Thứ sáu, 22-11-2024 - 0:46 GMT+7  Việt Nam EngLish 

BOJ sẽ tiếp tục bình thường hóa chính sách tiền tệ 

 Thứ ba, 29-10-2024

AsemconnectVietnam - Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết, sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa và việc tìm ra quy mô và thời điểm phù hợp để bình thường hóa chính sách tiền tệ là mối bận tâm hàng đầu của ngân hàng trung ương.

"Tôi đang nghĩ về quy mô bình thường hóa phù hợp trong tương lai và cách phân bổ tốt nhất tổng số đợt tăng lãi suất đó theo thời gian", ông Ueda cho biết tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington hôm thứ Tư (23/10).
Những phát biểu của ông Ueda càng củng cố thêm dấu hiệu cho thấy ngân hàng đang tìm kiếm thời điểm phù hợp để tiếp tục tăng lãi suất, mà hầu hết thị trường đều kỳ vọng sẽ diễn ra vào đầu năm sau.
BOJ được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 31/10. Các nhà đầu tư sẽ xem xét cuộc họp này để dự đoán bất kỳ ý định nào nhằm nâng lãi suất vào tháng 12 hoặc tháng 1.
Việc BOJ tăng lãi suất vào tháng 7 và đưa ra dự báo về khả năng tăng lãi suất thêm nữa được xem là nguyên nhân góp phần gây ra làn sóng biến động thị trường toàn cầu vào đầu tháng 8, khi việc thu hồi các vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên diễn ra ồ ạt.
BOJ đã chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 3 và đưa ra đợt tăng lãi suất vào tháng 7 với quan điểm rằng đất nước đang đạt được tiến triển hướng tới mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.
Thống đốc Ueda cho biết, ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế diễn biến theo đúng dự báo. Nhưng ông cũng nhấn mạnh đến nhu cầu phải xem xét kỹ lưỡng những bất ổn toàn cầu, chẳng hạn như triển vọng kinh tế của Mỹ khi xác định thời điểm tăng lãi suất tiếp theo.
Kỳ vọng giảm dần về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất mạnh tay cùng với triển vọng chi phí vay vốn ở mức thấp kéo dài tại Nhật Bản, đã khiến đồng yên chịu áp lực.
Sau khi phục hồi từ mức thấp nhất trong ba thập kỷ gần 162 mỗi đô la vào đầu tháng 7, đồng yên tiếp tục giảm xuống khoảng 153 trong tuần này, điều này đang gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách lo ngại về tác động của chi phí nhập khẩu tăng đối với nền kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato đã đưa ra cảnh báo mới về tình trạng đầu cơ tiền tệ vào thứ Năm (24/10).
"Tôi đã nói với cuộc họp G20 rằng sự biến động vẫn ở mức cao trên thị trường tiền tệ… Tôi cũng nói rằng các nhà chức trách phải cảnh giác với tác động lan tỏa của chính sách kinh tế vĩ mô của từng thành viên G20 và sự biến động tỷ giá hối đoái quá mức do đầu cơ gây ra", ông cho biết.
Lãi suất tăng ở Nhật Bản - vốn là nguồn cung cấp vốn giá rẻ trên toàn thế giới - sẽ có tác động rất lớn đến thị trường toàn cầu. Việc BOJ tăng lãi suất vào tháng 7 đã gây ra sự đảo ngược lớn trong các giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên khiến thị trường chao đảo.
Hôm thứ Năm (24/10), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thúc giục BOJ tiến hành tăng lãi suất với tốc độ dần dần, xét đến quy mô tiềm tàng của những động thái như vậy đối với nền kinh tế toàn cầu.
"Với rủi ro cân bằng đối với lạm phát, các đợt tăng lãi suất chính sách tiếp theo nên được tiến hành theo tốc độ dần dần", Krishna Srinivasan, giám đốc Bộ phận Châu Á và Thái Bình Dương của IMF phát biểu tại cuộc họp báo về triển vọng chính sách của ngân hàng trung ương Nhật Bản trong các cuộc họp thường niên của IMF và WB.
Việc tăng lãi suất chính sách của BOJ có thể dẫn đến sự lan tỏa đến các thị trường tài chính của các quốc gia khác mà các nhà đầu tư Nhật Bản nắm giữ các vị thế lớn.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715923505