mặt hàng đóng góp lớn nhất, mang về hơn 3 tỷ USD trong kỳ đánh giá, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Các mặt hàng khác như chuối, xoài, thanh long và các sản phẩm chế biến cũng đóng vai trò quan trọng.
Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu đạt 3,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường như Thái Lan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng trưởng mạnh, với mức tăng hai chữ số.
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có khả năng đạt 3,5 tỷ USD - một cột mốc mà hiếm có loại trái cây nào đạt được.
Trong khi giá trị xuất khẩu dừa tươi không cao bằng sầu riêng, việc chấp thuận xuất khẩu dừa sang Trung Quốc gần đây đã dẫn đến những tín hiệu tích cực, với các doanh nghiệp ký kết các thỏa thuận hợp tác để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm này.
Theo nhận định của Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam Cao Bá Đăng Khoa, nhu cầu dừa tươi tại thị trường Trung Quốc có thể chia thành năm phân khúc, điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tiếp cận thị trường này, không giống như các thị trường như Hoa Kỳ và EU, nơi các doanh nghiệp đòi hỏi phải mạnh về nguồn lực, năng lực tiếp cận thị trường và hậu cần để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), Việt Nam có thể thu về 7,5 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả trong năm nay - con số cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận.
Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam 10 tháng năm 2024
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng năm 2024 đạt gần 7,8 triệu tấn với kim ngạch 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt trên 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm trên 45%. Đến cuối tháng 10/2024, Philippines nhập khẩu 2,91 tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Thị trường lớn tiếp theo là Indonesia và Malaysia. Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần.
Riêng Philippines, nước này đã nhập khẩu tổng cộng 3,68 triệu tấn gạo trong 10 tháng. Con số này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 là 2,84 triệu tấn và vượt qua tổng lượng gạo nhập khẩu trong cả năm 2023 của Philippines. Những tháng gần đây, lượng gạo nhập khẩu vào Philippines luôn ở mức cao, cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn đang rất lớn.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines nhận định trong những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục tăng cao do tiêu thụ trong nước tăng, trong khi mùa vụ cuối năm của Philippines đã bị thiệt hại bởi thiên tai. Dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong cả năm 2024 sẽ ở mức trên 4 triệu tấn.
Tuy giá xuất khẩu gạo Việt Nam gần đây có biến động nhưng ông Đỗ Hà Nam cho rằng cuối năm giá lúa gạo vẫn có thể tăng do nguồn cung trong nước bị hạn chế và bão lũ. Thị trường Philippines là thị trường nhập khẩu lớn gạo Việt Nam rất ưa chuộng gạo thơm nên dù thế giới có nguồn cung tăng từ Ấn Độ nhưng cũng không thay thế được.
CK
Nguồn: VITIC/Vietnamplus.vn/Vnexpress/congthuong.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715917478