Thứ bảy, 23-11-2024 - 16:46 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ 8 thế giới 

 Thứ bảy, 10-8-2024

AsemconnectVietnam - Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ 8 thế giới, nhưng tỷ trọng nhập khẩu chè Việt Nam từ những thị trường chính trên toàn cầu vẫn còn rất thấp.

7 tháng, xuất khẩu chè tăng trưởng 2 con số
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ước tính, xuất khẩu chè trong tháng 7/2024 đạt 16 nghìn tấn, trị giá 29 triệu USD, tăng 14,5% về lượng và tăng 6,8% về trị giá so với tháng 6/2024; tăng 52,8% về lượng và tăng 56,2% về trị giá so với tháng 7/2023. Giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 7/2024 ước đạt 1.796,3 USD/ tấn, giảm 6,7% so với tháng 6/2024, nhưng tăng 2,2% so với tháng 7/2023.
7 tháng năm 2024, xuất khẩu chè ước đạt 78 nghìn tấn, trị giá 135 triệu USD, tăng 32,7% về lượng và tăng 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.727,7 USD/tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý II/2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 35,4 nghìn tấn, trị giá 62,7 triệu USD, tăng 31,1% về lượng và tăng 35,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu trong quý II/2024 đạt 1.772,4 nghìn USD/tấn, tăng 3,2% so với quý II/2023.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 62 nghìn tấn, trị giá 106 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.710,0 USD/tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý II/2024, xuất khẩu chè có xu hướng tăng mạnh nhờ nhu cầu tại nhiều thị trường đang có dấu hiệu phục hồi. Trong đó, chủng loại chè xanh xuất khẩu chiếm ưu thế với 61,6% tổng trị giá xuất khẩu; tiếp theo là chủng loại chè đen, chè ô long và chè ướp hoa.
Cụ thể, xuất khẩu chè xanh trong quý II/2024 đạt 19,9 nghìn tấn, trị giá 38,6 triệu USD, tăng 64,4% về lượng và tăng 61,8% về trị giá so với quý II/2023. Chè xanh xuất khẩu chủ yếu tới khu vực châu Á, chiếm 97,8% về lượng và chiếm 97,7% về trị giá trong quý II/2023. Chỉ một lượng nhỏ chè xanh được xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chủng loại chè xanh xuất khẩu đạt 32,4 nghìn tấn, trị giá 62,1 triệu USD, tăng 56,3% về lượng và tăng 54% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tiếp theo là chủng loại chè đen xuất khẩu trong quý II/2024 đạt 13,7 nghìn tấn, trị giá 17,3 triệu USD, tăng 18,4% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Chè đen xuất khẩu chủ yếu sang khu vực châu Á, chiếm 71,3% về lượng và chiếm 68,3% về trị giá so với quý II/2023; tiếp theo là xuất khẩu tới khu vực châu Âu chiếm 14,5% về lượng và chiếm 17,2% về trị giá; châu Mỹ chiếm 13,4% về lượng và chiếm 13,7% về tri giá; còn lại tỷ trọng nhỏ là khu vực châu Đại Dương và châu Phi. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chè đen xuất khẩu đạt 26 nghìn tấn, trị giá 33,4 triệu USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 11,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam - thị trường xuất khẩu chè lớn thứ 8 thế giới
EU là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên toàn cầu. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê châu Âu, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu chè của thị trường EU đạt 401 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023, trị giá nhập khẩu chè của EU từ Việt Nam chỉ chiếm 0,19% tổng trị giá nhập khẩu.
Như vậy, dư địa thị trường vẫn còn rất lớn và có nhiều cơ hội để mở rộng thị phần đối với ngành chè Việt Nam. Tuy nhiên, EU đang ngày càng đặt ra nhiều quy định hơn về kinh tế xanh, sạch, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải cập nhật thông tin để đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này.
Pakistan là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ 2 toàn cầu. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chè Pakistan, trong 6 tháng năm 2024, nhập khẩu chè vào nước này đạt 272 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Sự gia tăng nhập khẩu chè cho thấy sự phổ biến của loại đồ uống này đối với người tiêu dùng tại Pakistan, bất chấp áp lực về kinh tế. Chè vẫn là mặt hàng được tiêu thụ chính trong các hộ gia đình ở Pakistan và là loại đồ uống ăn sâu vào nền văn hóa và xã hội của đất nước này.
Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu chè của Pakistan từ Việt Nam vẫn còn thấp và đang có xu hướng giảm. Do nhiều rào cản, đặc biệt là thiếu thông tin thị trường, nên doanh nghiệp chè Việt Nam khó tiếp cận và khó có những đơn hàng lớn với các doanh nghiệp Pakistan.
Đáng chú ý, trong số các thị trường nhập khẩu chè hàng đầu thế giới, nhập khẩu chè của thị trường Hoa Kỳ ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm 2024. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trong 5 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu chè của Hoa Kỳ đạt 222 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu chè từ thị trường Việt Nam, tuy nhiên, thị phần chè của Việt Nam tại Hoa Kỳ vẫn ở mức thấp và vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng thị phần tại thị trường này.
Thu nhập của người dân Hoa Kỳ đang tăng lên, tiêu dùng tăng dần sẽ thúc đẩy hoạt động mua hàng của các nhà nhập khẩu tăng mạnh trở lại. Tuy Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu chè lớn, nhưng cũng là thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác tốt hơn các thị trường lớn, giàu tiềm năng như Hoa Kỳ, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè cần đầu tư chế biến, đặc biệt là quan tâm sát sao đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu chè của Anh đạt 114 triệu USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tại Anh, chè là thức uống chính, với một bộ phận đáng kể người tiêu dùng ở mọi mức thu nhập đều uống chè hàng ngày. Vì vậy, Anh cũng là thị trường rất tiềm năng để chè của Việt Nam có cơ hội mở rộng, khi tỷ trọng mới chỉ chiếm 0,2% tổng trị giá nhập khẩu chè của Anh trong 4 tháng đầu năm 2024.
Đứng vị trí thứ 5 trong số các thị trường nhập khẩu chè lớn trên thế giới là thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), nhưng nhu cầu nhập khẩu chè của thị trường này đang có xu hướng giảm mạnh. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê Hồng Kông (Trung Quốc), nhập khẩu chè của thị trường này trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 56 triệu USD, giảm 33,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Do nhu cầu thị trường giảm mạnh nên tỷ trọng nhập khẩu chè của thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) từ Việt Nam cũng giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ chiếm 0,01% tổng trị giá nhập khẩu, từ mức 0,15% trong cùng kỳ năm 2023.
Nhu cầu nhập khẩu chè tại các thị trường lớn trên thế giới đang có xu hướng phục hồi, đây là tín hiệu tích cực để ngành chè Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu chè trong thời gian tới.
Mặc dù là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ 8 về trị giá trên thị trường thế giới (theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế - ITC), nhưng tỷ trọng nhập khẩu chè từ các thị trường chính trên toàn cầu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp. Vì vậy, cơ hội để mở rộng thị phần chè là rất khả quan.
Tuy nhiên, để mở rộng thị phần chè trên thị trường thế giới, ngành chè Việt Nam cần tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm; Đẩy mạnh sản xuất chè cao cấp, chè hữu cơ, chè an toàn, chú trọng vào quy trình chế biến và đóng gói hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với đó, cần tăng cường quảng bá thương hiệu chè Việt Nam ra thị trường quốc tế, tham gia các hội chợ, triển lãm chè uy tín để giới thiệu sản phẩm và kết nối với đối tác tiềm năng.
Nguồn: congthuong.vn

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715963920