Thứ hai, 28-10-2024 - 17:17 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường lúa mì thế giới tháng 9/2024 

 Thứ hai, 30-9-2024

AsemconnectVietnam - Giá lúa mì thế giới tháng 9/2024 diễn biến trái chiều ở các nước xuất khẩu lớn do lo ngại về sản lượng của nhiều nhà xuất khẩu lớn đã làm tăng nhu cầu đối với lúa mì từ Mỹ và Canada. Giá lúa mì Mỹ, Canada tăng trong khi giá của Úc, Achentina, Nga và EU giảm.

Cụ thể, giá lúa mì Mỹ tăng 18 USD/tấn lên 270 USD/tấn. Giá lúa mì Canada tăng 9 USD/tấn lên 269 USD/tấn do triển vọng sản xuất của Cơ quan Thống kê Canada giảm nhẹ so với kỳ vọng của thị trường và việc dừng đường sắt trong thời gian ngắn đe dọa làm gián đoạn xuất khẩu. Giá lúa mì Úc giảm 18 USD/tấn xuống 263 USD/tấn do sản lượng tăng và điều kiện được cải thiện ở Tây Úc. Giá lúa mì Achentina giảm 14 USD/tấn do điều kiện trồng trọt thuận lợi và việc trồng trọt hoàn tất trên diện tích lớn hơn năm ngoái. Giá lúa mì Nga giảm 4 USD/tấn xuống 218 USD/tấn với áp lực thu hoạch cân bằng với những lo ngại về chất lượng do thời tiết bất lợi. Giá lúa mì EU giảm 2 USD/tấn do vụ mùa ít hơn ở Pháp được cân bằng bởi nhu cầu toàn cầu chậm lại đối với hàng xuất khẩu của EU.
Về triển vọng lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2024/25, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hầu như không thay đổi dự báo so với tháng trước, đó là nguồn cung, tiêu thụ, thương mại và lượng dự trữ cuối kỳ lớn hơn.
Nguồn cung lúa mì toàn cầu dự kiến tăng 1,5 triệu tấn lên 1.062,1 triệu tấn vì lượng dự trữ đầu kỳ cao hơn bù đắp cho sản lượng thấp hơn. Lượng dự trữ đầu kỳ chủ yếu tăng ở Canada vì lượng dự trữ cuối kỳ 2023/24 của Canada theo Cơ quan thống kê nước này cao hơn đáng kể so với ước tính trước đó của USDA. Lượng dự trữ cuối kỳ của nước này cũng tăng đáng kể cho năm 2021/22 và 2022/23 dựa trên các lần điều chỉnh của Thống kê Canada.
Sản lượng lúa mì thế giới giảm 1,4 triệu tấn xuống còn 796,9 triệu tấn, nhưng vẫn là mức kỷ lục, vì mức giảm ở EU chỉ được bù đắp một phần bởi sản lượng cao hơn ở Úc và Ukraine. Sản lượng của EU giảm 4 triệu tấn xuống còn 124 triệu tấn do thời tiết thu hoạch không thuận lợi ở Pháp và Đức. Sản lượng của Úc tăng 2 triệu tấn lên 32 triệu tấn nhờ điều kiện thuận lợi ở Tây Úc, New South Wales và Queensland. Sản lượng của Ukraine tăng 0,7 triệu tấn lên 22,3 triệu tấn dựa trên dữ liệu thu hoạch do Bộ Nông nghiệp công bố.
Thương mại thế giới tăng 1,7 triệu tấn lên 216,5 triệu tấn do lượng xuất khẩu tăng của Úc, Canada và Ukraine bù đắp cho mức giảm của EU. Nhập khẩu tăng đối với Philippines, EU và Việt Nam.
Dự kiến lượng hàng tồn kho cuối kỳ toàn cầu năm 2024/25 tăng 0,6 triệu tấn lên 257,2 triệu tấn do lượng hàng tăng của Canada, Brazil và Kazakhstan, ngược lại giảm ở Úc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác.
Dự trữ toàn cầu được điều chỉnh tăng so với tháng trước, mặc dù vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 2015/16.
