Chủ nhật, 1-9-2024 - 13:18 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường nông sản thế giới ngày 9/8: Giá đường tăng hơn 2% 

 Thứ sáu, 9-8-2024

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 8/8 giá ngô, giá lúa mì, giá đậu tương, giá tiêu, giá cao su giảm, trong khi giá cà phê, giá đường tăng.

Cà phê tiếp tục tăng mạnh
Trên sàn London, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2024 tăng thêm 98 USD; lên mức 4.481 USD/tấn. Và kỳ hạn giao tháng 11/2024 tăng mạnh 96 USD; ở ngưỡng 4.286 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn New York, giá Arabica giao tháng 9/2024 tăng tới 10,35 cent; chạm mức 246,30cent/lb. Và kỳ hạn giao tháng 12/2024 tăng thêm 9,05 cent; ở mức 242 cent/lb.
Giá Arabica đã trở lại mức cao nhất trong gần một tháng qua nhờ dự báo thời tiết lạnh hơn ở quốc gia sản xuất hàng đầu Brazil đã thúc đẩy người rang xay mua vào.
Thời tiết lạnh hơn ở Brazil khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và buộc một số người phải đóng các vị thế bán khống, mặc dù các nhà khí tượng học đã bác bỏ rủi ro về sương giá có thể gây hại cho cây cà phê.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nhu cầu từ các nhà nhập khẩu châu Âu tăng do xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước thời hạn tuân thủ các tiêu chuẩn Quy định phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR).
EUDR được đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu việc nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và yêu cầu các biện pháp thẩm định và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt đối với các mặt hàng trong đó có cà phê.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm ngoái, nhập khẩu cà phê của EU từ thị trường thế giới giảm 10% do nền kinh tế suy thoái, lạm phát duy trì ở mức cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này của người dân châu Âu sẽ tăng trở lại.
Liên minh châu Âu có mức tiêu thụ cafe bình quân đầu người cao nhất thế giới, mặc dù mức tiêu thụ tại các thị trường thành viên khác nhau. Quy mô thị trường cafe châu Âu dự tính đạt 47,88 tỷ USD vào năm 2024 và dự báo sẽ đạt 58,14 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng bình quân 3,96% trong giai đoạn 2024 – 2029.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), EU hiện đang là thị trường tiêu thụ cafe lớn nhất thế giới, chiếm 24 – 25% sản lượng tiêu thụ toàn cầu. Nhập khẩu cà phê của EU trong niên vụ hiện tại ước tính tăng 1 triệu bao lên mức 25,5 triệu bao, con số này dự kiến sẽ tăng thêm 2 triệu bao lên 47,5 triệu bao trong niên vụ 2024-2025.
Mặc dù nhu cầu của thị trường đang ở mức cao nhưng lượng nông sản này dành cho xuất khẩu của Việt Nam hiện không còn nhiều.
Ngô, lúa mì, đậu tương đồng loạt giảm
Chốt phiên giao dịch ngày 8/8, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), giá lúa mì giảm 3/4 cent xuống 5,37-1/2 USD/bushel. Giá đậu tương CBOT giảm 10-1/2 cent xuống 10,08-1/4 USD/bushel, trong khi ngô giảm 3-3/4 cent xuống 3,97 USD/bushel.
Giá ngô kỳ hạn tại CBOT giảm và giá đậu tương kỳ hạn thiết lập mức thấp mới, khi nông dân Mỹ tranh giành bán ngũ cốc và hạt có dầu vụ cũ khiến thị trường toàn cầu tràn ngập nguồn cung, các thương nhân cho biết.
Trong khi đó, giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago trong ngày tăng cao do các dấu hiệu thời tiết mới gây thiệt hại cho cây trồng châu Âu, nhưng cuối ngày giảm nhẹ.
Tiêu giảm mạnh
Theo đó, giá hạt tiêu đen Lampung tại Indonesia giữ ở mức 7.211 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia neo tại ngưỡng 8.836 USD/tấn.
Giá hồ tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia giữ ở mức 8.500 USD/tấn; còn hồ tiêu trắng ASTA của quốc gia này có giá 10.400 USD/tấn.
Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 giao dịch ở ngưỡng 6.400 USD/tấn.
Tại Việt Nam, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 g/l giao dịch với mức 6.000 USD/tấn; còn loại 550 g/l ở mức 6.600 USD/tấn. Còn giá hồ tiêu trắng xuất khẩu giữ tại mốc 8.800 USD/tấn.
Về vĩ mô, các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới vừa trải qua đợt lao dốc và rung lắc mạnh, trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại đột ngột hơn nhiều so với dự kiến.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không như dự báo, cũng tăng trưởng chậm lại. Điều này khiến nhu cầu chi tiêu của người dân thắt chặt hoặc lượng hàng tồn kho vẫn còn đủ dùng, khiến Trung Quốc tiếp tục hạn chế thu mua hồ tiêu từ Việt Nam.
Hiện giá hồ tiêu tại thị trường Trung Quốc đang thấp hơn giá tại Việt Nam có thể là nguyên nhân chính của việc hạn chế nhập khẩu tiêu từ Việt Nam.
Về nguồn cung toàn cầu được bổ sung khi Indonesia bước vào vụ thu hoạch. Trong cuộc họp cuối tháng 7 vừa qua, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định sản lượng vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2024.
Bên cạnh đó, tình trạng sâu bệnh hại vẫn còn nhưng không đáng kể. Những thông tin trên làm vơi bớt mối lo nguồn cung trong tương lai, thúc đẩy thị trường giảm.
Chuyên gia cũng không loại trừ có nhiều thành phần tham gia thị trường đang ép giá tiêu giảm mạnh để gom hàng đợt này.
Giá đường tăng hơn 2%
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,43 cent, tương đương 2,4%, lên 18,57 cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 2,4% lên 526,60 USD/tấn. Giá tăng là do chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu, và thời tiết khô hạn ở Brazil.
Một cuộc khảo sát do S&P Global Commodity Insights thực hiện cho thấy sản lượng đường trung bình trong nửa cuối tháng 7 là 3,6 triệu tấn, giảm 2,4% so với một năm trước đó.
Cao su giảm
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 tăng 0,61% lên mức 328,7 yen/kg.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải (SHFE), giá cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 tăng 0,77% ở mức 14.400 nhân dân tệ/tấn.
Trong quý II/2024, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước tăng theo xu hướng tăng của thị trường thế giới. Động lực chính giúp giá cao su trong nước tăng chủ yếu từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên, đặc biệt là từ hai quốc gia Thái Lan và Indonesia.
Tuy nhiên giá giá mủ cao su nguyên liệu có xu hướng giảm trở lại kể từ cuối quý II/2024 đến nay do lo ngại ngại nhu cầu của thị trường Trung Quốc chậm lại, theo Bộ Công Thương Việt Nam.
N.Hao
Nguồn: VITIC
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25714141831