Thứ tư, 30-10-2024 - 18:18 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo trước Quốc hội về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) 

 Thứ năm, 24-10-2024

AsemconnectVietnam - Chiều ngày 21/10, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo trước Quốc hội về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết
Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 129 ngày 08/6/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 25/9/2024 Chính phủ đã có Tờ trình số 520 và Tờ trình tóm tắt số 521 cùng hồ sơ Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội. Cụ thể, Luật Điện lực được ban hành năm 2004 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2012, 2018, 2022 và năm 2023. Tuy đã có 4 lần sửa đổi, bổ sung và mỗi lần đã giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, song hiện nay nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không thể giải quyết được các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. 
Nghị quyết số 937 ngày 13/12/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực điện lực và đề nghị cần có các quy định, cơ chế tổng thể để giải quyết những bất cập, vướng mắc nêu trên, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng theo xu hướng xanh đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế chủ đạo, tác động rất lớn đến sự phát triển của ngành điện lực nước ta.  
Mặt khác, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng; nhiều Luật mới có liên quan cũng đã được sửa đổi, bổ sung.
Vì vậy, theo Bộ trưởng, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng; đồng thời, khắc phục được những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để có thể đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân.
Về mục đích, quan điểm xây dựng Luật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) là để kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững lĩnh vực điện lực. Sửa đổi toàn diện, đồng bộ các quy định của Luật Điện lực theo hướng vừa bảo đảm kế thừa các quy định “đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình và đã được kiểm chứng qua thực tiễn”; bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở; bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng phù hợp với tình hình mới gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.
Dự thảo Luật này không có nội dung trái Hiến pháp, không có chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong chính sách và bảo đảm tương thích với các điều ước/cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Về quá trình xây dựng Luật, Bộ trưởng cũng cho biết, quá trình xây dựng hồ sơ dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các đối tượng chịu sự tác động và ý kiến nhân dân để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật cùng các hồ sơ tài liệu có liên quan, báo cáo Chính phủ thống nhất thông qua, trình Quốc hội tại Tờ trình số 380, ngày 07/8/2024.
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Uỷ ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường và các cơ quan của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị ĐBQH chuyên trách cũng đã thảo luận cho ý kiến.
Trên cơ sở tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và ý kiến của các Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương rà soát, chỉnh lý các báo cáo, tài liệu trong hồ sơ dự án Luật và có Tờ trình số 520 ngày 25/9/2024 trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại Kỳ họp này.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bám sát 6 chính sách lớn
Về bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo Luật đã bám sát 06 chính sách lớn được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội thông qua, bao gồm: (i) Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. (ii) Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. (iii) Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực. (iv) Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường. (v) Quản lý, vận hành hệ thống điện; chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm; tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; (vi) An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Dự thảo Luật gồm 09 Chương, 130 Điều (giảm 01 Chương và tăng 60 Điều so với Luật Điện lực hiện hành).
Việc tăng các Điều, Khoản trong dự thảo Luật chủ yếu và thực chất là các quy định mới để mở đường cho việc khai thác phát triển mạnh mẽ tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước; phát triển thị trường điện cạnh tranh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; bổ sung quy định việc đầu tư xây dựng công trình điện khẩn cấp nhằm bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia và chế tài xử lý nghiêm các dự án điện chậm tiến độ”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ và cho biết thêm về nội dung các chương.
Cụ thể, Chương I. Quy định chung, có 08 Điều. Nội dung chủ yếu về: (i) Chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, chuyển dịch năng lượng và các cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. (ii) Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về giá điện, áp dụng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng sử dụng điện và trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh; chính sách phát triển điện lực phục vụ vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn. (iii) Bổ sung giải thích từ ngữ một số khái niệm liên quan đến hoạt động điện lực.
