Thứ bảy, 26-10-2024 - 6:51 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường nông sản thế giới ngày 22/10: Giá cà phê tiếp tục tăng 

 Thứ ba, 22-10-2024

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 21/10 giá cà phê, giá ngô, giá đậu tương, giá dầu cọ tăng, trong khi giá tiêu đi ngang, giá cao su biến động nhẹ.

Cà phê tiếp tục tăng
Trên sàn London, giá Robusta giao tháng 11/2024 giữ tại mức 4.702 USD/tấn. Và kỳ hạn giao tháng 1/2025 neo ở ngưỡng 4.615 USD/tấn.
Còn trên sàn New York, giá Arabica giao tháng 12/2024 duy trì tại ngưỡng 257,30 cent/lb. Và kỳ hạn giao tháng 3/2025 đi ngang; ở mức 257,30 cent/lb.
Giá cà phê thế giới hôm nay không có biến động mới. Tuần qua, thị trường biến động trái chiều khi giá Robusta kỳ hạn giao tháng 11 giảm tới 124 USD/tấn; còn giá Arabica kỳ hạn giao tháng 12 lại tăng tới 5,25 cent/lb.
Theo các chuyên gia, đồng USD tăng và lượng mua khống trên 2 sàn mạnh đã khiến cà phê giảm giá liên tiếp trong những tuần qua.
Tiêu đi ngang
Tại Indonesia, giá hạt tiêu đen Lampung duy trì ở mức 6.794 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này neo tại ngưỡng 9.302 USD/tấn.
Giá hồ tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia có mức 8.700 USD/tấn; còn hồ tiêu trắng ASTA của quốc gia này có giá 11.200 USD/tấn.
Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 giao dịch với ngưỡng 6.400 USD/tấn.
Tại Việt Nam, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 g/l giao dịch ở mức 6.500 USD/tấn; còn loại 550 g/l có mức 6.800 USD/tấn. Còn giá hồ tiêu trắng xuất khẩu đang ở mốc 9.500 USD/tấn.
Tuần qua, thị trường tiêu biến động trái chiều. Trong đó, chỉ có giá tiêu Indonesia tăng thêm từ 0,9 - 3,3%.
Ở chiều ngược lại, giá hồ tiêu đen Brazil ASTA 570 giảm tới 5,7%; tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam mất tới 3,6%. Các quốc gia còn lại vẫn duy trì ổn định.
Ngô, đậu tương tăng, lúa mì giảm
Trên Sở giao dịch Chicago, giá đậu tương tăng 11 US cent lên 9,81 USD/bushel và ngô tăng 4-3/4 US cent lên 4,09-1/2 USD/bushel. Hợp đồng lúa mì giao dịch nhiều nhất giảm 1/2 US cent xuống 5,72-1/4 USD/bushel.
Giá ngô và đậu tương trên Sàn giao dịch Chicago tăng do giá giảm gần đây thu hút nhu cầu từ khách hàng nước ngoài đối với ngũ cốc và đậu tương Mỹ.
Giá lúa mì tăng giảm đan xen với sự hỗ trợ lan tỏa từ giá ngô, những lo ngại dai dẳng về hạn hán ở các vùng trồng lúa mì chính và các hạn chế xuất khẩu của Nga.
Dầu cọ tăng
Giá dầu cọ Malaysia tăng vào thứ Hai, phục hồi sau hai phiên giảm, được hỗ trợ bởi ước tính xuất khẩu dầu cọ của nước này tăng trong khi sản lượng dự đoán sẽ giảm theo mùa vụ.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 1/2025 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 46 ringgit, tương đương 1,08%, lên 4.301 ringgit (1.000,23 USD)/tấn.
Hợp đồng này đã giảm 1,3% trong hai phiên liên tiếp trước đó.
Ước tính xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia tăng từ 8,7% đến 9,5% trong giai đoạn từ ngày 1 đến ngày 20 tháng 10, so với cùng kỳ một tháng trước.
Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB) đầu tháng này đã báo cáo sản lượng dầu cọ thô đã giảm 3,8% trong tháng 9 so với tháng 8, trong khi xuất khẩu dầu cọ tăng 0,93%.
Cao su biến động nhẹ
Trên Sở Giao dịch Osaka (OSE), giá cao su RSS 3 giao tháng 3 giảm 4,5 yen/kg, tương đương 1,1% so với cuối tuần trước, xuống còn 391,4 yen/kg.
Tại Thái Lan, giá cao su RSS 3 kỳ hạn tháng 11 tại Bangkok giảm nhẹ 0,4%, đạt 90,9 Baht/kg.
Ngược lại, hợp đồng cao su thiên nhiên trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) - Trung Quốc tăng nhẹ 65 nhân dân tệ/tấn, tương đương 0,4%, lên mức 18.170 nhân dân tệ/tấn.
Ngày 21/10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) đã cắt giảm lãi suất cơ bản 25 điểm, đúng như dự kiến của phần lớn chuyên gia, sau khi giảm các lãi suất chính sách khác vào tháng trước như một phần của gói các biện pháp kích thích kinh tế.
Dữ liệu công bố vào thứ 6 tuần trước cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý III tốt hơn một chút so với kỳ vọng, mặc dù đầu tư vào bất động sản đã giảm hơn 10% trong 9 tháng đầu năm. Doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng trong tháng 9.
Giá dầu ổn định trong phiên giao dịch ngày hôm nay, sau khi giảm hơn 7% vào tuần trước do lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, và lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông giảm bớt.
Cao su thiên nhiên thường chịu sự chi phối của giá dầu vì phải cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được làm từ dầu thô.
Trong khi đó, đồng yen giảm 0,1% xuống còn 149,32 yen/USD, khi đồng USD có vẻ sẽ tiếp tục tăng trên các thị trường trong bối cảnh chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra trong hai tuần nữa.
Đồng tiền Nhật Bản yếu hơn khiến tài sản tính bằng yen trở nên hấp dẫn hơn với người mua ở nước ngoài.
Còn theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Cao su Campuchia, xuất khẩu cao su của Campuchia trong 9 tháng đầu năm đạt 248.535 tấn, tăng 2,4% so với 242.654 tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu từ xuất khẩu cao su trong quãng thời gian trên đạt 394 triệu USD, tăng 18% so với 332,6 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu trung bình cao su là 1.586 USD/tấn, tăng 215 USD/tấn so với cùng kỳ.
Cao su của nước này chủ yếu được xuất khẩu sang Malaysia, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, Campuchia có tổng cộng 407.172 ha đồn điền cao su, trong đó 320.184 ha hay 78,6% là có thể thu hoạch.
N. Hao
Nguồn: VITIC













 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715318632