Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi: Đề xuất 5 giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại, năng lượng tại địa phương
Thứ bảy, 10-8-2024AsemconnectVietnam - Tiếp tục chuyến công tác ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, chiều ngày 8/8/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ. Cùng tham gia với đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam và đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Về phía tỉnh Quảng Ngãi có bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng đại diện các Sở, ban ngành địa phương.
Quảng Ngãi có tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ
Tại buổi làm việc, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024 và việc triển khai thực hiện quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi có điều kiện, tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp biển, năng lượng và các ngành thương mại, dịch vụ. Trên địa bàn tỉnh có 01 Khu kinh tế Dung Quất, hạt nhân phát triển là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, hiện đang được đầu tư nâng cấp mở rộng công suất lên 7,6 triệu tấn dầu thô/năm, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (công suất 6 triệu tấn/năm) và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (công suất thiết kế: 5,6 triệu tấn/năm).
Ngoài 3 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất đã đi vào hoạt động, trên địa bàn tỉnh còn có: 02 khu công nghiệp: Quảng Phú (92,147ha); Phổ Phong (diện tích quy hoạch 157,38ha) và 20 cụm công nghiệp giữ vai trò là khu, cụm công nghiệp vệ tinh cho Khu kinh tế Dung Quất.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại buổi làm việc
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế tỉnh Quảng Ngãi tăng trưởng khá. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 15.279 tỷ đồng; riêng thu từ nhà máy lọc dầu là 4.795 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 6.272 tỷ đồng.
Về triển khai thực hiện các đề án, dự án công nghiệp trọng điểm, hiện Sở Công Thương đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện các Sở, ngành của tỉnh Quảng Ngãi cũng chia sẻ về những vướng mắc, khó khăn và đề xuất các kiến nghị để Bộ Công Thương hỗ trợ tháo gỡ nhằm thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng trở lại, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế toàn tỉnh. Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh thuộc các lĩnh vực về năng lượng, phát triển công nghiệp, thương mại, an toàn môi trường.... Đại diện các đơn vị chức năng tham gia Đoàn công tác Bộ Công Thương đã trao đổi, giải đáp cơ bản các kiến nghị của tỉnh.
5 giải pháp để Quảng Ngãi khai thác hiệu quả thế mạnh, thúc đẩy tăng trưởng
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Quảng Ngãi là một trong những cực tăng trưởng tại khu vực miền Trung, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế trong Vùng và cả nước.
“Với những lợi thế về bờ biển dài (130 km), có Cảng biển nước sâu Dung Quất; hạ tầng giao thông kết nối phát triển đa phương thức cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn phát triển kinh tế biển (nhất là phát triển công nghiệp nặng với ngành chủ lực là lọc hóa dầu, luyện cán thép, đóng tàu), phát triển năng lượng và thương mại, dịch vụ logicstic, du lịch biển... Đặc biệt, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi đã trở thành một trong những trung tâm năng lượng chiến lược của đất nước”- Bộ trưởng đánh giá và cho biết thêm, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã khai thác khá tốt các tiềm năng, lợi thế để tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nâng tỷ trọng các ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ chiếm gần 80% GRDP của tỉnh.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, các chỉ số chính trong lĩnh vực công thương của tỉnh cơ bản đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước (trừ sản xuất công nghiệp); một số chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong lĩnh vực Công Thương của tỉnh cần tập trung khắc phục và nguyên nhân; từ đó gợi mở với tỉnh những định hướng phát triển nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Đối với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương cơ bản nhất trí. Dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng đề nghị Quảng Ngãi quan tâm, chú trọng chỉ đạo một số các nội dung sau:
Trước hết, đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KTXH năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định có liên quan về giá đất, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Các quy định mới về giảm 2% thuế VAT, chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; đặc biệt là các chính sách đột phá mới được ban hành trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu,... Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn (như dự án đóng tàu Dung Quất và 3 Nhà máy điện khí, Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn); chú trọng rà soát, tháo gỡ các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không phù hợp, giúp giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Thứ hai, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi đã được phê duyệt ngày 23/11/2023 nên về nguyên tắc là đã có cơ sở tích hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, các Quy hoạch ngành trước đó. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý tỉnh vẫn cần chủ động rà soát lại tổng thể Quy hoạch tỉnh, bảo đảm phù hợp, liên thông với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các Quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, bổ sung Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với Quy hoạch tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới.