Triển vọng lúa mì của Mỹ năm 2024/25 không thay đổi so với dự báo tháng 8/2024. Đó là, nguồn cung thấp hơn, nhu cầu sử dụng trong nước tăng nhẹ, xuất khẩu không đổi và lượng hàng tồn kho cuối kỳ ít hơn. Nguồn cung giảm do sản lượng thấp hơn, giảm 26 triệu bushels xuống 1.982 triệu bushels, vì diện tích thu hoạch giảm chỉ được bù đắp một phần bởi năng suất trung bình cao hơn. Diện tích thu hoạch giảm 0,9 triệu mẫu Anh xuống còn 37,9 triệu và năng suất lúa mì tăng 0,4 bushels/ mẫu Anh lên 52,2 bushels/ mẫu Anh. Theo từng loại, sản lượng lúa mì cứng đỏ xuân, lúa mì cứng và lúa mì mềm đỏ đông giảm, trong khi sản lượng lúa mì cứng đỏ đông và trắng tăng. Lượng hàng tồn kho cuối kỳ dự kiến giảm 28 triệu bushels xuống 828 triệu bushels. Giá lúa mì trung bình theo mùa của Mỹ không đổi ở mức 5,7 USD/bushel.
Tại Nga, Công ty tư vấn Sovecon của Nga đã nâng dự báo về vụ mùa lúa mì năm 2024 của nước này lên 82,9 triệu tấn từ mức 82,5 triệu tấn trước đó do năng suất dự kiến cao hơn.
Trong khi đó, Ủy ban Châu Âu đã cắt giảm ước tính về sản lượng lúa mì tại EU trong năm 2024/25 xuống còn 116,1 triệu tấn từ mức 120,8 triệu tấn dự báo một tháng trước, vẫn là mức thấp nhất trong bốn năm, Xuất khẩu lúa mì thường hoặc lúa mì mềm của EU trong năm 2024/25 ước tính cũng xuống còn 26 triệu tấn từ 32 triệu tấn dự kiến vào cuối tháng 7/2024 và 35,1 triệu tấn trong mùa vụ 2023/24.
Bộ nông nghiệp Ukraine đã điều chỉnh giảm dự báo diện tích gieo trồng lúa mì mùa đông năm 2025 xuống còn 4,48 triệu ha so với triển vọng trước đó là 4,69 triệu ha.
USDA dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu trong năm 2024/25 tăng 0,9 triệu tấn lên mức kỷ lục 804,9 triệu tấn, chủ yếu do lượng thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác cao hơn ở Philippines, Việt Nam, Úc, Canada và Vương quốc Anh, ngược lại giảm ở EU.
Theo USDA, Ai Cập dự kiến sẽ nhập khẩu 12 triệu tấn lúa mì trong năm 2024/25, giảm nhẹ so với năm trước mặc dù có một cuộc đấu thầu lớn gần đây của chính phủ. Gần một nửa lượng nhập khẩu của Ai Cập được chính phủ mua thông qua Tổng cục cung ứng và hàng hóa (GASC). Vào tháng 8/2024, GASC đã tìm cách tận dụng các báo giá xuất khẩu tương đối thấp từ các nhà cung cấp Biển Đen và cố gắng mua 3,8 triệu tấn lúa mì. Tuy nhiên, khối lượng thực tế được mua theo cuộc đấu thầu này thấp hơn đáng kể, chỉ 280.000 tấn, vì người bán không đồng ý với các điều khoản thanh toán dài hạn của Ai Cập. GASC đã mong muốn nhập khẩu 3,8 triệu tấn vào cuối năm 2024. Nếu thực hiện được, khối lượng này cùng với 2,4 triệu tấn đã nhập khẩu, sẽ tương đương với lượng mua thông thường của GASC trong một năm chỉ trong vòng 6 tháng.
Chính phủ Ai Cập đã tìm cách cắt giảm chi tiêu của chính phủ cho lúa mì, do tình hình kinh tế vĩ mô đầy thách thức của nước này. Ai Cập tiếp tục gặp phải tình trạng thiếu hụt tiền tệ và lạm phát vào năm 2024. Ngoài ra, sự suy giảm các tàu chở hàng đi qua Kênh đào Suez do các cuộc tấn công của Houthi bắt đầu vào tháng 12/2023 cũng gây ra tình trạng thiếu hụt doanh thu. Kể từ đó, tình hình kinh tế của Ai Cập tiếp tục xấu đi. Tuy nhiên, vào tháng 3/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tăng thỏa thuận Quỹ Mở rộng của Ai Cập và kể từ đó đã có thêm đầu tư nước ngoài. Các khoản đầu tư này đã cung cấp nguồn vốn rất cần thiết cho chính phủ Ai Cập, cho phép nước này tiếp tục nhập khẩu lúa mì với khối lượng bình thường.
N.Nga
Nguồn: VITIC/USDA/Reuters/Spglobal
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715366301