Thứ hai, 28-10-2024 - 23:22 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường kim loại thế giới ngày 13/9: Giá vàng lên mức cao kỷ lục 

 Thứ sáu, 13-9-2024

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 12/9 giá các mặt hàng đồng loạt tăng do triển vọng Fed hạ lãi suất.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng hơn 1% lên mức cao kỷ lục, do kỳ vọng về việc giảm lãi suất của Fed vào tuần tới sau khi dữ liệu của Mỹ báo hiệu nền kinh tế đang chậm lại.
Chốt phiên giao dịch ngày 12/9, giá vàng giao ngay tăng 1,7% lên 2.554 USD/ounce và giá vàng giao tương lai tăng 1,5% lên 2.580,6 USD.
Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu của tiểu bang đã tăng 2.000 đơn lên 230.000 đơn.
Ngoài ra, một báo cáo khác cho thấy giá sản xuất của Mỹ tăng nhẹ hơn dự kiến trong tháng 8 trong bối cảnh chi phí dịch vụ cao hơn, nhưng xu hướng này vẫn phù hợp với diễn biến lạm phát hạ nhiệt.
Ông Alex Ebkarian, giám đốc điều hành của Allegiance Gold, cho biết thị trường đang hướng tới một môi trường lãi suất thấp hơn nên vàng đang trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều và có thể có những đợt giảm lãi suất thường xuyên hơn thay vì mức độ giảm lớn hơn.
Công cụ CME FedWatch cho thấy các thị trường hiện đang đặt cược 73% khả năng Mỹ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 17 - 18/9 và 27% khả năng giảm 50 điểm cơ bản.
Vàng có xu hướng là một khoản đầu tư được ưu tiên trong môi trường lãi suất thấp hơn.
Theo ông Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường tại Blue Line Futures, thị trường lao động đang tiếp tục chững lại và nếu thị trường lao động xấu đi, hành trình nói lỏng chính sách tiền tệ của các nhà hoạch định chính sách sẽ còn kéo dài.
Ngày 11/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow nên xem xét hạn chế xuất khẩu uranium, titan và niken để trả đũa phương Tây.
"Palladium là thị trường sắp phục hồi trong thời gian ngắn. Ông Putin không đề cập đến palladium. Nhưng vì kim loại này là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất niken của Nga, nên việc hạn chế xuất khẩu như vậy có thể làm giảm sản xuất cả hai kim loại và làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt hiện tại trên thị trường palladium", chiến lược gia hàng hóa của WisdomTree, Nitesh Shah, nhận định.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 3,7% lên 29,76 USD và giá bạch kim tăng 3% lên 979,6 USD, mức cao nhất trong gần hai tháng, giá palladium tăng 4,1% lên 1.050 USD/ounce, đạt mức cao nhất trong hơn hai tháng.
Trên thị trường kim loại màu, giá đồng tăng lên mức cao nhất gần 2 tuần, do các dấu hiệu nhu cầu tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu Trung Quốc tăng và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất.
Cụ thể, trên sàn giao dịch kim loại London, giá đồng giao sau 3 tháng tăng 1,4% lên 9.215 USD/tấn, sau khi đạt 9.294,5 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 30/8/2024.
Tồn trữ đồng tại Thượng Hải trong hơn 3 tháng qua giảm 36% xuống 215.374 tấn – thấp nhất kể từ tháng 3/2024.
Đồng thời, trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá đồng kỳ hạn tháng 10/2024 tăng 1,5% lên 73.830 CNY (10.363,85 USD)/tấn.
Trên thị trường kim loại màu khác, giá nhôm tăng 1,8% lên 2.412 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 3/9/2024. Giá kẽm tăng 3,2% lên 2.858,5 USD/tấn cao nhất kể từ ngày 2/9/2024. Trong khi, giá Niken có hiệu suất kém nhất, tăng 0,2% lên 16.140 USD/tấn, giá chì tăng 2,3% lên 2.035 USD và giá thiếc tăng 1,3% lên 31.355 USD.
Trên thị trường sắt thép, giá quặng sắt cao nhất hơn 1 tuần. Cụ thể, trên sàn Đại Liên tăng lên mức cao nhất hơn 1 tuần, do triển vọng nhu cầu mùa vụ tại Trung Quốc được cải thiện, làm lu mờ lo ngại về nền kinh tế nước tiêu thụ hàng đầu hồi phục.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 tăng 3,97% lên 707 CNY (99,25 USD)/tấn. Trong phiên có lúc giá quặng sắt đạt 709 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 3/9/2024.
Đồng thời, trên sàn Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2024 tăng 1,95% lên 94,55 USD/tấn.
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần một năm rưỡi trong tháng 8, cho thấy các nhà sản xuất đang gấp rút giải quyết đơn hàng trước khi các đối tác thương mại chuẩn bị áp thuế thương mại, trong khi nhập khẩu giảm do nhu cầu trong nước yếu.
Dữ liệu thương mại trái chiều chỉ ra những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng thúc đẩy tăng trưởng chung mà không quá phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là khi hầu bao của người tiêu dùng đang thắt chặt.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết trong một lưu ý rằng xuất khẩu thép mạnh mẽ tiếp tục bù đắp một phần cho sự yếu kém của ngành thép, vốn đang phải vật lộn với biên lợi nhuận thấp.
Dữ liệu hải quan công bố hôm 10/9 cho thấy lượng quặng sắt nhập khẩu của nước này trong tháng 8 đã giảm 1,38% so với tháng 7 và giảm 4,73% so với cùng kỳ năm ngoái, do giá thép giảm và triển vọng nhu cầu ảm đạm đã làm giảm nhu cầu của người mua.
Theo đó, trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá thép cuộn cán nóng tăng 3,44%, giá thép cây tăng 3,1%, giá thép cuộn tăng 1,87% và giá thép không gỉ tăng 1,75%.
Công ty tư vấn Mysteel của Trung Quốc cho biết lượng hàng tồn kho của năm sản phẩm thép cacbon chính do các nhà máy thép Trung Quốc nắm giữ đã giảm trong tuần thứ 6 liên tiếp từ ngày 30/8 đến ngày 5/9, xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua.
Theo Mysteel, sản lượng thép của Trung Quốc đã phục hồi phần nào trong tuần khi biên lợi nhuận được cải thiện nhờ chi phí sản xuất giảm khiến một số nhà máy thép hoạt động trở lại.
N.Hao
Nguồn: VITIC











 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715374782