Thứ ba, khẩn trương triển khai thực hiện các QH ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn Tỉnh được quy hoạch 20 dự án nguồn điện (04 DA điện khí; 14 DA thủy điện nhỏ; 02 DA ĐMT tự án tự tiêu); 15MW điện rác; 39 MW ĐMTMN; 20 dự án lưới điện và 35 điểm mỏ khoáng sản (gồm Titan, Vàng, Sắt, Thiếc, Wolfram; Grafit, Caolanh, khoáng nóng...). Đến nay, tỉnh đã có đầy đủ điều kiện để triển khai các dự án trên nên cần đẩy nhanh tiến độ lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai, bảo đảm đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương. Trong đó, một mặt chú trọng phát triển những ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, luyện thép chất lượng cao, công nghiệp đóng tàu,...; đồng thời quan tâm thúc đẩy công nghiệp địa phương để giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, vừa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương cho phát triển kinh tế địa phương. Chú trọng phát triển công nghiệp hóa dầu và luyện thép chất lượng cao, công nghiệp, năng lượng. Đồng thời quan tâm thúc đẩy công nghiệp địa phương để giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân và khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, địa phương.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi; đồng thời, áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư có hiệu quả (như đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công…) để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng logicstic và hạ tầng các KCN quan trọng đã được thành lập.
Chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung Bộ và cả nước; đồng thời, xây dựng Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị khoá XIII về phát triển KTXH vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nhằm vừa thúc đẩy phát triển KTXH của Quảng Ngãi nói riêng và cả Vùng nói chung, vừa góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng và triển khai Đề án Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, đồng thời yêu cầu hai đơn vị thuộc Bộ là Vụ Dầu khí và Than, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Bộ trưởng cũng đề nghị Quảng Ngãi tiếp tục chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tỉnh nền tảng (như công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến, sửa chữa động cơ phục vụ công nghiệp chế biến, hóa chất...), công nghiệp năng lượng (nhất là năng lượng tái tạo) và các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển theo hướng công nghiệp xanh, có sức cạnh tranh cao, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển SXCN của địa phương; Có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ; có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây truyền sản xuất và phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh nhằm tạo "cú huých" phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, tạo động lực, lan toả, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác.
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển thương mại theo hướng số hoá, công nghệ hoá phương thức kinh doanh. Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện nhằm phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, cũng như là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông.
Quan tâm phát triển hạ tầng thương mại (gồm cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử); chú trọng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới để thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá. Đồng thời, cần tăng cường hỗ trợ xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương và tích cực hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhất là các Hiệp định thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… để phát triển, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã ghi nhận 11 kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh đã nêu, đồng thời cho biết, sau buổi làm việc này, Bộ Công Thương sẽ có văn bản hướng dẫn, giải đáp cụ thể những vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của tỉnh để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Ngoài ra, có một số kiến nghị khác liên quan đến chức năng của các Bộ, ngành khác và thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, chuyển đến các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đồng hành cùng địa phương tháo gỡ vướng mắc, thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra.
Sau khi nghe các đơn vị thuộc Bộ trao đổi các vấn đề, thay mặt địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác Bộ Công Thương đã dành thời gian đến làm việc và lắng nghe tiếng nói từ địa phương, đồng thời hy vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của Bộ trong thời gian tới.
Về phía tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định sẽ tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng, đề nghị các Sở ngành liên quan thời gian tới quan tâm triển khai thực hiện các vấn đề đã được gợi mở tại buổi làm việc, tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương hơn nữa, đặc biệt là trong công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quy hoạch tỉnh và các Quy hoạch ngành Quốc gia một cách hiệu quả nhất.
Nguồn:moit.gov.vn Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long tiếp và làm việc với Đại sứ Indonesia tại Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica
Costa Rica trở thành quốc gia thứ 73 công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng Chính phủ dự Lễ đón chính thức và Hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long tiếp Đại sứ Pháp tại Việt Nam
Nhật Bản tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng
Hội nghị đối thoại giữa Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ năm 2024
Bộ Công Thương tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Ma-lai-xi-a, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (mã số vụ việc: AD17)
Bộ Công Thương tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (mã vụ việc: AD18)
Bộ Công Thương khuyến nghị giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh cước vận tải biển tăng cao
Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7, phiên mở rộng
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Bộ trưởng Thương mại New Zealand bên lề Phiên họp mở rộng Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long tiếp Đoàn Thượng nghị sỹ Tammy Duckworth
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dự Hội nghị Bộ trưởng thương mại G7 mở rộng