Thứ bảy, 26-10-2024 - 6:51 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Xuất nhập khẩu của Việt Nam 9 tháng đầu năm và dự báo năm 2024 

 Thứ ba, 8-10-2024

AsemconnectVietnam - Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, xuất khẩu đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% và nhập khẩu đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3%.

Cán cân thương mại 9 tháng năm 2024 xuất siêu là 20,79 tỷ USD.
Riêng trong tháng 9/2024, trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 65,81 tỷ USD, giảm 8% (tương ứng giảm 5,72 tỷ USD) so với tháng trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% (tương ứng giảm 3,74 tỷ USD) so với tháng 8/2024; trị giá nhập khẩu đạt 31,76 tỷ USD, giảm 5,9% (tương ứng giảm 1,98 tỷ USD) so với tháng trước. Cán cân thương mại tháng 9/2024 Việt Nam ghi nhận mức xuất siêu 2,29 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 39,91 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 41,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại 9 tháng đầu năm ghi nhận mức xuất siêu 20,79 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu hiện nay, nhóm nông sản và khoáng sản chỉ chiếm 12%; nhóm công nghiệp chiếm trên trên 88%. Như vậy, xuất khẩu tăng cao chủ yếu do xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp tăng cao. Điều này phản ánh đúng với những mục tiêu mà các chiến lược, kế hoạch xuất nhập khẩu đề ra.
Sản xuất nông nghiệp cũng đang có nhiều dấu hiệu khả quan, dù biến đổi khí hậu vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhờ đó, Việt Nam có nguồn nông sản dồi dào phục vụ xuất khẩu trong bối cảnh giá xuất khẩu đang tăng cao.
Thời gian tới, chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai các giải pháp thông tin sớm về thị trường, đồng thời, bảo vệ cho hàng hoá xuất khẩu bằng việc tăng cường cảnh báo sớm các giải pháp phòng vệ thương mại.
Dự báo xuất khẩu năm 2024
Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá có thể đạt 800 tỷ USD.
Đến thời điểm này, Việt Nam có gần 50 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ USD. Kết quả có được từ chính sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, sự vào cuộc của cơ quan chức năng và chính sách thương mại từ các quốc gia xuất khẩu chủ lực.
“Chúng tôi duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng xuất khẩu của Việt Nam từ nay tới cuối năm”, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT – chia sẻ và phân tích, thứ nhất, việc Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc đang thúc đẩy hoạt động xuất khẩu từ các nước ASEAN, bao gồm cả Việt Nam. Số liệu cho thấy thị trường Mỹ dẫn đầu về tăng trưởng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm nay với mức tăng tới 26% so với cùng kỳ.
Thứ hai, dòng vốn đầu tư từ Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc cũng tăng trưởng tích cực, cho thấy xu hướng dịch chuyến sản xuất sang Việt Nam đang được thúc đẩy.
Thứ ba, chu kỳ nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu, được dẫn dắt bởi các ngân hàng thương mại lớn tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sẽ thúc đẩy tiêu dùng tại các thị trường này, từ đó gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, lạm phát hạ nhiệt tại nhiều nơi trên thế giới cũng đóng góp vào sự cải thiện của tiêu dùng. Thứ tư, các số liệu vĩ mô trong những tháng gần đây về IIP, PMI, đơn hàng xuất khẩu, FDI giải ngân,… cũng hé lộ về bức tranh xuất khẩu khả quan trong những tháng cuối năm 2024.
Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay có thể tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ, ông Đinh Quang Hinh dự báo, một số nhóm mặt hàng sẽ bứt phá trong xuất khẩu, bao gồm nông sản, thủy sản, dệt may, da giày do đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam và mức nền thấp của cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, những mặt hàng khác như linh kiện điện tử, máy vi tính, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng khả quan trong quý IV năm nay nhờ sự cải thiện của bức tranh kinh tế và môi trường đầu tư toàn cầu sau một loạt động thái nới lỏng chính sách tiền tệ gần đây.
Đồng quan điểm về vấn đề này, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta, từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố vĩ mô thuận lợi cho xuất nhập khẩu của Việt Nam phục hồi và bứt tốc. Nhiều ngành hàng sẽ được hưởng lợi từ động lực này như ngành cao su, dệt may, thuỷ sản, cảnh biển…
“Các doanh nghiệp cao su trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá trên thị trường thế giới. Đối với ngành dệt may, đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp tiếp tục được lấp đầy do tình hình căng thẳng chính trị ở Bangladesh đang có xu hướng hạ nhiệt. Tuy nhiên, việc hình thành Chính phủ mới sẽ mất nhiều thời gian để ổn định lại, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp may mặc sẽ chuyển một phần đơn hàng qua các nước khác để giảm thiểu rủi ro và dự kiến Việt Nam sẽ được hưởng lợi tự việc dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh. Trong khi đó tồn kho hàng may mặc Mỹ vẫn đang duy trì ở mức thấp so với năm 2022”, Chuyên gia của Chứng khoán Yuanta cho biết.
Mặc dù có nhiều điểm thuận lợi và được hỗ trợ từ nhiều yếu tố, tuy nhiên, vẫn còn những thách thức khó đoán định ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.
Theo đó, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn có thể gây ra những đứt gảy trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó có những tác động cả về mặt tiêu cực tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề giá cước vận tải biển có khả năng tăng nhiệt trở lại cũng sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Thận trọng và luôn có những phương án dự phòng để đảm bảo giữ nhịp xuất khẩu từ nay đến cuối năm là giải pháp được các doanh nghiệp được đưa ra lúc này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro và tác động từ việc quá tập trung vào một thị trường hay một nhà cung cấp nhất định.
CK
Nguồn: VITIC/congthuong.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715318632