Thứ hai, 28-10-2024 - 19:21 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường nông sản thế giới ngày 26/9: Giá cao su lập đỉnh mới 

 Thứ năm, 26-9-2024

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 25/9 giá cà phê, giá ngô, giá lúa mì, giá đậu tương, giá cao su, giá đường tăng, trong khi giá tiêu trái chiều.

Cà phê tăng phiên thứ 2 liên tiếp
Trên sàn London, giá cà phê robusta hợp đồng giao tháng 11 tiếp tục tăng 0,7% (36 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước, lên mức 5.312 USD/tấn; hợp đồng giao tháng 1/2025 cũng tăng 32 USD/tấn, đạt 5.035 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 12 đã tăng 1,6% trong phiên giao dịch vừa qua, lên mức 267,8 US cent/pound; hợp đồng giao tháng 3/2025 tăng 1,7%, ở mức 265,85 US cent/pound.
Giá cà phê tiếp tục tăng trên cả hai sàn London và New York do lo ngại thời tiết bất lợi có thể ảnh hưởng đến vụ mùa cà phê ở Brazil và Việt Nam, hai quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới.
Theo comunicaffe, những cơn mưa đầu xuân là rất quan trọng để kích thích cây arabica nở hoa tại các vùng vành đai cà phê của Brazil.
Tuy nhiên, lượng mưa không đều đặn và không giúp giảm bớt tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở các đồn điền.
Theo Viện Khí tượng Quốc gia Brazil (Inmet), tháng 9 sẽ kết thúc mà không có bất kỳ lượng mưa mới đáng kể nào ở các khu vực phía Đông Nam, Đông Bắc và Trung Tây của nước này.
Công ty môi giới Escritório Carvalhaes cho biết “Chúng tôi biết chắc chắn rằng đã có thiệt hại và thiệt hại không hề nhỏ đối với quá trình hình thành vụ mùa 2025-2026 của Brazil”
“Nếu mưa đều hơn, thiệt hại sẽ giảm, nhưng chắc chắn sẽ không thể phục hồi được những gì đã mất”, công ty môi giới có trụ sở tại Santos nói thêm.
Tình hình thời tiết tại Việt Nam cũng ngày càng trở nên phức tạp.
Sự xuất hiện của La Niña có thể mang lại nhiều mưa hơn và làm chậm quá trình thu hoạch, đồng thời trì hoãn việc vận chuyển vụ mùa mới rất được mong đợi của Việt Nam cho đến đầu tháng 12 hoặc thậm chí muộn hơn, theo ông Daryl Kryst, Phó Chủ tịch phụ trách thực hiện và bán hàng hàng hóa tại công ty môi giới hàng hóa StoneX.
Ngoài yếu tố thời tiết, vụ mùa của Việt Nam còn đối mặt với hai thách thức dài hạn lớn. Thứ nhất là diện tích trồng cà phê đang bị thu hẹp do nông dân chuyển sang trồng các loại cây thay thế như sầu riêng và bơ trong vài năm qua.
Thứ hai là sự cạn kiệt nguồn nước ngầm, điều này rất quan trọng vì việc trồng cà phê ở Việt Nam phụ thuộc vào các giếng nước để tưới tiêu.
Lúa mì, ngô, đậu tương đồng loạt tăng
Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago, giá lúa mì đóng cửa tăng, giá phục hồi sau khi giảm trước đó bởi lo lắng về triển vọng mùa vụ tại Nga, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng như ở Ukraine.
Cụ thể, giá lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông giao tháng 12 đóng cửa tăng 11-1/4 US cent lên 5,89-1/4 USD/bushel sau khi chạm 5,91-1/4 USD - cao nhất kể từ ngày 16/9.
Đồng thời, giá đậu tương tăng do lo lắng về tình trạng khô hạn tại Brazil, nhà sản xuất hàng đầu thế giới.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 11 US cent lên 10,53-1/4 USD/bushel.
Theo đó, giá ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 tăng 3-1/2 US cent lên 4,15-1/4 USD/bushel.
Cao su lập đỉnh mới
Trên một số sàn giao dịch chủ chốt, giá cao su hôm nay tiếp tục tăng và lập đỉnh mới do nguồn cung toàn cầu vẫn thắt chặt. Tại trong nước, giá thu mua hôm nay ổn định sau hai ngày điều chỉnh tăng.
Điều kiện thời tiết bất lợi ở các khu vực sản xuất chính tiếp tục đẩy giá cao su trên các sàn giao dịch lên mức đỉnh mới trong phiên giao dịch ngày hôm nay.
Cụ thể, trên sàn giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản, giá cao su giao tháng 10 tăng 1,7 %, lên mức 393 yên/kg; Hợp đồng giao tháng 2/2025 cũng tăng 1,7% lên 385 yen/kg. Đây là mức giá cao nhất đạt được trong nhiều năm qua.
