Thứ sáu, 22-11-2024 - 3:7 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường dầu cọ thô thế giới tháng 10/2024 và dự báo 

 Thứ sáu, 1-11-2024

AsemconnectVietnam - Diễn biến giá: Giá dầu cọ thô kỳ hạn tháng 01/2025 tại Malaysia đóng cửa phiên 25/10 chốt ở 4.371 ringgit/tấn, và đây cũng là mức giá cao nhất trong 1 tháng qua. Mức thấp nhất của kỳ hạn này ở 4.051 ringgit/tấn phiên 27/9. Tính chung cả tháng, giá dầu cọ thô tăng 7,9%.

Cung - cầu

Indonesia

Indonesia là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, chiếm tới 54% nguồn cung trên thị trường dầu cọ toàn cầu. Sản lượng tại quốc gia này sụt giảm sẽ khiến xuất khẩu bị hạn chế và đồng thời hỗ trợ giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia FCPOc3 tăng.

Indonesia đã tăng tỷ lệ dầu cọ pha trộn vào nhiên liệu sinh học hồi năm ngoái lên 35% và triển khai trên toàn quốc từ ngày 01/8. Điều này sẽ nâng mức tiêu thụ dầu cọ lên kỷ lục ở 24,2 triệu tấn trong năm 2024 từ mức 23,2 triệu tấn của năm ngoái.

Tháng 8/2024, Bộ năng lượng Indonesia cho biết họ có kế hoạch tăng tỷ lệ pha trộn lên 40% vào tháng 1/2025, trong nỗ lực giảm nhập khẩu nhiên liệu và khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn nên cân nhắc kỹ lưỡng xu hướng sản xuất và xuất khẩu trước khi tăng lệnh pha trộn. Xuất khẩu tạo ra doanh thu hỗ trợ chương trình nhiên liệu sinh học.

Indonesia sẽ áp dụng một bộ thuế hàng tháng mới, nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của mặt hàng dầu cọ với các loại dầu ăn đối thủ. Theo đó, thuế xuất khẩu dầu cọ thô được áp dụng ở mức 7,5% giá theo quy định của chính phủ. Các sản phẩm dầu cọ tinh chế được áp dụng mức thuế thấp hơn, từ 3-6%.

Indonesia hiện đang áp dụng mức thuế suất từ 55 – 240 USD/tấn đối với dầu cọ thô xuất khẩu, tùy thuộc vào bộ khung giá hàng tháng. Điều này sẽ khiến dầu cọ Indonesia có sức cạnh tranh hơn, đặc biệt ở tháng 10 hiện tại. Indonesia đã thực hiện những thay đổi để cải thiện khả năng cạnh tranh của dầu cọ và tăng thêm giá trị cho trái cọ tươi. Đây là thay đổi cần thiết để cạnh tranh với các loại dầu thực vật cạnh tranh như dầu đậu tương và dầu hướng dương.

Các khoản thuế thu được để giúp tài trợ cho các chương trình dầu cọ như cấp tái canh cho các hộ nông dân nhỏ và cho chương trình nhiên liệu sinh học của đất nước.

Malaysia

Malaysia là nhà sản xuất cọ lớn thứ hai thế giới. Bộ Tài chính Malaysia đã cân nhắc cắt giảm thuế đối với các sản phẩm dầu cọ, do nhận thức được áp lực giá đối với các nhà sản xuất dầu cọ nội địa. Giá dầu cọ vượt quá 3.000 ringgit (718 USD)/tấn ở hầu hết các khu vực tại Malaysia và ở mức 3.500 ringgit (842)/tấn ở các bang Sabah và Sarawak trên đảo Borneo.
Tuy nhiên, khi Bộ đề xuất phương án này, các nhà sản xuất Malaysia vẫn sẽ gặp khó khăn. Mức thuế mới của Indonesia cùng với việc tăng thuế nhập khẩu dầu ăn của Ấn Độ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong những tháng tới, vì họ có khả năng mất một số thị phần vào tay đối thủ Indonesia.

Theo chính phủ, các nhà sản xuất Malaysia bị suy giảm ​​biên lợi nhuận do sự gia tăng các hiện tượng thời tiết bất lợi và tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài đã khiến chi phí sản xuất tăng gần gấp đôi, lên tới 3.000 ringgit (718 USD)/tấn.

