Thứ tư, 15-1-2025 - 10:51 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường kim loại ngày 12/9: Giá đồng tăng mạnh do kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ 

 Thứ năm, 12-9-2024

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 11/9 giá bạc, giá bạch kim, giá palladium, giá đồng, nickel, giá chì, giá nhôm, giá thiếc, giá kẽm, giá thép tăng, trong khi giá vàng và quặng sắt giảm.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ phục hồi, sau khi dữ liệu lạm phát khiến các nhà đầu tư hạ kỳ vọng về một đợt giảm lãi suất lớn từ Fed vào tuần tới.
Chốt phiên giao dịch ngày 11/9, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 2.513 USD và giá vàng giao tương lai gần như không đổi ở 2.542 USD.
Giá tiêu dùng của Mỹ chỉ tăng nhẹ trong tháng 8, nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, điều này có thể ngăn cản Fed thực hiện việc hạ lãi suất nửa điểm vào tuần tới.
Công cụ CME FedWatch cho thấy các thị trường đang đặt cược 87% khả năng Mỹ sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, so với mức 71% trước khi dữ liệu lạm phát được công bố.
Theo đa số các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters, Fed sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp chính sách còn lại vào năm 2024, cho thấy chỉ có 9/101 người dự kiến sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm vào tuần tới.
Tai Wong, một nhà giao dịch độc lập có trụ sở tại New York, nhận định sự gia tăng của chỉ số CPI cơ bản ít nhiều đã củng cố mức giảm 25 điểm cơ bản vào tuần tới. Giá vàng có thể phải chờ thêm một thời gian nữa để xác lập mức cao mới mọi thời đại.
Các thị trường bây giờ sẽ hướng tới chỉ số giá sản xuất của Mỹ và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vào thứ Năm (12/9).
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,8% lên 28,60 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,9% lên 955,73 USD và giá palladium tăng 4,8% lên 1.011 USD.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, cho biết giá palladium đang tăng do những thay đổi trong quy định xuất khẩu, đặc biệt là ở Nga.
Trên thị trường kim loại màu, giá đồng tăng mạnh do kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong hơn bốn năm có thể gây áp lực lên đồng USD.
Trên sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME), giá đồng kỳ hạn 3 tháng tăng 0,9% lên 9.102,5 USD/tấn.
Tom Price - Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Panmure Liberum, cho biết kim loại cơ bản và vàng có khả năng sẽ được hỗ trợ trong vài ngày tới trước quyết định về lãi suất vào ngày 18/9. Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ để có thêm manh mối về triển vọng lãi suất.
Thị trường hiện đang kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong ba cuộc họp chính sách còn lại vào năm 2024.
Nhu cầu từ Trung Quốc, nước mua đồng lớn nhất thế giới, đã chậm lại vào tháng 8. Ngày 9/9, cơ quan hải quan cho biết nước này đã nhập khẩu 415.000 tấn đồng trong tháng 8, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tâm lý hàng hóa của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi đợt bán tháo sâu hơn trên thị trường chứng khoán, các nhà phân tích của ngân hàng ANZ của Úc cho biết trong một lưu ý.
Thị trường chứng khoán của nước này vừa trượt xuống mức thấp nhất trong bảy tháng.
Đồng thời, giá nickel tăng, khi nhà sản xuất lớn Nga đề xuất cấm xuất khẩu kim loại dùng sản xuất ắc quy, nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Cụ thể, trên sàn giao dịch kim loại London, giá nickel giao sau 3 tháng tăng 2,6% lên 16.145 USD/tấn, sau khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ xem xét hạn chế xuất khẩu uranium, titan và nickel.
Nga là nước sản xuất nickel tinh chế lớn nhất thế giới và là nước cung cấp chủ yếu cho Trung Quốc và châu Âu.
Trên thị trường kim loại màu khác, giá chì tăng 1,8% lên 1.990 USD, giá nhôm tăng 1,2% lên 2.364,5 USD, giá thiếc tăng 1,5% lên 31.000 USD, trong khi kẽm tăng 2% lên 2.767 USD.
Trên thị trường sắt thép, giá thép quay đầu tăng. Cụ thể, giá thép thanh tương lai trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,44% lên 2.953 nhân dân tệ/tấn. Tuy nhiên, giá thép vẫn giảm tới 20,17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo chiều ngược lại, giá quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đảo chiều, giảm 0,52% xuống 91,28 USD/tấn.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 1,38% so với tháng trước xuống 101,39 triệu tấn và giảm 4,73% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc. Sự giảm sút này được cho là do giá thép giảm và triển vọng nhu cầu ảm đạm đã làm giảm khẩu vị của người mua.
Tình trạng bán tháo do các yêu cầu mới về chất lượng thép đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý tại thị trường thép lớn nhất thế giới, buộc nhiều nhà sản xuất thép phải giảm sản lượng. Điều này đã làm giảm nhu cầu về nguyên liệu thô, bao gồm quặng sắt, theo các nhà phân tích.
"Ngày càng nhiều nhà máy thép trong nước bắt đầu bảo trì thiết bị từ tháng 7 sau khi giá thép liên tục giảm khiến họ không còn nhiều không gian để có lợi nhuận," ông Chu Xinli, một nhà phân tích tại China Futures có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết.
Hơn nữa, các nhà sản xuất thép đã trở nên thận trọng hơn trong việc đặt hàng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển do tồn kho ở cảng vẫn cao và thiếu niềm tin vào triển vọng nhu cầu trong mùa xây dựng cao điểm; biên lợi nhuận nhập khẩu tiêu cực cũng đã kìm hãm sự quan tâm mua bán đầu cơ, ông Chu nói thêm.
Tồn kho tại các cảng lớn đã đạt 150,8 triệu tấn vào cuối tháng 8, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, mặc dù giảm nhẹ 0,7% so với tháng trước đó, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Steelhome.
Ngoài ra, việc vận chuyển từ một số mỏ đã chậm lại trong tháng 7 sau khi đạt được mục tiêu quý, dẫn đến giảm lượng nhập khẩu vào Trung Quốc trong tháng 8, theo các nhà phân tích.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đạt tổng cộng 814,95 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo các nhà phân tích, nhập khẩu quặng sắt hàng tháng có thể dao động quanh mức 100 triệu tấn trong phần còn lại của năm, cho thấy tình trạng dư cung toàn cầu.
N.Hao
Nguồn: VITIC









 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25717256353