Tương tự, trên sàn giao dịch Thượng Hải – Trung Quốc (SHFE), giá cao su tự nhiên hợp đồng giao tháng 10 tăng 3,2% (515 nhân dân tệ/tấn), lên mức 16.845 nhân dân tệ/tấn; hợp đồng giao tháng 1/2025 tăng 520 nhân dân tệ/tấn, đạt 18.300 nhân dân tệ/tấn.
Tại Thái Lan, giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 10 tăng nhẹ 0,2%, đạt 93,8 Baht/kg.
Từ đầu năm 2024 đến nay, giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới đã tăng đáng kể. Chủ yếu do ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là nhiệt độ cao kéo dài và thời tiết khô hạn do hiện tượng El Niño gây ra tại các khu vực sản xuất chính ở Đông Nam Á.
Điều kiện khí hậu không thuận lợi này dẫn đến lượng mưa không đủ, từ đó hạn chế sản lượng cao su nguyên liệu và thắt chặt nguồn cung trên thị trường.
Mặc dù thời tiết đã được cải thiện trong nửa cuối năm nhưng mưa thường xuyên đã khiến công việc khai thác cao su gặp khó khăn và giá nguyên liệu thô vẫn ở mức cao gần đây.
Tại Thái Lan, lượng mưa lớn ở miền Bắc nước này dẫn đến nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và sản xuất cao su, cũng như vận chuyển của các nhà máy. Hiện tại, tồn kho nguyên liệu tại các nhà máy ở Thái Lan duy trì ở mức 1,5 đến 3 tháng.
Cơn bão Yagi trong tháng 9 vừa qua cũng tác động lớn đến sản xuất cao su tại Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, càng làm trì hoãn nguồn cung nguyên liệu dự kiến tăng trong mùa cao điểm.
Tại Trung Quốc, siêu bão Yagi đã khiến cho các vùng sản xuất cao su chính của Đảo Hải Nam như Lâm Cao và Trừng Mại bị thiệt hại tương đối nặng nề. Tập đoàn Cao su Hải Nam thông báo, khoảng 230.000 ha đồn điền cao su đã bị ảnh hưởng bởi bão, dự kiến sản lượng cao su khô sẽ giảm khoảng 18.000 tấn.
Mặc dù công việc khai thác cao su đã dần được nối lại nhưng thời tiết mưa vẫn ảnh hưởng đến việc giải phóng nguyên liệu, khiến sản lượng trên đảo khan hiếm, các nhà máy chế biến gặp khó khăn trong việc thu gom keo thô.
Tính đến ngày 18/9, giá thu mua mủ Hải Nam đạt 15.800 NDT/tấn, tăng 1.700 NDT/tấn, tương đương 12,06% so với trước khi bão đổ bộ.
Trong khi đó, tính đến ngày 8/9, tồn kho cao su thiên nhiên tại Trung Quốc là 1,19 triệu tấn, giảm 15.400 tấn (tương ứng giảm 1,27%) so với kỳ trước, theo Hiệp hội Cao su Thiên nhiên Trung Quốc.
Đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,3 US cent hay 1,3% lên 23,42 US cent/lb sau khi thiết lập mức cao nhất 7 tháng tại 23,57 US cent.
Tương tự, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 1,7 USD hay 0,3% lên 597,1 USD/tấn.
Dự đoán rằng nhà xuất khẩu đường hàng đầu Brazil sẽ bước vào một trong những thời kỳ giữa các vụ dài nhất trong nhiều thập kỷ do hạn hán lịch sử và cháy rừng lan rộng đã phá vỡ chiến lược kéo dài nhiều tháng của các nhà đầu cơ nhằm bán khống trên thị trường đường thô.
Tiêu trái chiều
Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu đen thế giới biến động trái chiều giữa các nhà cung cấp.
Tại Indonesia, giá tiêu đen Lampung tăng nhẹ 3 USD/tấn, lên mức 6.920 USD/tấn.
Ngược lại, tiêu đen Brazil ASTA 570 giảm 2,2% (150 USD/tấn) so với ngày hôm trước, xuống chỉ còn 6.750 USD/tấn. Đây cũng là mức giá thấp nhất trên thị trường hiện nay.
Giá tiêu đen 500 g/l và 550 g/l xuất khẩu của Việt Nam vẫn ổn định ở mức 6.800 - 7.100 USD/tấn. Tương tự, tiêu đen Kuching Malaysia được giao dịch ở mức cao nhất là 8.800 USD/tấn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hồ tiêu thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế. Brazil và Indonesia đang vào vụ thu hoạch, trong khi nhu cầu thế giới không tăng mạnh, cùng với việc Trung Quốc không mua nhiều dẫn đến giá chỉ có khả năng tăng nhẹ.
Về dài hạn, giá hạt tiêu xuất khẩu sẽ vẫn được hỗ trợ do sản lượng hạt tiêu vụ mùa 2025 của Việt Nam dự kiến giảm. Theo dự kiến, vụ hạt tiêu năm 2025 của Việt Nam sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, một số vùng kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1 - 2 tháng so với những năm trước, do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, khiến nguồn cung hạt tiêu ngày càng khó khăn.
N.Hao
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715368426