Ấn Độ

Ấn Độ là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới và đáp ứng 70% nhu cầu dầu thực vật thông qua nguồn cung ứng nước ngoài. Ấn Độ nhập khẩu dầu cọ chủ yếu từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan, và mua dầu đậu tương, dầu hướng dương chủ yếu từ Argentina, Brazil, Nga và Ukraine. Việc giá dầu cọ thô Malaysia luôn duy trì ở mức cao, cùng với sự gia tăng của thuế nhập khẩu dầu thực vật từ Ấn Độ, khiến các thương nhân ở quốc gia Nam Á này phải hủy hàng trăm tấn dầu cọ và tìm nguồn thay thế. Theo Reuters, Ấn Độ đã hủy khoảng 100.000 tấn dầu cọ nhập từ Malaysia trong 3 tháng cuối năm 2024, do động thái tăng thuế nhập khẩu của New Delhi, khi giá tăng khiến họ phải chốt lời.

Việc hủy hợp đồng của Ấn Độ có thể khiến đà tăng giá dầu cọ FCPOc3 của Malaysia chững lại, nhưng cũng có thể hỗ trợ giá dầu đậu tương Boc2, khi một số nhà máy lọc dầu chuyển sang loại dầu này. Đầu tháng 9/2024, Ấn Độ đã tăng thuế nhập khẩu cơ bản đối với dầu thô và dầu ăn tinh chế thêm 20%, về cơ bản nâng tổng thuế nhập khẩu dầu cọ thô từ 5,5% lên 27,5%.

Trung bình, Ấn Độ nhập khẩu 750.000 tấn dầu cọ/tháng và lượng dầu cọ bị hủy chiếm 13,3% lượng nhập khẩu hàng tháng. Dầu cọ thô (CPO) được chào bán với giá khoảng 1.080 USD/tấn, bao gồm chi phí, bảo hiểm và cước phí vận chuyển (CIF) tại Ấn Độ cho đơn hàng giao tháng 10, tăng so với mức 980 USD – 1.000 USD một tháng trước. Theo một đại lý có trụ sở tại Mumbai, người tiêu dùng sẽ thích mua dầu đậu tương và dầu hướng dương rẻ hơn cho những tháng mùa đông, hơn là dầu cọ đắt tiền. Trong những tháng mùa đông, lượng dầu cọ nhập khẩu của Ấn Độ thường ở mức vừa phải, do dầu nhiệt đới đông đặc ở nhiệt độ thấp hơn.

Theo Hiệp hội chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA), lượng dầu cọ nhập khẩu trong tháng 9/2024 đã giảm hơn 33% xuống còn 527.314 tấn. Nhập khẩu dầu đậu tương giảm 15,4% xuống còn 384.382 tấn và nhập khẩu dầu hướng dương giảm 46,2% xuống còn 152.803 tấn, mức thấp nhất 10 tháng. Tổng lượng dầu thực vật nhập khẩu đã giảm hơn 30% xuống còn 1,1 triệu tấn. Dữ liệu của SEA cho thấy, nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ giảm khiến lượng dầu thực vật dự trữ nội địa nước này trong tháng 9/2024 xuống còn 2,45 triệu tấn từ mức 2,93 triệu tấn của tháng 8/2024.

Tổng kim ngạch nhập khẩu dầu ăn của quốc gia này tăng vọt lên 15 tỷ USD trong năm 2023/24 từ mức 2,2 tỷ USD vào năm 2006/07. Trong cùng kỳ, lượng dầu ăn nhập khẩu của Ấn Độ tăng lên mức 15,5 triệu tấn từ mức 4,37 triệu tấn. Ngày 3/10, Ấn Độ đã phê duyệt chương trình trị giá 101 tỷ rupee (1,2 tỷ USD) để tăng gấp đôi sản lượng dầu ăn trong nước trong vòng 7 năm, nhằm mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu đắt đỏ hơn. Để hạn chế nhập khẩu, trọng tâm chính của nhiệm vụ sẽ là thúc đẩy sản xuất các loại cây trồng chính như mù tạt, lạc, đậu tương, hướng dương và vừng và chính phủ cũng có kế hoạch tăng khai thác dầu từ các nguồn thứ cấp như hạt bông, cám gạo và dầu cây. Ngoài ra, chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạt giống chất lượng cao bằng các công nghệ toàn cầu như chỉnh sửa bộ gen.

