Thị trường tôm thế giới tháng 10/2024 và dự báo
Thứ sáu, 1-11-2024AsemconnectVietnam - Diễn biến giá: Tại Trung Quốc, trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 1 - 7/10, giá tôm ở miền Nam Trung Quốc nhìn chung tăng nhẹ trong tuần 39, cho thấy lượng tồn kho giảm.
Tại Quảng Đông, vùng nuôi tôm lớn nhất, giá tôm 60 con tăng lên 43,1 NDT/kg (6,13 USD/kg). Giá tại Quảng Tây cũng tăng, với tôm 60 con ở mức 47 NDT/kg. Giá vẫn giữ nguyên ở Giang Tô ở mức 42 NDT/kg đối với tôm 60 con và Sơn Đông ở mức 33 NDT/kg. Với kỳ vọng lớn về nhu cầu trong kỳ nghỉ sau khi Bắc Kinh công bố biện pháp kích thích kinh tế gần đây , nhiều nông dân Trung Quốc đã hoãn thu hoạch, dẫn đến nguồn cung thấp và giá tăng ở hầu hết các khu vực.
Tại Indonesia, giá tiếp tục có xu hướng trái chiều, giá tôm cỡ lớn giảm và giá tôm cỡ nhỏ tăng, trong khi tại Ecuador, giá vẫn ổn định.
Tại Thái Lan, giá tôm thẻ chân trắng 60 con hiện đã tăng lên so với mùa hè, vượt qua giá tôm thẻ chân trắng ngoài Trung Quốc, đạt mức trung bình 4,61 USD/kg hai tuần cuối tháng 9. Đứng thứ hai là tôm thẻ chân trắng Việt Nam với giá 4,27 USD/kg, trong khi tôm Indonesia đứng thứ ba với giá 4,02 USD/kg.
Tại Ecuador, giá tôm thẻ chân trắng trong tuần 39 có giá trung bình tại trang trại thấp nhất trong số các nhà sản xuất tôm thẻ chân trắng lớn, với giá 3,30 USD/kg cho loại 60-70 con/kg và 3 USD/kg cho loại 50-60 con/kg.
Tại Ấn Độ, sau một thời gian ngắn tạm lắng, giá tôm nuôi tại bang Andhra Pradesh của Ấn Độ đã tăng vào đầu tuần thứ 40. Theo Aquaconnect, giá trung bình đã tăng lên 385 INR/kg (4,59 USD/kg) đối với tôm thẻ chân trắng loại 40 con, 325 INR/kg đối với tôm thẻ loại 60 con và 305 INR/kg đối với tôm thẻ loại 70 con. Giá tôm thẻ chân trắng Ấn Độ thường bắt đầu tăng vào tháng 10 và tháng 11 khi người mua ở Mỹ và Trung Quốc tích trữ hàng tồn kho cho kỳ nghỉ Giáng sinh và Tết Nguyên đán, trong khi chỉ có nguồn cung bổ sung hạn chế được đưa ra thị trường vì phần lớn vụ thu hoạch thứ hai trong năm thường được thu hoạch ở Ấn Độ trước cuối tháng 9.
Cung – Cầu
*Nhập khẩu tôm của Mỹ giảm
Trong tháng 8/2024, Mỹ đã nhập khẩu 66.299 tấn tôm, trị giá 535,2 triệu USD, giảm 10% về khối lượng và giảm 11% về giá trị so với tháng 8/2023. Tháng 8 đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp khối lượng giảm so với cùng kỳ năm ngoái sau một đợt tăng ngắn vào tháng 5. Giá trung bình là 3,82 USD/Lb so với 3,71 USD/Lb vào tháng 7/2024 và 3,69 USD/Lb trong tháng 6/2024. Giá tôm nhập khẩu đã giảm kể từ tháng 4/2022. Giá trung bình trong tháng 4, trước khi giảm là 4,73 USD/Lb.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu 478.537 tấn tôm, trị giá 3,7 tỷ USD, giảm 5% về khối lượng và giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023; trong tháng 8/2024 nhập khẩu nhiều nhất từ Ấn Độ 26.302 tấn trị giá 203,1 triệu USD, giảm 14% về cả khối lượng và giá trị. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu từ Ấn Độ 183.436 tấn tôm, tương đương 1,4 tỷ USD, giảm 2% về khối lượng và giảm 9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.Giá trung bình NK tôm Ấn Độ vào tháng 8 là 3,66 USD/Lb, tăng 0,01 USD so với tháng 8/2023.
Willem van der Pijl, người sáng lập Diễn đàn Tôm toàn cầu (GSF) cho rằng sản lượng tôm thẻ chân trắng của Ấn Độ có khả năng sẽ duy trì ở mức tương đương năm ngoái. Hiện tại, ngành này đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến dịch bệnh bùng phát và lũ lụt.
Ecuador là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Mỹ, đạt 15.462 tấn trị giá 107,2 triệu USD trong tháng 8/2024, khối lượng giảm 17% và giá trị giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu tôm từ Ecuador 127.308 tấn, tương đương 860,4 triệu USD, giảm 6% về khối lượng và giảm 6,7% về kim ngạch so với cùng năm ngoái. Giá trung bình NK tôm Ecuador trong tháng 8/2024 là 3,25 USD/Lb, tăng 0,3% so với mức tháng 7/2024 và tăng 4,2% so với tháng 8/2023.
Indonesia là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Mỹ, đạt 10.945 tấn với giá trị 84,3 triệu USD trong tháng 8/2024; giảm 7% về khối lượng và giảm 14% về giá trị so với tháng 8/2023.
