Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng
Thứ năm, 5-9-2024AsemconnectVietnam - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2024 được đánh giá vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán nhưng các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm, điện tử... đã và đang lấy lại đà tăng trưởng, có cơ hội tiếp nhận được nhiều đơn hàng quốc tế mới.
Với ngành dệt may, sau một năm 2023 đầy khó khăn, đã làm cho nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đuối sức thì năm 2024 những tín hiệu khả quan từ sự phục hồi của kinh tế thế giới, cùng với sức chống chịu bền bỉ của doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước đưa kim ngạch xuất khẩu dệt may từ tăng trưởng âm trong năm ngoái sang tăng trưởng dương.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tháng 7 là tháng đầu tiên trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD và cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2022. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 4,29 tỷ USD trong tháng 7/2024, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 16,1% so với tháng trước.
Tính chung 7 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 23,9 tỷ USD, đạt trên 50% mục tiêu xuất khẩu cả năm.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, ngành dệt may Việt Nam có sự khởi sắc là do hầu hết thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua hiệp hội để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng hoá thị trường và khách hàng.
Cùng với dệt may, da giày cũng là một trong những ngành xuất khẩu “tỷ đô” của Việt Nam, khi ngày càng chiếm được vị thế khá tốt trên thế giới. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến ngành đạt 26-27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho năm 2024.
Ngành gỗ và sản phẩm gỗ cũng là ngành xuất khẩu mang về hàng tỷ USD cho nền kinh tế. Dù ngành đã gánh chịu mức sụt giảm nặng nề trong năm 2023 nhưng những tháng qua của năm 2024 đã ghi nhận sự phục hồi tích cực của ngành này khi trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, mặc dù chưa phải mùa cao điểm, nhưng sự phục hồi của thị trường tiêu thụ đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt kết quả tích cực.
Điều này cho thấy, các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tại thị trường lớn trên thế giới. Để làm được điều này, các doanh nghiệp ngành gỗ đã đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa mẫu mã. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng chú trọng đến việc sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững và cải thiện quy trình sản xuất để bảo vệ môi trường, giúp gia tăng giá trị sản phẩm và thu hút khách hàng tại các thị trường khó tính.
Xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo còn biến động
Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (theo kết quả 7 tháng năm 2024).
Xuất khẩu cuối năm dự báo sẽ càng khởi sắc. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng hiện vẫn có nhiều thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện. Trong đó, những điểm nghẽn lớn của công nghiệp trong thời gian dài vừa qua vẫn chưa được khắc phục một cách hiệu quả; nền sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI; giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển và chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp cũng được đánh giá là phục hồi chưa toàn diện. Trong 7 tháng đầu năm 2024, còn 3/63 địa phương có IIP giảm. Một số ngành sản xuất chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ - như điện thoại thông minh, tivi, ô tô, sắt thép thô, bia hơi… Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: giày dép, gỗ, điện thoại các loại và linh kiện… mặc dù phục hồi tích cực song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022.
Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng tích cực trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da - giày, điện tử, chế biến thực phẩm. Đặc biệt, năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI.
CK
Nguồn: VITIC/haiquanonline.com.vn
Xuất khẩu rau, quả của Việt Nam tháng 8 và 8 tháng năm 2024
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024
Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc 7 tháng và dự báo năm 2024
Xuất khẩu cá ngừ và cá tra Việt Nam 7 tháng năm 2024
Xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp trong nước tăng mạnh
Xuất khẩu gỗ 7 tháng đầu năm 2024, thuận lợi và thách thức của ngành gỗ
Xuất khẩu hàng hóa sang một số quốc gia ASEAN 7 tháng đầu năm 2024
Trao đổi thương mại Việt Nam – Hà Lan 7 tháng đầu năm 2024
Tình hình xuất khẩu và nhập khẩu phân bón của Việt Nam tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024
Tình hình nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024
Dự báo trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các đối tác thương mại hàng đầu thế giới
Những nhóm hàng chủ yếu xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 7 tháng đầu năm 2024
Trung Quốc - thị trường nhập khẩu nhiều nhất thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam
Tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may cao nhất trong 2 năm