Dự báo

Xuất khẩu dầu cọ của Indonesia được dự kiến ​​sẽ giảm trong năm 2024, do nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng khi lệnh pha trộn biodiesel cao hơn cùng sản lượng giảm nhẹ.

Theo Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI), xuất khẩu dầu cọ của nước này có thể chỉ đạt 30,2 triệu tấn trong cả năm 2024, giảm 2 triệu tấn so với một năm trước. Sản lượng dầu cọ trong năm 2024 có thế giảm 1 triệu tấn xuống còn 53,8 triệu tấn do thời tiết khô hạn khiến năng suất sụt giảm và diện tích không được mở rộng. Sản lượng dầu cọ được dự kiến ​​sẽ tăng 2,3 triệu tấn trong vụ 2024/25 so với vụ trước, với giá dầu đậu tương cạnh tranh dự kiến ​​sẽ cao hơn giá dầu cọ chậm nhất là vào tháng 6/2025.

Trong thời gian tới, các nhà sản xuất dầu cọ của Malaysia sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khi đối thủ Indonesia nhận được hỗ trợ về thuế từ chính phủ và việc Ấn Độ - thị trường nhập khẩu chính tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này.

Giá dầu cọ Malaysia có thể sẽ giao dịch trong khoảng từ 3.700 - 4.500 ringgit (885 - 1.053 USD)/tấn từ nay đến tháng 6/2025, do nhu cầu dự kiến ​​sẽ tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán và tháng lễ Ramadan. Nhu cầu dầu thực vật từ các ngành thực phẩm và năng lượng có khả năng tăng 6 triệu tấn vào năm 2024/25, chủ yếu là do mức tiêu thụ tăng ở Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Mỹ. Các yếu tố như giá dầu thô, điều kiện khí hậu chung và điều kiện thời tiết ở nhà sản xuất dậu tương hàng đầu Nam Mỹ sẽ ảnh hưởng đến giá dầu cọ. Ngoài ra, bất kỳ động thái nào của Ấn Độ nhằm giảm thuế vào cuối năm 2024 hoặc năm 2025 sẽ là yếu tố chính quyết định giá dầu cọ.

Trong báo cáo của Mạng lưới thông tin nông nghiệp toàn cầu (GAIN) được công bố ngày 4/10/2024, sản lượng dầu cọ của Malaysia trong niên vụ 2024/25 được ước tính đạt 19,2 triệu tấn, giảm so với mức 19,6 triệu tấn của niên vụ 2023/24, với diện tích thu hoạch còn lại là 5,13 triệu ha. Theo ước tính chính thức của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng dầu cọ của Malaysia niên vụ 2024/25 sẽ đạt 19,8 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với niên vụ 2023/24, với diện tích thu hoạch tăng 50.000 ha lên 5,6 triệu ha. Văn phòng Kuala Lumpur dự báo xuất khẩu dầu cọ của Malaysia năm 2024/25 là 15,7 triệu tấn, giảm 500.000 tấn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng tồn kho cuối kỳ sẽ tăng từ 2,25 triệu tấn trong năm 2023/24 lên gần 2,4 triệu tấn trong năm 2024/25. Lượng nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ trong năm 2024/25 có thể đạt từ 9 – 10 triệu tấn, do loại dầu nhiệt đới này có khả năng giành lại thị phần đã mất khi mức phí bảo hiểm tăng.

Năm 2024, lượng dầu hướng dương nhập khẩu của Ấn Độ tăng bất thường lên mức kỷ lục 3,6 triệu tấn, khi có mức giá mềm. Tuy nhiên, sang năm 2025, nhập khẩu loại dầu này có thể trở lại mức bình thường ở 3 triệu tấn. Nguồn cung dầu hướng dương dồi dào của Nga và Ukraina đã kéo giá xuống và khiến loại dầu này có sức cạnh tranh lớn. Lượng dầu đậu tương nhập khẩu sẽ vẫn ổn định trong năm 2025, ở quanh mức 3 triệu tấn của năm nay. Trong khi đó, sản lượng dầu đậu tương của Ấn Độ trong năm 2024 có thể tăng lên mức 11 triệu tấn từ mức 10 triệu tấn hồi năm ngoái, nếu thời tiết thuận lợi.

T.Hường

Nguồn: Vitic

 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715925804