*Nhập khẩu tôm của Trung Quốc giảm 24% trong tháng 9/2024
Nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc giảm mạnh vào tháng 9, với tổng khối lượng giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 66.149 tấn, trong khi giá trị giảm 26% xuống còn 327 triệu đô la, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.
Ecuador vẫn là nhà cung cấp chính mặc dù lượng hàng xuất khẩu trong tháng 9 giảm 12% xuống còn 49.956 tấn, chiếm khoảng 75% tổng lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng.
Giá NK trung bình tôm từ Ecuador giảm nhẹ 2% xuống còn 4,55 USD/kg.
Ấn Độ, theo truyền thống là nhà cung cấp tôm lớn thứ hai của Trung Quốc, chứng kiến khối lượng tháng 9 giảm mạnh 48% xuống còn 9.505 tấn, với giá trị giảm 49% xuống còn 50 triệu USD.
Trong số các nhà cung cấp nhỏ hơn, Indonesia chứng kiến sụt giảm mạnh nhất trong tháng 9, với khối lượng XK giảm 80% xuống chỉ còn 365 tấn. Tuy nhiên, sản phẩm của Indonesia có giá trung bình cao hơn 39% ở mức 7,85 USD/kg, cho thấy sự chuyển dịch sang các sản phẩm có giá trị cao hơn.
Venezuela nổi lên là nhà cung cấp lớn duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng tích cực vào tháng 9, với khối lượng tăng 22% lên 296 tấn, mặc dù là nguồn cung nhỏ. Giá XK trung bình trong tháng 9 đã giảm 2% xuống còn 4,95 USD/kg.
*Xuất khẩu tôm Bangladesh ngày càng giảm
Xuất khẩu tôm Bangladesh đã giảm từ khoảng 55.000 tấn vào 2016 xuống chỉ 25.000 tấn vào 2023, khi toàn ngành đối mặt với nhiều thách thức.
Xuất khẩu tôm đang gánh chịu sự khủng hoảng về nguồn cung và sự thiếu hụt trong tiếp cận thị trường. Khoảng 17.500 tấn trong tổng sản lượng của năm 2023 là tôm sú, và phần còn lại là tôm nuôi nước ngọt và tôm đánh bắt tự nhiên.
Thị trường EU chiếm 70% sản lượng xuất khẩu, Anh 12% và Mỹ là 6%.
Trong những thị trường này, Bangladesh bán chủ yếu cho ngành hàng thực phẩm, với yêu cầu về chất lượng và tính bền vững không quá khắt khe nhưng cực kì dễ bị ảnh hưởng bởi giá thành, khuyến khích người mua và nhà cung cấp giảm giá sâu, ảnh hưởng xấu tới chất lượng và độ tin cậy của tôm Bangladesh trên thị trường quốc tế.
Một lý do cho sự thiếu hụt nguồn cung ở Bangladesh là sự phát triển của thị trường trong nước. Sản xuất tôm ở Bangladesh tương đối ổn định ở mức 135.000 tấn, trong đó 70.000 tấn là tôm sú, 55.000 tấn là tôm nước ngọt, và khoảng 10.000 tấn là tôm đánh bắt tự nhiên.
Trước sự thiếu hụt về nguyên liệu tươi sống và giá tôm thấp, các nhà máy chế biến có nguy cơ phá sản, người dân mất việc và nông dân không được trả tương xứng với số lượng họ đánh bắt. Phần lớn các nhà xuất khẩu tôm Bangladesh thiếu đi tầm nhìn dài hạn, tạo ra một vòng luẩn quẩn khó phá vỡ.
Dự báo 2025
Theo công ty phân tích hải sản Kontali của Na Uy, sản lượng tôm thẻ chân trắng toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2024 và năm 2025. Dự kiến năm 2024 đạt 5,7 triệu tấn, và năm 2025 tăng 7% lên 6,1 triệu tấn. Trong đó, Ecuador vượt 1,4 triệu tấn; Ấn Độ tăng 2%/năm, vượt 1 triệu tấn; Trung Quốc đạt 900.000 tấn. Việt Nam hơn 600.000 tấn, tăng 6%. Indonesia giảm 5%, xuống còn 300.000 tấn. Năm 2025, Ecuador, Việt Nam và Ấn Độ dự kiến tăng sản lượng, trong đó Ấn Độ tăng 6%.
T.Hường
Nguồn: Vitic
Thị trường nông sản thế giới ngày 31/10: Giá tiêu tăng mạnh trở lại
Giá phân bón thế giới có thể tăng trong thời gian tới
Thị trường đậu tương thế giới tháng 10/2024
Thị trường lúa mì thế giới tháng 10/2024
Thị trường kim loại thế giới ngày 31/10: Giá vàng tăng lên cao kỷ lục
Thị trường ngô thế giới tháng 10/2024
Thị trường nông sản thế giới ngày 30/10: Giá cà phê tăng mạnh
Thị trường kim loại thế giới ngày 30/10: Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục
Thị trường nông sản thế giới ngày 29/10: Giá ca cao phục hồi từ mức thấp nhất trong 8 tháng, giá cà phê giảm tuần thứ 4 liên tiếp
Trung Quốc nhập khẩu đậu tương với tốc độ gần kỷ lục vào tháng 9/2024
Thị trường kim loại thế giới ngày 29/10: Giá vàng giảm nhẹ khi thị trường chờ đợi dữ liệu kinh tế Mỹ
Worldsteel: Tiêu thụ thép không gỉ toàn cầu sẽ tăng 4% vào năm 2024
Sản lượng thép toàn cầu trong tháng 9 giảm 4,7%
Vụ mùa lúa mì năm 2025 của Nga ước tính gần bằng mức của năm nay