Chương II. Quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực, có 04 Mục, 22 Điều. Nội dung chủ yếu về: (i) Yêu cầu đặc thù của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong Quy hoạch tỉnh; (ii) Bổ sung cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện, theo dõi tiến độ và cơ chế xử lý các dự án chậm tiến độ; (iii) Bổ sung quy định việc đầu tư, xây dựng công trình điện khẩn cấp nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện.
Chương III. Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, có 2 Mục, 16 Điều. Đây là Chương được bổ sung mới nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đặc biệt là điện tự sản, tự tiêu và điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân và hydozen.
Chương IV. Giấy phép hoạt động điện lực bao gồm 13 Điều quy định cụ thể việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện theo phân cấp giữa cấp trung ương và địa phương.
Chương V. Hoạt động mua bán điện, có 03 Mục, 29 Điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung trong Chương này chủ yếu về: (i) Hợp đồng kỳ hạn điện; (ii) Mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện; (iii) Quyền và nghĩa vụ của đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh; (iv) Giá điện và giá các dịch vụ về điện theo các cấp độ thị trường điện cạnh tranh.
Chương VI. Vận hành, điều độ Hệ thống điện quốc gia, có 13 Điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung trong Chương này chủ yếu về vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, liên kết lưới điện với nước ngoài và quản lý nhu cầu điện.
Chương VII. Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện, có 03 Mục, 22 Điều. Nội dung chủ yếu về (i) Bảo vệ an toàn công trình nguồn điện; (ii) Kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện; (iii) Yêu cầu chung về an toàn điện; đồng thời, bổ sung 01 mục mới (với 06 Điều) về an toàn theo đặc thù trong lĩnh vực thủy điện mà Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước hiện hành chưa quy định.
Chương VIII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực, có 04 Điều, quy định về trách nhiệm và nội dung quản lý nhà nước về điện lực theo nguyên tắc phân cấp, bảo đảm cụ thể, công khai, minh bạch.
Chương IX. Điều khoản thi hành, có 03 Điều, trong đó bổ sung 01 Điều quy định chuyển tiếp nhằm bảo đảm việc áp dụng pháp luật được thống nhất, không có khoảng trống pháp lý khi Luật này có hiệu lực.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, do yêu cầu cấp thiết cần hoàn thiện và ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) trong thời gian sớm nhất để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng điện trong giai đoạn trước mắt đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại Kỳ họp này theo quy trình 01 kỳ họp.
Ngay sau khi Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội ban hành, Chính phủ sẽ giao Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan triển khai ngay việc hoàn thiện, ban hành văn bản pháp luật mới ở cấp độ dưới luật để hướng dẫn thực thi Luật được đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch Điện 8 theo hướng phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời) để khai thác tối đa tiềm năng của đất nước và tạo sự chủ động trong cung ứng điện, đồng thời hướng tới phát triển một số nguồn năng lượng mới (điện hạt nhân và hydrogen)”- Bộ trưởng nhấn mạnh. 
Nguồn: moit.gov.vn

  PRINT     BACK
 Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long tiếp và làm việc với Đại sứ Phần Lan và Tập đoàn Wartsila
 Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long tiếp xã giao Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Prahova, Rumani
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất nhiều giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024
 Hội nghị Hội đồng cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 24
 Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại một số hoạt động chính thức trong khuôn khổ chương trình chuyên thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ
 Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu Ai-len
 Bộ Công Thương và Bộ Kinh doanh, Thương mại và Việc làm Ai-len ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế, thương mại
 Thứ trưởng Phan Thị Thắng nêu 6 giải pháp phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài tiếp bà Sarah Kemp - Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ quốc tế toàn cầu, Tập đoàn Intel Corp
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hội kiến Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc
 Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long tiếp và làm việc với Thị trưởng London Michael Mainelli
 Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long tiếp Trợ lý Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Nam Á và Thái Bình Dương
 Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm việc với Đại sứ Na Uy tại Việt Nam
 Thực thi các FTA thế hệ mới: 7 khuyến nghị về Phòng vệ thương mại
 Lễ công bố xuất khẩu chanh leo sang Australia

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715411833